Gửi chị Hạnh Dung,

Em năm nay 41 tuổi, lập gia đình gần 20 năm, có 2 con lớn - 1 đứa năm nhất đại học, 1 đứa đang lớp Mười một.

Hiện tại chồng em nghiện cờ bạc, đề đóm, lấy hết tiền lương đi chơi bời, thỉnh thoảng vay tiền người thân để chơi. Dù em đã khuyên bảo hết lời nhưng vẫn không có tác dụng.

Em làm nông nên cũng không kiếm được bao nhiêu, chỉ đủ ăn và lo cho 2 con đi học. Với tình trạng chồng cờ bạc và không mang tiền lương về, em rất mệt và bực. Cảm giác như chồng em chỉ lo chơi bời chứ không lo gì cho mẹ con em.

Em nên làm thế nào để thoát khỏi cảnh này? Em có nên ly hôn?

Thanh Thủy (Long An)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em Thủy thân mến, 

Câu hỏi này hình như Hạnh Dung gặp được hầu như mỗi tháng, thậm chí nhiều hơn. Nó nói lên một thực trạng rất đáng báo động trong đời sống hôn nhân của gia đình Việt: tệ nạn cờ bạc.

Vì sao Hạnh Dung lại nói rằng trong đời sống hôn nhân gia đình, mà không chung chung là đời sống xã hội? Là bởi những người tham gia chơi cờ bạc đa phần là những người chồng, người cha, người chủ gia đình (có một số ít hơn là người vợ, người mẹ).

Thay vì lao động chăm chỉ, siêng năng để làm ra của cải vật chất cho gia đình thì họ mù quáng, lao vào con đường cờ bạc, không chỉ như một thú đam mê mà có khi còn coi đó là phương cách để thoát nghèo nhanh nhất, dễ nhất và… có hy vọng nhất.

Thế nhưng, chẳng gì có thể cãi được điều ông bà ta đúc kết: “Cờ bạc là bác thằng bần”. Không ai có thể làm nên được sự nghiệp với trò đen đỏ may rủi và thường là có sự lừa đảo của những tay tổ chức ra nó.

Vì thế, ngoài việc tiêu tán hết tiền bạc, gây nợ nần, có khi tới con số khổng lồ, đối với gia đình thì chính vì điều này mà nhiều gia đình tan nát, bởi sự kiệt quệ về kinh tế và lòng tin.

Chính vì thế, câu trả lời nhanh nhất và thường xuyên nhất đối với những người vợ/chồng có người thân chơi cờ bạc thường là: hãy buông sớm khi còn có thể, bởi vì những người nghiện cờ bạc rất khó bỏ, họ chỉ hứa hẹn rồi ngày càng dấn sâu hơn khi còn có người chứa chấp và trả nợ giùm.

Tuy nhiên, việc dứt bỏ đó không bao giờ là dễ dàng và cũng không nên dễ dàng. Nếu như còn thấy một tia hy vọng cứu người thân, cứu gia đình.

Tia hy vọng của em, Hạnh Dung thấy chồng em, theo thư em kể, chưa đến mức gây nợ nần lớn, đẩy gia đình vào khốn cùng. Anh ấy mới chỉ dùng lương của mình và thỉnh thoảng mới vay nợ. So với nhiều trường hợp Hạnh Dung được biết thì có lẽ mức độ này còn cứu được chăng? Cho nên, khi còn tia hy vọng, em và các con cần nỗ lực hơn để ngăn cản, thay đổi anh ấy. 

Cần nhất là sự cương quyết, mạnh mẽ. Giờ không phải là lúc để buồn đau, than khóc, thất vọng mà cần chứng tỏ cho chồng em biết quyết tâm dứt bỏ anh ấy của em, nếu anh tiếp tục cờ bạc. Không trả nợ giùm và thông báo với tất cả người thân để không ai cho chồng mượn tiền (đừng giấu mọi người vì sĩ diện).

Hãy yêu cầu anh có trách nhiệm với những việc chi tiêu cụ thể trong nhà, yêu cầu anh lo cho xong mọi khoản tiền đó ngay khi nhận lương và nhắc nhở anh thường xuyên về trách nhiệm với kinh tế gia đình.

Nếu anh chơi cờ bạc vì ham làm giàu thì hãy giúp anh hiểu rằng đồng lương chân chính lúc này của anh là điều em mong mỏi nhất, chứ không hy vọng là có nhiều. Còn nếu anh chơi cờ bạc vì đam mê, vì bị bạn bè xấu rủ rê thì hãy cố gắng kèm cặp thời gian của anh, tạo nên những hoạt động gia đình để lôi kéo anh sao nhãng cờ bạc.

Cần nhất là chính ý thức của anh ấy. Hãy xem anh có chút nào ý muốn từ bỏ cờ bạc, có nhận ra rằng mình đang làm hại chính mình và gia đình, có mong nhận được sự giúp đỡ của mọi người để từ bỏ hay không và anh có chấp nhận được sự kiểm tra, kiểm soát của mọi người hay không?

Nếu có thể nhìn thấy những tín hiệu đó trong suy nghĩ của chồng thì đó là những dấu hiệu hy vọng để em có thể thay đổi chồng và giữ lại cuộc hôn nhân của mình. Đây là cuộc chiến khá vất vả và khó khăn. Mong rằng em và các con sẽ chiến thắng.

Theo phụ nữ TPHCM