Cái giá của tình yêu

Một người Mỹ trung bình chi 120.000 USD trong cuộc đời để theo đuổi tình yêu. Trong đó nhiều nhất là tiền cho những bữa tối lãng mạn, xem phim, quà tặng. Đó là chưa kể đến mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân… Kết quả một khảo sát của công ty cho vay trực tuyến LendingTree (Mỹ) cho thấy 22% những người thuộc thế hệ Y (sinh từ 1981-1996) và 19% gen Z (sinh từ 1997-2012) đang gánh chịu “khoản nợ hẹn hò”.

leftcenterrightdel
 Một cặp đôi chụp ảnh cưới trên lối đi dọc sông Hoàng Phố, Thượng Hải, Trung Quốc vào tháng 9/2022 - Nguồn ảnh: AFP

Một nghiên cứu khác của công ty tư vấn tài chính cá nhân Credit Karma (Mỹ) cho thấy, 29% số người từ 18-34 tuổi đã mắc nợ khi hẹn hò, với 21% có mức nợ vượt quá 500 USD/năm. Các lý do cho khoản nợ bao gồm vô tình chi tiêu quá mức (29%), cố gắng gây ấn tượng (28%) và tìm kiếm sự thân mật (19%). Một cuộc khảo sát khác của trang Finder tiết lộ rằng, 44% gen Z coi nợ nần là yếu tố cần tránh khi cân nhắc tìm bạn đời. Điều này nêu bật nguy cơ tiềm ẩn giữa khoản nợ tích lũy liên quan đến hẹn hò và những rào cản trong việc hình thành mối quan hệ đôi lứa. Đối với thế hệ trẻ, theo đuổi tình yêu và sự kết nối gắn chặt với những mong muốn xa xỉ, thời thượng, dễ dẫn đến nợ nần.

Có nhiều lý do khiến câu chuyện tình yêu gắn liền với vật chất. Trong đó bao gồm mong muốn thể hiện địa vị và đặc biệt là các ngành hàng xa xỉ đang tích cực tiếp thị với thông điệp việc tặng đồ xa xỉ đồng nghĩa với tình yêu, tạo ra quan niệm sai lầm về mối liên hệ giữa vật chất và tình cảm. 1 bữa tối xa hoa tại nhà hàng cao cấp hay món quà là 1 chiếc túi xách hàng hiệu… dần dần trở thành hình ảnh thể hiện sự khác biệt và địa vị. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn tài chính, cản trở tình yêu và hạnh phúc lứa đôi, làm thay đổi bản chất của các mối quan hệ hiện đại.

Giảm gánh nặng để tình yêu đơm hoa

Vào tháng 2/2023, Trung Quốc phát động một chiến dịch đặc biệt chống lại sự xa xỉ trong hôn nhân - bao gồm việc thách cưới quá cao và các lễ cưới xa hoa - như một phần trong nỗ lực thay đổi tập quán lạc hậu ở các vùng nông thôn. Các báo cáo cho thấy, số tiền thách cưới có thể lên tới 300.000 NDT (43.115 USD) ở khu vực phía đông Trung Quốc và khoảng 200.000 NDT ở khu vực phía tây kém phát triển hơn. Số tiền này tương đương với thu nhập của 1 cá nhân trong 5-7 năm ở thành phố và khoảng 10 năm ở khu vực nông thôn.

Ở những thành phố như Bắc Kinh, thách cưới có thể là hiện tượng hiếm khi được nhắc đến nhưng điều đó không có nghĩa là một chàng trai dễ dàng kết hôn với người phụ nữ mình yêu thương. Để tiến đến hôn nhân, anh ta hoặc gia đình mình thường phải mua nhà hoặc sở hữu căn hộ riêng ở Bắc Kinh với giá có thể lên đến 5 triệu NDT (686.000 USD) trong khi mức lương trung bình chỉ khoảng 6.000 NDT/tháng.

Một xu hướng mới đã khởi đầu từ tỉnh Chiết Giang là “hôn nhân 2 đầu” với 2 đặc điểm: không thách cưới, đòi hỏi sính lễ đắt đỏ và có sự thỏa thuận trước về việc sinh 2 con, 1 con mang họ cha và 1 con mang họ mẹ. Các chi phí về nhà ở, xe cộ và các chi phí sinh hoạt khác được chia sẻ đồng đều, mỗi cặp vợ chồng có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ ruột và phải thay phiên nhau về thăm 2 bên gia đình trong các dịp lễ lớn. Xu hướng mới này trái ngược hoàn toàn với phong tục hôn nhân truyền thống của Trung Quốc, vốn thường liên quan đến việc người phụ nữ trở thành một phần của gia đình chồng sau khi kết hôn và con cái mang họ của cha. Kết quả là “hôn nhân 2 đầu” trở thành sự lựa chọn tất yếu của những gia đình sinh con gái. Trong những năm gần đây, xu hướng hôn nhân này đã nhanh chóng được giới trẻ ủng hộ và lan rộng khắp Trung Quốc. 

Theo phụ nữ TPHCM