Báo Phụ Nữ TPHCM đã gặp gỡ những người có trải nghiệm hôn nhân để lắng nghe cách mà họ nhìn về “kế hoạch hôn nhân”.

Trần Văn Tân (33 tuổi, quận 8, TPHCM): “Nếu chỉ kế hoạch nửa vời, xung đột sẽ đeo đẳng”

Trước khi cưới nhau, chúng tôi lên kế hoạch 2 việc: sinh bao nhiêu đứa con và sẽ sống ở đâu.

Chúng tôi xa quê vào TPHCM làm ăn. Cưới xong, tôi muốn về quê để con cái được sống trong không gian rộng rãi, trong lành hơn. Còn vợ tôi muốn ở thành phố để các con học hành thuận lợi hơn. Ở đâu cũng có cái “hơn” nên vợ chồng tôi ra sức bảo vệ quan điểm của mình. Thấy tình hình không ổn, tôi thỏa hiệp: ở thành phố cho đến khi con 5 tuổi thì về quê. Nghe vậy, vợ tôi càng phản đối. Cuộc bàn bạc trở nên bế tắc.

Thấy việc này không quá cấp bách, ngày cưới thì gần kề, bao thứ phải lo, nên tôi “đầu hàng”: “Cứ cưới, sau này tùy em chọn, anh tin rằng nếu việc về quê là đúng đắn thì em sẽ sớm thấy điều đó. Còn nếu cưới nhau xong em vẫn muốn ở thành phố, anh sẽ theo em”.

Cưới xong, chúng tôi “về chung nhà trọ”. Cuộc sống đang ổn thì vợ tôi đề nghị gom tiền mua căn chung cư ở vùng ven Sài Gòn. Việc này khá nhiêu khê vì tiền để dành của chúng tôi chỉ được một nửa số tiền cần đóng để cọc nhà, rồi phải gánh nợ cả tỉ đồng. Chúng tôi lại xung đột. Vợ tôi cho rằng áp lực mua nhà là điều mà cặp nào cũng phải trải qua. Phải “nếm mật nằm gai” một giai đoạn thì mới có nhà cửa.

Tôi cho rằng, với số tiền hiện tại, chúng tôi đã có thể xây nhà trên mảnh đất ba tôi cho ở quê. Vợ chồng sẽ vừa có nhà, vừa không phải gánh nợ.

Chuyện chưa đâu vào đâu thì dịch COVID-19 ập đến. Vợ tôi khi ấy sinh con chưa được bao lâu. Tôi khuyên vợ về quê tránh dịch, vừa để giảm chi phí vừa an toàn cho con nhỏ. Trong bối cảnh đặc biệt đó, kế hoạch hôn nhân đã lệch về phía tôi. Chúng tôi trở thành “công dân miền quê”. Tôi kiếm việc ở quê, vợ tôi tính chuyện buôn bán.

Song mọi thứ lại không suôn sẻ khi mùa mưa đến, tôi mất việc vì tính chất công việc phải làm ngoài trời. Thu nhập của vợ không đủ cho cả nhà. Cô ấy lại không đủ yêu cuộc sống nông thôn để vượt qua thử thách. Cô ấy liên tục nói về các cơ hội và những điều kiện dễ dàng có được khi sống ở thành phố.

Cả hai quá căng thẳng, tôi quyết định cùng vợ giải quyết rốt ráo chuyện an cư. Tôi nhận ra vấn đề không phải sống ở phố hay ở quê mà là định hướng sống của mỗi người. Ở đâu cũng có ưu có nhược. Chỉ vì muốn sống an ổn ở quê nên tôi thấy chuyện nợ nần để mua nhà Sài Gòn là vô lý. Còn vợ tôi chỉ thích sống ở thành phố nên thời tiết ở quê khiến cô ấy suy sụp tinh thần.

Khi tham khảo một người chị khá tâm lý trong gia đình, chúng tôi bắt đầu ngồi lại. Tôi và vợ tự lên kế hoạch riêng cho mình, để hiểu mình thực sự muốn gì, hình dung của mình về tương lai và đâu là những mong muốn khả thi hoặc không trong hoàn cảnh hiện tại. Sau đó chúng tôi tiếp tục “làm việc” với nhau. Khi được nói ra những mong muốn của mình và được người kia lắng nghe, cả hai đều dễ chịu hơn, không còn kiên quyết bảo vệ ý mình như trước.

Sau khi cân đối giữa mong muốn của cả hai, cộng với điều kiện thực tế lẫn khả năng phát triển trong tương lai, tôi thống nhất quay lại thành phố. Chúng tôi lên kế hoạch chi tiết hơn, đặt ra những mục tiêu cụ thể hơn để cùng phấn đấu.

Sau trải nghiệm này, tôi nhận ra, nếu không thống nhất một kế hoạch sống, chắc chắn vợ chồng sẽ đi đến chỗ “đồng sàng dị mộng”. Với những việc quan trọng, nếu chỉ bàn bạc nửa vời thì xung đột sẽ đeo đẳng. Những nút thắt đó chỉ có thể được mở ra bằng một kế hoạch nghiêm túc với cái nhìn toàn diện, thấu cảm.

Trần Hà Dung (30 tuổi, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam): Ai giỏi mảng nào thì lên kế hoạch cho phần đó


Tôi khá “dễ tính” và dễ hài lòng với mọi việc. Chuyện lớn hay nhỏ, tôi luôn soạn sẵn một kế hoạch trong đầu, tính cả phương án A, phương án B và rồi chỉ làm theo kế hoạch, thế giới có xoay chuyển ra sao thì tôi vẫn… cười.

Thế nhưng, sau khi kết hôn, tôi stress vì thấy mọi thứ không theo ý mình. Có những việc mình rất “đầu tư”, chăm chút nhưng kết cục không như kỳ vọng. Sau một thời gian, tôi nhận ra mình đang… độc tài trong việc lập kế hoạch.

Cuộc sống không còn của riêng tôi nữa. Tôi có bạn đời để cùng chung sống, cùng ăn uống, đi chơi hay thăm nom ba mẹ. Những kế hoạch của tôi trong từng việc sẽ luôn bị lệch khi một nửa “nhân sự” của phi vụ đó không phải là tôi, không thuộc quyền kiểm soát của tôi. 

Tôi đề nghị chồng cùng lên kế hoạch cho mọi việc. Từ việc tổ chức sinh nhật cho ba mẹ đến việc chi tiêu trong từng tuần, từng tháng, hay cả kế hoạch mua sắm cho gia đình. Thế nhưng, chồng tôi không quan tâm tiểu tiết. Khi tôi bàn việc làm đám giỗ, du lịch của cả nhà, anh hay nói: “Tới đó rồi tính”. Thành ra, việc lập kế hoạch trở thành… cơ hội để cãi nhau. Tôi trở thành bà vợ nói nhiều bên cạnh ông chồng trên mây. 

Nhưng cũng nhờ “cái gì cũng đòi bàn bạc” đó, tôi nhận ra có những đề tài mà chồng tham gia rất hào hứng. Ví dụ chuyện mua xe, xây nhà, đầu tư… anh rất hăng hái trong khi tôi lại kiểu “cực chẳng đã”.

Thế nên, kế hoạch của chúng tôi trước hết là phân công ai sẽ phụ trách những phần việc nào trong gia đình. Theo đó, mỗi người sẽ tự lên kế hoạch cho phần việc mà mình phụ trách và trao đổi với người còn lại.

Tôi phụ trách việc chi tiêu, chợ búa, hiếu hỉ, chăm sóc sức khỏe cho các con; còn chồng phụ trách lộ trình tạo dựng xe cộ, đất đai, nhà cửa, cả việc đầu tư và học hành của con. Nguyên tắc là mọi kế hoạch cần được chia sẻ chi tiết với người còn lại và cả hai phải tôn trọng kế hoạch.

Thay đổi này giúp chúng tôi dễ thở hẳn. Tôi không còn kỳ vọng nhiều vào chồng ở những việc mà anh không quan tâm. Chồng cũng phát huy được thế mạnh trong gia đình khi lo những phần việc anh thích. Đến giờ, thói quen lập kế hoạch đã giúp tôi vượt qua những “con trăng” đầy thử thách của hôn nhân.

Vũ Huỳnh Hoa (63 tuổi, quận Gò Vấp, TPHCM): Tôi dặn các con phải lên kế hoạch trước khi kết hôn 

Tôi đổ vỡ hôn nhân vì sự khác biệt về lý tưởng sống. Ngày đó, tôi làm kế toán trong cơ quan nhà nước. Tôi nghĩ mình như vậy là ổn, đến khi lấy chồng sẽ an phận để chồng tập trung phát triển sự nghiệp. 

Thế nhưng chồng (cũ) của tôi sống khá làng nhàng. Thời gian trôi, cả hai không có thành tựu gì đáng kể, tôi bắt đầu lên kế hoạch kinh doanh; nhưng anh sợ rủi ro, sợ các con không có mẹ chăm sóc khi tôi bươn ra ngoài làm lụng. Anh “phong tỏa” tài khoản gia đình để tôi không có vốn. Anh nói xấu tôi với mọi người để tôi “đừng mơ mà mượn tiền hay làm ăn với ai”. Bao kế hoạch tôi lập ra đều bị người bạn đời “vò nát”. Nhiều người trách tôi “ham tiền hơn ham chồng con”, nhưng với tôi, kế hoạch đó không để kiếm tiền, mà chính là cho khát vọng của tôi.

Những ngày đó, vợ chồng toàn xung đột về cách tiêu tiền, cách chăm con, chu cấp cho cha mẹ. Chồng tôi dè sẻn theo kiểu “nhà chỉ có chừng đó tiền”, còn tôi phóng khoáng hơn vì tôi có thể kiếm tiền. Anh dần ác cảm và luôn gây chuyện, bạo hành tinh thần để tôi phải thấy rằng tôi tệ hại, không được phép ước mơ.

Nhưng phải thừa nhận rằng, cả tôi và chồng đều bình an hơn, phát triển hơn sau ly hôn. Tôi trầy trật mãi rồi cũng thành công trong kinh doanh, chạm đến những khát khao đời mình. Anh thì tiếp tục sống ổn định với chuyên môn, có bạn mới và hạnh phúc. 

Tôi dặn các con phải biết lên kế hoạch trước khi kết hôn và khi chọn bạn đời, phải biết kế hoạch phát triển của họ cũng như xem xét thái độ của họ với kế hoạch của mình. Từ kế hoạch riêng, phải có kế hoạch chung, rồi kế hoạch cho từng giai đoạn. Đừng nghĩ hôn nhân màu hồng như tình yêu. Nếu không chủ động gắn bó, cuộc sống sẽ xô đẩy và làm vỡ tung mọi tình yêu trên đời. 

Theo phụ nữ TPHCM