Anh chị làm buôn bán, mỗi người mỗi cửa hàng, ở 2 nơi khác nhau. Chị mở tiệm ăn, gần trường tiểu học của con gái lớn. Anh mở tiệm bán đồ gia dụng, gần trường mầm non của con gái nhỏ.

Cuộc sống gia đình của họ chỉ vỏn vẹn khoảng 1 tiếng vào ban sáng và vài tiếng lúc tối muộn. Ai cũng bận rộn với công việc kinh doanh của mình. Họ có những áp lực riêng, từ khách hàng, từ tiền bạc thu vào, chi ra cho đến chuyện người làm. Sau những ngày cạn năng lượng, họ thường chẳng muốn nói thêm gì với nhau, chỉ muốn đi ngủ.

Hôn nhân ngày càng lạnh nhạt. Có những lần thẩn thơ ngồi nghĩ, chị mong trở lại quá chừng những ngày mới yêu, có gì cũng kể, có gì cũng tâm sự. Anh thì mong được cùng vợ rong ruổi trên những chuyến xe đi phượt chỗ này chỗ nọ, còn bây giờ thời gian nghỉ tay ăn một bữa với nhau cũng phải tranh thủ. Dần dần họ chỉ còn những trách nhiệm dành cho nhau và những công việc đã lên lịch trước, cứ thế mà làm.

Hôn nhân của hai người ngày càng lạnh nhạt (Ảnh minh họa)
Hôn nhân của 2 người ngày càng lạnh nhạt (ảnh minh họa)
 

Hồi đầu năm nay, chuyện kinh doanh bắt đầu tệ dần, cửa hàng của anh ít khách hơn hẳn. Chị khuyên anh lấy nguồn hàng thử nơi khác, thay đổi mẫu mã vì thị trường bây giờ chuộng những món rẻ, đẹp. Anh không nghe, hàng tồn vẫn còn đầy ra đó. Trái lại, bên chỗ chị khách quen đến ăn ngày càng nhiều, chị cũng tập tành học thêm món mới, kết quả rất khả quan.

Một lần ngồi ăn tối cùng nhau, chị gợi ý rủ anh qua làm cùng mình. Đằng nào thì bên chỗ chị cũng đang quá tải, còn chỗ anh thua lỗ đã 3 tháng liền, cũng phải tính lại để cắt lỗ. Anh nghe thế có phần tự ái, dằn mạnh chén cơm xuống, buông đúng một câu: “Chuyện ai nấy làm”.

Họ mâu thuẫn với nhau nhiều hơn kể từ lần đó, chi phí sinh hoạt trong nhà mình chị lo, bởi cửa hàng của anh ngày càng thâm hụt mạnh, rơi vào nợ nần. Chuyện kinh doanh khủng hoảng hơn khi kế bên cửa hàng anh mọc lên một tiệm mới xinh xắn, đông khách hơn.

Chán chường, anh đóng cửa nhiều ngày, đi giải sầu với bạn. Rồi nhiều lần thành quen, anh vắng nhà liên tục. Đầu bên kia, chị lo từ tiệm ăn bận rộn cho đến 2 đứa nhỏ tuổi ăn tuổi học đến mệt phờ. Tối nào anh về 2 người cũng cãi lộn. Thêm một lần nữa chị rủ anh về làm cùng, dù lời lẽ đã khéo léo hơn nhưng anh vẫn sĩ diện, đau nỗi đau thất bại nên càng không chịu.

Chiến tranh lạnh mỗi lúc một rõ ràng, cũng chẳng biết anh bị ai tác động hay nghĩ tiêu cực thế nào mà anh về nói nhẹ: “Tụi mình ly hôn đi, anh gom hàng về quê, mở một tiệm khác”.

Chị như bị ai đấm thụi một cái, đau đớn và bất ngờ. Mọi chuyện chẳng quá to tát, nhưng những tích tụ cứ lớn dần, hoặc anh cảm thấy tình yêu đã nguội lạnh, họ đã quá lâu không tâm tình mọi buồn vui trong cuộc sống, thay vào đó chỉ là những lần ngồi kiểm kê, tính toán, kết thúc bằng những thở dài, thấy cả bạc tiền lẫn tình yêu đều hao hụt.

Chị thấy thương anh nhiều hơn là trách (Ảnh minh họa)
Chị thấy thương anh nhiều hơn là trách (ảnh minh họa)

 

Có lẽ chính anh cũng thấy lời đề nghị ly hôn là chóng vánh, chưa suy nghĩ kỹ càng, nên một tối sau khi nhậu quên trời quên đất, anh về nhà hôn hít lũ trẻ, rồi khẽ nói: “Ba bất tài, tự nhiên giờ nợ nần một mớ…”.

Câu nói bỏ lửng, khiến chị thấy thương anh nhiều hơn là trách. Dù đã cả tháng trời họ không nói chuyện, nhưng lần này chị chủ động: “Anh muốn làm lại cửa hàng cũng được, muốn cùng phụ em cũng được. Mình làm lại, miễn là cùng giữ gìn tổ ấm cho mình và con”.

Anh im lặng một lúc rồi khẽ nói lời xin lỗi. Sau chừng ấy những giận hờn, tự ái và những sai lầm nhỏ nhặt, anh đã tỉnh táo hơn. Anh muốn một lần nữa gầy dựng lại và vun vén tổ ấm. Ngày mai anh sẽ cùng chị làm việc ở tiệm ăn, họ sẽ bớt đi một cửa hàng, nhưng sẽ thêm thời gian dành cho nhau, thay vì chỉ vội vã vài tiếng rồi đánh mất rất nhiều điều đáng ra cần có ở một gia đình.

Theo phụ nữ TPHCM