Chị Hạnh Dung thân mến,

Cách đây 3 tháng, em được lên chức trưởng phòng, còn chồng em thì nhận thêm nhiều dự án mới. Công việc chiếm quá nhiều thời gian nên tụi em thuê giúp việc ở lại nhà lo chuyện chợ búa, cơm nước, đưa đón con khi cần.

Em may mắn tìm được cô osin thạo việc, thật thà, siêng năng, dù tiền lương đến 9 triệu đồng/tháng, bao ăn ở, chưa kể thưởng tết và tiền tàu xe về quê. Tuy nhiên, so với những gì cô ấy làm được thì em thấy xứng đáng.

Thế nhưng, mẹ chồng em lại không nghĩ vậy. Bà luôn tìm cách chê nhà dọn không sạch, đồ ăn mua bị hớ mà không ngon. Nhiều lần bà còn nói mình bị mất thứ này, thứ khác và bóng gió nghi trong nhà có người lấy. Em bất ngờ vì mẹ chồng vốn lịch sự, nhã nhặn.

Em dò hỏi mấy cô bạn thân của mẹ mới biết mẹ đang tìm cách gây khó để osin nghỉ. Bà cho là vợ chồng em tiêu xài hoang phí khi mỗi tháng bỏ ra gần chục triệu nuôi người ngoài.

Bữa giờ cô osin cũng tỏ ý nếu mẹ chồng em cứ xét nét vậy thì cô ấy không ở được. Mẹ chồng và osin căng thẳng với nhau khiến em mệt mỏi. Nhưng giờ mà cô ấy nghỉ thì em sẽ rất kẹt, bởi việc nhà không thể khoán hết cho mẹ chồng vì tuổi bà đã cao, còn tự làm như trước thì em không có thời gian. Em phải làm sao?

Thanh Thủy (TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em Thanh Thủy mến,

Hạnh Dung chia sẻ với nỗi lòng của em, nhưng em cần xác định trường hợp của em không phải dạng “bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn” mà đến mức quá khó xử, không thể lựa chọn. Trong một số trường hợp, để giữ tình cảm, dù thấy chưa hợp lý lắm, trước mắt chúng ta vẫn nên chọn cách xoa dịu người thân để hóa giải căng thẳng.

Osin dù tốt mấy thì cũng là người ngoài, không thuê người này có thể tìm người khác. Còn tứ thân phụ mẫu chúng ta không thể lựa chọn hay thay đổi, nhất là khi ba mẹ đã lớn tuổi và có sự cố chấp cũng như lý lẽ riêng của họ.

Trước mắt, em có thể nói với mẹ chồng: “Cô giúp việc này con rất ưng, nhưng chỉ cần mẹ nói không thích thì nhất định con sẽ cho nghỉ, bởi vì mẹ là mẹ của chúng con”. Nghe con dâu tôn trọng ý kiến của mình, chắc hẳn mẹ chồng em sẽ hài lòng. Chúng ta gọi đây là một bước tạm lùi để tiến.

Khi mẹ đã vui vẻ thoải mái, lúc này, em mới gần gũi tâm sự, nói cho mẹ biết công việc của vợ chồng em đang thăng tiến tốt đẹp ra sao, rằng muốn làm tốt vị trí mới thì cần dành nhiều thời gian và công sức thế nào, từ đó tụi em mong mẹ chỉ bảo nên làm cách gì để sắp xếp việc nhà ổn thỏa.

Người già thường tiết kiệm, bởi họ lo con cái cạn nghĩ rồi túng thiếu về sau. Em có thể công khai thu nhập của vợ chồng và nói luôn bài toán thu chi để mẹ thấy việc thuê giúp việc không ảnh hưởng đến an toàn tài chính của gia đình.

Nếu mẹ chưa quen với việc có người lạ ở chung, em có thể thuyết phục bà chọn phương án thuê giúp việc theo giờ, chờ bà quen với việc thuê người thì tiến tới thuê 24/24.

Về tiêu chuẩn chọn người giúp việc, em khéo léo nói với mẹ những yêu cầu của em, nhưng trao cho bà quyền tuyển chọn, người nào bà ưng thì em thuê, như vậy sẽ đỡ chuyện mẹ chồng và người giúp việc mâu thuẫn khiến em khó xử.

Dĩ nhiên, mọi thứ sẽ không trơn tru, êm đẹp ngay từ đầu. Để dung hòa được mối quan hệ này, cần ở em sự khéo léo trong ứng xử. Vì em là người trả lương cho giúp việc, khó tránh giúp việc chỉ xem em là chủ, coi thường ý kiến của mẹ chồng.

Em nên xác định nguyên tắc người giúp việc phải tôn trọng tất cả thành viên trong nhà hoặc cân nhắc việc đưa tiền cho mẹ trả lương hằng tháng, vì bà mới là người ở nhà thường xuyên và sâu sát việc làm của osin.

Ngoài ra, dù đã thuê người, em vẫn cần thu xếp công việc để dành thời gian chăm lo cho chồng con, quan tâm mẹ chồng, không nên giao hết mọi thứ cho osin, bởi không mẹ chồng nào thích con dâu chỉ giỏi việc nước mà tệ việc nhà. Cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình là việc khó, nhưng cần thiết để giữ gìn hạnh phúc.

Theo phụ nữ TPHCM