leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ngày tiễn chị về nhà chồng, ba chị căn dặn: “Từ nay con làm vợ người ta, phải biết giữ hạnh phúc gia đình. Đàn bà phải giữ chồng như giữ sợi dây diều, biết lúc nào giữ lúc nào buông, đừng thả lỏng dây, “con diều” của con sẽ bay mất”. Chị “dạ dạ” cho ba yên lòng, không kịp nghĩ sẽ “giữ” và “buông” thế nào.

Chị nhớ hồi nhỏ, có lần bà nội hớt hải chạy sang gọi má: “Má nghe ngóng được thằng Thành (tên ba chị) có vợ bé, con đi với má bắt ghen”.

Má đang may đồ cho khách, máy may dừng đột ngột, má ngẩng lên nhìn nội… Chị nhớ ánh mắt má khi đó như thể có màn đen lướt qua: tối sầm, thảng thốt và đau buồn.

Nhưng chỉ vài phút thôi, má cắm cúi tiếp tục may đồ. Má nói với nội, giọng nghèn nghẹn: “Ảnh đi mỏi chân thì về má à. Con chạy theo bắt ghen hoài đâu có được. Con đi rồi ai may đồ cho khách, ai kiếm tiền nuôi tụi nhỏ?”.

Chị nhớ mỗi lần ba về nhà sau những cuộc rong chơi, má vẫn nhẹ nhàng cơm bưng nước rót cho ba, như thể ba đi làm ăn đâu đó mới về. Ba thì chưa bao giờ dám nhìn thẳng má. Sau này, quả thật ba “mỏi chân” nên ở hẳn nhà.

Chị nghĩ má đã làm đúng, không cần ghen tuông chi cho ầm ĩ cửa nhà, má chỉ cần chờ ba rong chơi chán chê rồi sẽ về. Chị đâm ra thắc mắc khi đôi lần nghe tiếng má khóc thầm trong đêm. Má thắng cuộc rồi sao phải khóc? Lớn khôn rồi chị mới hiểu nỗi đau của má. Không phải má “không biết ghen” như lời nội nói, chỉ là kiểu ghen âm ỉ trong lòng, đau một mình, buồn thương một mình. Đàn bà ghen kiểu đó đáng thương mà cũng đáng trách.

Nhớ có lần ba dặn chị: “Làm đàn bà như má con cực lắm, nghĩ gì cũng không nói ra. Má con ra vẻ không cần ba, để mặc ba muốn làm gì thì làm. Ở cạnh má con, ba cảm thấy vô dụng và yếu hèn. Ba ra ngoài, được phụ nữ khác tôn trọng và tung hô, cái tôi của ba được thỏa mãn, dù ba biết đó không phải là chân tình. Con đừng học theo má con, đừng tỏ ra không cần chồng. Người phụ nữ của mình không cần mình, đó là điều tệ hại và nỗi nhục của đàn ông”.

Người ta hay nói, mọi bài học chỉ thấm nhuần khi chính người trong cuộc trải qua. Những lời của ba, chị nghe rồi bỏ đó.

Lương của chồng muốn đưa bao nhiêu tùy ý. Cuối tuần anh muốn nhậu tới mấy giờ về cũng không sao. Nhà nội xảy ra chuyện, anh gửi tiền về giúp, chị cũng không có ý kiến. Nhà hư bóng đèn, bể ống nước, chị tự gọi thợ sửa… Rồi có lần chị cùng chồng đi dự tiệc ở công ty anh. Mấy chị em đồng nghiệp thấy anh liền xúm lại cụng ly, còn khoác tay anh lôi lên sân khấu hát hò. Cô em ngồi cạnh chị tấm tắc: “Tụi em rất ngưỡng mộ anh Quân (tên chồng chị). Trong công ty, ảnh luôn giúp đỡ các chị em, thùng nước hết là tụi em réo ảnh, điện đóm hay mạng chập chờn cũng réo ảnh luôn. Ảnh giỏi, lại ga lăng, ở nhà chắc chị chẳng phải làm gì?”. Câu nói ấy khiến chị “đứng hình”.

Không dưng, chị thấy ba chị qua hình ảnh của chồng và chị là bản sao của má. Thời nay, chồng “bay” rồi sẽ bay luôn, chắc gì còn quay lại. Lẽ nào chị phải nghe lời ba, giả bộ yếu đuối để dựa vào chồng?

Thực ra, chị rất muốn chồng góp lương nhiều hơn, muốn chồng gánh đỡ việc nhà, muốn chồng quan tâm hôm nay công việc của vợ có suôn sẻ, các con học hành thế nào?… Chị không cần phải gồng lên, gánh hết việc lớn nhỏ, cũng không cần giả bộ mình rất ổn. Chị chỉ cần trung thực với cảm xúc của bản thân.

Như chiều nay, chị sẽ bàn với chồng về kế hoạch 2 năm tới, khi thằng con lớn vào đại học, sẽ thi trường nào, chi phí sinh hoạt của con trong 4 năm đại học sẽ do ai gánh… Chị phải đưa chồng vào guồng quay gia đình, cùng chia sẻ và gánh đỡ. Cái gánh sẽ càng lúc càng nặng, chị không thể gánh một mình.

Chồng rong chơi đủ rồi, đã đến lúc chị nên níu lại sợi dây, để anh đừng lạc quá xa.

Theo phụ nữ TPHCM