Trong lúc ăn sáng, đột nhiên cô con gái hỏi tôi: “Khi nào mình lấy tiền tiết kiệm ra xài vậy mẹ?”. Con tôi hỏi thế vì lâu nay tôi hay chia sẻ với con chuyện tiêu dùng. Tôi muốn sau này con trưởng thành, khi kiếm ra tiền sẽ biết trân trọng những đồng tiền làm ra bằng cách biết chi tiêu hợp lý.

Cân đối chi tiêu là việc hết sức cần thiết (ảnh minh họa)
Cân đối chi tiêu là một kỹ năng cần thiết (ảnh minh họa)

Tôi nhận ra, không phải kiếm nhiều tiền người ta mới có dư. Nhiều người thu nhập không cao nhưng chẳng thiếu trước hụt sau bao giờ vì biết dành dụm hợp lý. Cũng không thiếu những người thu nhập ngất ngưởng, nhưng không biết quản lý tiền nên vẫn lao đao, thiếu thốn.

Một anh bạn trai cũ của tôi có thu nhập khá cao, nhưng nhìn cách ăn xài của anh là tôi hiểu anh gặp khó khăn trong những ngày chờ lương.

Có lần thấy tôi thích mặc áo sơ mi đi làm. Áo của một thương hiệu mua trong trung tâm thương mại với giá khá cao nên tôi chỉ mua 1 cái. Đến ngày nhận lương, anh vào mua cho tôi 5 cái 5 màu với số tiền ngót nửa tháng lương. Nhận quà nhưng tôi không vui, vì biết anh đi làm cực khổ chứ chẳng sung sướng gì. Chưa kể, nghĩ đến những ngày cạn tiền sắp tới của anh, tôi lại thêm rầu rĩ.

Khi đã thân thiết hơn, tôi mạnh dạn góp ý để tránh lãng phí trong mua sắm, nhưng anh chỉ... nghe để đó. Đến ngày sinh nhật tôi, anh mua hẳn chiếc bánh kem 4 tầng. Trong căn phòng trọ nhỏ hẹp, nhìn chiếc bánh kềnh càng chiếm trọn góc phòng, thay vì tự hào bởi nhận quà “khủng”, tôi chỉ thấy tiếc tiền và bất an cho cách chi tiêu của anh.

Chiếc bánh khá đắt tiền, quan trọng là 2 chúng tôi chẳng cách gì ăn hết. Mối quan hệ hàng xóm cũng chưa đủ thân để mang bánh đi mời, mà bánh kem là món không để được lâu, chưa nói đến việc ăn nhiều cũng chẳng tốt gì bởi bánh chứa nhiều đường, sữa… Tự nhiên phải mất khoản tiền lớn mà chẳng mang lại chút niềm vui nào, dù là cỏn con.

Sau này, vì nhiều thứ dẫn đến việc chúng tôi chia tay, nhưng sự chi xài quá mức của anh ấy vẫn là lý do để tôi thấy quyết định dừng mối quan hệ của mình lại là đúng.

Chỉ mua những món thực sự cần để tránh lãng phí (ảnh minh họa)
Chỉ mua những món thực sự cần để tránh lãng phí (ảnh minh họa)

Có những cô gái rất thích nhận quà của người yêu. Quà càng giá trị, niềm vui càng kéo dài. Lần nọ tôi đi gội đầu và gặp một cô gái đang được nhân viên của tiệm chăm chút làm móng. Đến đoạn cô gái ấy tính tiền, tôi choáng với con số 1,2 triệu đồng.

Bất ngờ hơn nữa, người móc ví không phải chính chủ, mà là bạn trai của cô gái. Tôi đoán chàng trai ấy vừa qua đời sinh viên. Mới đi làm, thu nhập cho dù cao đến đâu cũng nhiều thứ phải trang trải, lo toan, nếu không biết cách chi tiêu sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nhưng để chiều chuộng sở thích làm đẹp của bạn gái, chàng trai vẫn vui vẻ móc hầu bao.

Có người nói rằng, nếu bạn sinh ra trong một gia đình có kinh tế bình thường, đó là may mắn. Bởi vì nếu có một tuổi thơ quá nghèo khó vật chất, vết thương tâm lý sẽ hằn sâu trong tâm hồn cho đến khi trưởng thành, thậm chí dai dẳng đeo bám suốt đời. Nhiều người khi đã thành công trong cuộc sống, kiếm ra nhiều tiền nhưng vẫn có khoảng trống hoang mang chẳng thể lấp đầy, không thoát được nỗi ám ảnh đói nghèo… Còn nếu sinh ra trong nhung lụa, mọi bước đi đều được trải thảm êm ái, chưa hẳn bạn sẽ sung sướng, bởi bạn sẽ chẳng thể nào trải qua những khó khăn trong cuộc đời, để biết tận hưởng niềm hạnh phúc, càng không đủ lòng trắc ẩn để đồng cảm, thấu hiểu và yêu thương.

Tôi nghĩ, được sinh ra trong một gia đình có mức kinh tế bình thường mới là may mắn, vì mọi thứ chỉ ở ngưỡng vừa đủ. Tôi có sự may mắn đó, để sớm biết rằng, muốn có bất cứ món gì thì phải tự kiếm tiền mua. Tiền kiếm ra từ sức lao động , mình mới biết trân trọng, từ đó sẽ biết chi tiêu hợp lý.

“Khi nào mình lấy tiền tiết kiệm ra xài vậy mẹ?”, tôi không trả lời con gái, nhưng tôi tin từ từ con sẽ tìm ra câu trả lời phù hợp. Sẽ có rất nhiều bài học trong cuộc sống đến từ trải nghiệm bản thân. Đó sẽ là những bài học mà ta tự khắc ghi nhớ, không cần ai dạy.

Rồi con gái tôi cũng sẽ biết rằng, sự tích lũy là cần thiết và mang lại cảm giác an toàn. Nếu chẳng may công việc khó khăn, thu nhập eo hẹp, ít nhất mình vẫn có khoản để dành trước mắt. Chưa kể những lúc ốm đau, cần những khoản chi ngoài dự định, hay khi người nhà, người thân cần đến... số tiền tích lũy ấy càng ý nghĩa.

Nói vậy nhưng không có nghĩa là kiếm tiền chỉ để khư khư dành dụm, hãy sống thoải mái nhất trong khả năng của mình. Cân đối chi tiêu phù hợp và chăm chỉ làm việc khi còn trẻ. Chắc chắn chúng ta sẽ có sự an toàn về mặt tài chính ở tương lai.

Theo phụ nữ TPHCM