M.H (35 tuổi, nhân viên ngân hàng tại Hà Nội) kể: “Mình đã ra đi với 2 bàn tay trắng mà chồng cũ không tha. Thi thoảng ổng nhắn tin đe dọa, bắt phải chuyển khoản 5-10 triệu đồng, nếu không chuyển ổng sẽ đến cơ quan mình quậy, không cho làm ăn, hoặc chặn đường gây nhiễu".
Mỗi khi nhắc đến ông chồng ấy, H. lại rùng mình. Cô trách mình trước kia yêu vội, chưa tìm hiểu kỹ càng, bố mẹ giục cưới thì cứ thế lên xe hoa. Về chung nhà mới biết chồng cô ham cá độ. Nhiều lần vợ khuyên răn không được, anh ta còn trộm cả vàng cưới, cắm cả sổ đỏ để vay tiền, H. không chịu được nữa nên ly hôn.
Thủ tục đã xong tại toà, nhưng H. vẫn luôn bị chồng cũ nhắn tin quấy rầy, đeo bám. Nhiều người khuyên cô nên báo công an, nhưng H. chần chừ vì sợ cơ quan chức năng không giúp giải quyết được triệt để, cô sẽ bị chồng cũ trả thù.
|
(Ảnh minh họa) |
M.N (33 tuổi, hiện là kế toán tại một công ty giao nhận vận tải) lại vướng vào mớ rắc rối khi đã có con chung. Chồng cũ của N. vẻ ngoài đạo mạo nhưng lại keo kiệt, thô lỗ và luôn coi thường nhà vợ.
5 năm chung sống, N. nhiều lần chứng kiến mẹ ruột rơi nước mắt trước những câu nói xát muối của con rể. Có lần, mẹ cô ra chơi, trông cháu giúp để cô đi làm. Nhưng đến buổi chiều cô về thì không thấy mẹ đâu.
Mẹ cô về quê, để lại lá thư và 5 triệu đồng: “Mẹ không biết giúp con thế nào. Mẹ có ít tiền, con cầm tạm để thuê người. Con cố gắng nhé!”.
Đọc những dòng chữ của mẹ, mắt cô nhòe nước. Chồng cô vẫn đứng bên cạnh xỉa xói: “Các bà bây giờ cứ đụng một chút là giận, ai mà chiều cho được”. Giây phút ấy, cô chỉ muốn lao vào mà đấm đá “người chồng thành phố” cho hả dạ. Nhưng cô kìm nén đến tận 2 năm sau mới ly hôn.
Chồng cũ của N. thường tự hào mình là người thành phố, chê xuất thân quê mùa của N. và hay ý kiến, trách móc khi mẹ vợ chăm cháu.
Ly hôn xong, anh ta cưới nhanh một cô vợ người thành phố rồi gửi hình cưới khoe N. N. tức lắm, muốn chặn tin nhắn, nhưng không được, vì còn phải để cho con liên lạc với cha. Ông chồng cũ này được nước, thi thoảng lại nhắn tin khoe với con gái, mục đích là lên mặt với N. về hạnh phúc mới và sự giàu có.
“Ước gì con mình không có bố”, N. thở dài khi tâm sự với bạn thân.
|
(Ảnh minh họa) |
Những chuyện như của H. hay N. không hiếm. Có cô kể về anh chồng cũ chia cách tình mẹ con, mẹ muốn gặp hay nói chuyện với con phải đặt lịch, xin phép, thậm chí là chuyển tiền cho anh ta vay mượn. Tưởng chồng cũ có vợ mới là xong, nhưng anh ta quay sang nói móc vợ cũ theo kiểu: “Vì cô mà tôi khổ bao năm”.
Chị P. (40 tuổi, kinh doanh tự do) tâm sự với hội chị em: “Tui sống khác quận với chồng cũ, nhưng hễ tui thân với ai là lão mò được số điện thoại của người ta để nói xấu tui. Anh nào mới mon men đến gần, biết tui có chồng cũ như thế cũng chạy xa”.
Khi được hỏi làm thế nào để tránh rơi vào cảnh chồng cũ "lầy", nhiều chị em đồng ý kiến: “Chắc là do phúc phận, chẳng biết làm thế nào cho thoát!”.
Chồng cũ tất nhiên đều từng là "đương kim chồng", hầu hết do mối quan hệ rất tệ, chồng ngoại tình, vũ phu, coi thường vợ, vô tâm... đến tận khi người vợ không chịu được nữa, họ mới quyết định ly hôn. Hiếm phụ nữ nào muốn đứt gánh nếu còn có cơ hội cứu vãn.
Kỹ năng để bảo vệ mình khỏi những anh “chồng cũ lầy lội" là phải luôn rạch ròi, dứt khoát trong việc đặt ra giới hạn. Đừng bao giờ thỏa hiệp với cái xấu hay để bị đối phương bắt thóp, tấn công vào điểm yếu.
Để ứng phó với “chồng cũ lầy”, cần có kế hoạch dài hơi. Như chị P. đã nhờ anh bạn thân đóng vai "người yêu ngầu". Anh này thường xuyên nhắn tin dọa nạt chồng cũ. Từ từ, người chồng cũ không còn lảng vảng quanh mẹ con chị.
Mỗi người đàn bà hậu ly hôn đều cần bản lĩnh mạnh mẽ, sự nhanh nhạy để “tùy cơ ứng biến”, mới mong có được cuộc sống tự do cho mình và cho con.
Theo phụ nữ TPHCM