leftcenterrightdel
 Tôi đã không có khoảnh khắc ngồi xe hoa về nhà chồng như mơ ước (ảnh minh họa)

Đời người con gái chỉ có một lần được cưới hỏi để gia đình rạng rỡ với họ hàng, thế nhưng, đám cưới của tôi sẽ không có lễ rước dâu.

Tôi và chồng quen nhau được 5 năm. 2 năm trước, khi chúng tôi lên kế hoạch đám cưới thì ba anh trở bệnh nặng. Là con trai lớn, anh phải gánh vác việc chăm sóc ba. Ông nằm viện vài tháng thì mất vì sức yếu, không chống chọi nổi căn bệnh phổi.

Khi đó, anh hỏi ý tôi rằng tôi có thể chờ anh thêm 3 năm nữa không, sau khi mãn tang ba, anh mới có thể yên tâm nghĩ đến việc cưới xin. Dù ba mẹ tôi sốt ruột khi con gái chạm tuổi 30, nhưng ông bà và tôi đều bấm bụng chờ đợi anh mãn tang.

Chúng tôi từng làm chung công ty, quen biết qua công việc rồi nảy sinh tình cảm. Nhà anh ở thành phố, còn nhà tôi xứ biển. Ở quê tôi, hàng xóm thân thiết nhau, mỗi lần anh về nhà tôi chơi, cả xóm đều biết. Họ cũng mến anh vì hòa đồng, dễ gần, lễ phép.

Ba anh mất không bao lâu thì dịch COVID-19 ập đến. Công ty khó khăn, buộc phải giảm biên chế, tôi chán nản quay về làng chài, phụ đan lưới cá cho ba và em trai đi ghe cá. Sau đó, tôi tìm được một chân kế toán cho công ty nhỏ gần nhà.

Tết vừa rồi anh mãn tang ba nên sau đó anh xin phép đưa mẹ và anh chị em ra nhà tôi để người lớn bàn chuyện đám cưới. Mẹ anh nói vì 2 chúng tôi khắc tuổi nhau, nên bà phải nhờ thầy coi kỹ ngày tháng, tính toán sao cho về ở với nhau êm xuôi, không gặp trắc trở gì sau này. Cuối cùng, ngày cưới cũng đã định, nhưng sẽ không có lễ rước dâu. Sau tiệc nhóm họ ở nhà gái, tôi sẽ theo xe của gia đình anh, "mình ên" về nhà chồng.

Quả thật, tôi lấn cấn khi nghe việc này. Đời người con gái, chỉ một lần duy nhất được cưới hỏi, mà tôi phải lủi thủi theo chồng, không có lễ rước, không bái lạy gia tiên. Mẹ tôi nói điều đó không quan trọng, trong tiệc cưới, chúng tôi được tuyên bố thành vợ chồng, như vậy cũng đủ rồi. Hồi ba mẹ tôi đến với nhau, thậm chí là mẹ “theo không” ba vì nghèo quá, không tiền tổ chức đám tiệc gì. Ông bà vẫn gắn bó keo sơn mấy chục năm, có sao đâu!

Tôi nén tiếng thở dài. Mẹ tôi rất dễ tính, thậm chí bà còn nói nhà anh chỉ cần chút trầu cau, trà rượu đơn giản. Dù nhà anh hoàn toàn có thể lo liệu chu toàn tất cả lễ vật như một đám cưới bình thường, nhưng mẹ tôi nói không cần thiết. May thay, trong lễ nhóm họ hôm đó, nhà anh vẫn mang sính lễ, tiền đồng, vòng vàng, nhẫn… trao cho nhà tôi đầy đủ.

Sau buổi lễ ấy, đúng 2 giờ trưa, tôi thay đồ cô dâu ra, mặc đồ bộ, xách vali theo xe về nhà chồng để chờ đến cuối tuần đãi tiệc tân hôn phía nhà trai. Ngồi chung với gia đình chồng, cảm giác của tôi thật khó tả. Thay vì được ngồi trên xe hoa đẹp đẽ, được bạn bè đưa về nhà chồng một cách rộn ràng, tôi lại về nhà chồng theo cách không ngờ. 

Nhìn ba mẹ, các em các cháu trong nhà vẫy tay sau kính xe, tôi rơi nước mắt. Tôi buồn vì xa gia đình thì ít, tủi thân thì nhiều. Chồng như hiểu được cảm giác hụt hẫng đó, anh xiết chặt tay tôi, an ủi.

Nhưng bây giờ, tôi còn biết phải làm sao khi mọi thứ đã rồi (ảnh minh họa)
Tôi tủi thân khi không được ngồi xe hoa (ảnh minh họa)

 Những ngày đầu tiên ở gia đình chồng, vì còn phải chờ đãi tiệc tân hôn, chúng tôi ngủ riêng theo ý mẹ anh. Mặc dù chị chồng cho con gái chị về chơi, ngủ đêm cùng tôi để tôi bớt buồn, tôi vẫn không thể vơi bớt cảm giác tủi thân.

Tôi giấu nỗi buồn vào trong, cố tỏ ra bình thường để chồng và mọi người không lo lắng. Nhưng mỗi tối, trước khi chìm vào giấc ngủ, tôi tự hỏi rằng rồi mai này sẽ ra sao? Làm sao để tôi quên đi nỗi ấm ức này? 

5 năm thanh xuân của tôi đã trôi qua cùng sự chờ đợi, để đổi lại bằng một chuyến theo chồng lủi thủi như vậy, liệu có đáng? 

Theo phụ nữ TPHCM