Tôi vừa xem xong tập 2 của bộ phim Hàn Quốc “Hãy nói cho tôi điều ước của bạn”. Trong tập này, ông cụ đang nằm những ngày cuối đời ở bệnh viện và ước mơ được trở về căn nhà khi xưa của mình. Ở đó, hình bóng cụ bà và cây hồng trước ngõ luôn lung linh trong tâm trí ông.

Bộ phim được chị bạn tôi giới thiệu: "Không có nhân vật phản diện, mọi tình tiết, nhân vật trong phim đều nhân văn đến mức vô thực, nhưng nhẹ nhàng, nên xem".

Tôi đã dừng ở tập phim có nội dung cụ ông thiết tha muốn trở về căn nhà mình lần cuối. Tôi dừng lại, vì có quá nhiều cảm xúc dâng trào trong tôi. Tôi là đứa con xa nhà hơn 10 năm qua và không có ý định quay trở về, dù nỗi nhớ cha mẹ, căn nhà gắn bó suốt thời thơ ấu luôn tràn ngập lòng tôi.

leftcenterrightdel
 Cha mẹ cần tạo dựng môi trường an toàn để con trẻ được phát triển toàn diện (ảnh minh họa)
Tôi không về, vì chẳng được cha mẹ chào đón. Tôi không có ý đem so sánh hạnh phúc của người khác để mang muộn phiền về cho mình. Nhưng bao lâu nay, thanh âm hai tiếng “gia đình” luôn là những câu chuyện nhiều cảm xúc mà ở đó, cha mẹ, anh chị em chào đón bước chân mỗi người trở về. Còn với gia đình tôi thì không.

Một vài lần tôi về rồi ra đi trong vội vã, vì tôi khắc khẩu với mẹ. Mỗi lời nói của mẹ chẳng rõ vô tình hay cố ý, đều cho tôi cảm giác tiêu cực. Đỉnh điểm là mùa dịch, trong khi có biết bao chuyến xe đón những người con trở về quê nhà, thì mẹ lại gọi điện nói tôi hãy ở lại, vì điều gì đó tôi không rõ.

Lần khác tôi về, cha mẹ gây gổ nhau chỉ vì chuyện nhỏ xíu, rồi đập bể đồ đạc trước mặt tôi. Ánh mắt cha long lên sòng sọc, mẹ cũng chẳng vừa khi càng cố làm cho lớn chuyện, như thể tố cáo với tôi về việc cha vẫn hành hạ mẹ. Hình ảnh đó khiến tôi rùng mình nhớ lại những ngày tối tăm ngỡ đã vùi xuống tầng sâu thẳm, nhưng không, nó vẫn nằm yên đó.

Suốt thời thơ ấu, 3 anh em chúng tôi chứng kiến không biết bao nhiêu trận cãi vã, bạo hành của cha và mẹ. Có lần, cha nhậu say, khóa hết cửa vào rồi đánh mẹ. 3 đứa trẻ, đứa lớn nhất mới 7 tuổi, đứa nhỏ nhất là tôi - mới 3 tuổi - sợ hãi nhưng vẫn nhìn chằm chằm vào khe hở của bức tường gỗ. Hình ảnh đó trở thành nỗi ám ảnh trong tôi đến tận bây giờ.

Tôi đã không dám nghĩ đến cuộc sống hôn nhân, từ khi chứng kiến những trận cha đánh mẹ. Thậm chí khi ấy, trong ý nghĩ non nớt của tôi vẫn trào lên mong muốn cha mẹ ly hôn để đỡ khổ cho cả gia đình. Nhưng họ không ly hôn, như một hình thức dằn vặt nhau cho đến trọn cuộc đời. Làm sao phải khổ vậy? Tôi không thể tìm ra câu trả lời phù hợp.

2 anh trai tôi cũng không mấy khi về quê, bởi mỗi lần về nhà rồi trở lên thành phố, lòng anh lại nặng trĩu tâm tư. Mẹ tôi luôn có những đòi hỏi về vật chất vượt mức đang có của 2 anh, dù 1 trong 2 anh trai tôi đã chu cấp tiền mỗi tháng để ba mẹ trang trải sinh hoạt. Mỗi lần có người ốm đau, cần số tiền lớn, chúng tôi lại gửi thêm.

Nỗi đau lòng của 3 anh em tôi không phải việc bỏ ra bao nhiêu cho cha mẹ, mà là sự tủi thân, khi chẳng bao giờ thấy mẹ xót thương cuộc sống bôn ba xứ người của 3 anh em tôi. Một câu hỏi thăm từ mẹ chúng tôi cũng chưa từng nhận.

Vậy nên, có những lúc dòng đời xô đẩy đến bơ phờ mệt mỏi, tôi chỉ muốn buông xuôi: "hay là gác lại tất cả để trở về". Nhưng là về đâu? Tôi không có nơi để trở về!

Một lần, anh Hai tôi nhắn trên group 3 anh em: “Nay anh làm cha rồi mới thấy tuổi thơ của 3 anh em mình bị tổn thương nhiều quá. Nhưng cả cuộc đời ba và mẹ cũng chẳng lành lặn gì, nên mấy đứa đừng trách ba mẹ, mà hãy tự tạo cuộc đời mới cho mình”.

Biết vậy, nhưng tôi vẫn mang trong lòng bao nỗi trăn trở, và mơ ước một lần được trở về trong sự ấm áp, yêu thương của cha mẹ. Điều ước đơn giản vậy thôi...

Theo phụ nữ TPHCM