Ảnh minh hoạ

 

Tôi còn có phần ghen tị vì họ có cuộc sống dư giả vật chất đã đành, lại có tình cảm gia đình nữa. Tôi luôn mặc cảm mình không thể có một gia đình trọn vẹn, không được làm một người con có đạo hiếu theo đúng luân thường. Bố mẹ tôi lấy nhau không tình yêu. Theo lời mẹ kể, mẹ lấy chồng khi 17 tuổi, bố lấy lý do mẹ không còn trinh tiết nên không có nghĩa vụ phải thủy chung. Sinh tôi ra, mẹ đang ở tuổi ăn tuổi ngủ, mẹ chồng lại cay nghiệt, tôi chủ yếu do bà ngoại và dì bế ẵm, chăm lo. Tôi không có ký ức gì về sự chăm sóc của mẹ. Bà ngoại có mỗi mẹ tôi và dì trong khi gia đình bố có 9 người con. Khổ sở vì mẹ chồng hành, mẹ được bà ngoại mua cho mảnh đất, có căn nhà nhỏ để ra ở riêng. Những năm trẻ tuổi, bố không tu chí làm ăn mà thường xuyên cờ bạc, rượu chè, đánh đập vợ con.

Năm tôi 9-10 tuổi đã làm đủ việc nhà, sáng đi học, chiều về chăn bò, cắt cỏ, cơm nước, dọn nhà, giặt giũ,... Mẹ đi làm mà về nhà thấy nhà cửa chưa gọn gàng như ý là la mắng, xỉa xói, so sánh với việc dọn dẹp của con nhà hàng xóm. Trong khi việc nhà chỉ có tôi làm, em tôi nghiễm nhiên được đi chơi đá bóng. Chị em tôi cách nhau 3 tuổi, hay nô nghịch, cãi cọ nhau là lại bị bố mẹ đánh đòn. Bố thường xuyên mời bạn nhậu về nhà. Mẹ xót của than thở nhà không đủ ăn mà chồng lại hay sĩ bạn, nhưng khi tiếp đãi họ mẹ lại luôn tỏ ra niềm nở. Tôi ghét sự giả dối đó nên khi nhà có đám bạn nhậu của bố là tôi thường tỏ ra khó chịu, mặt nặng như chì. Bố sai đi lấy quả chanh ngoài vườn làm nước chấm là tôi ra vườn ngồi lâu chứ không vặt chanh vào ngay. Có lần bố cáu, cầm đòn gánh đuổi tôi, tôi phải nhảy xuống ao tránh đòn, những trận đòn roi nhiều không kể hết. Mẹ tôi cũng có lúc bị bố đánh.

Bố thường nói tôi học nhiều làm gì, để giỏi cãi lại à, thế nhưng hàng năm tôi vẫn luôn có giấy khen của trường làng. Năm tôi 13 tuổi, tình cờ gặp lại cô giáo cũ khi đó là giáo viên trường chuyên huyện, mẹ tôi tính vốn hay khoe khoang, báo cô là tôi từng đạt giải khuyến khích học sinh giỏi của huyện năm lớp 6. Cô động viên mẹ cho tôi thi bổ sung vào lớp chuyên văn trường huyện. Dù năm ấy tỉ lệ chọi khá cao nhưng may mắn tôi thi đỗ. Vậy là từ đó tôi được gửi xuống ở nhờ nhà một người họ hàng xa tại thị trấn, cách nhà gần 10 km để trọ học. Bố mẹ hàng tháng gửi họ mấy chục cân gạo gọi là bù cả tiền thức ăn, sinh hoạt phí. Tôi trọ học, ngoài giờ lên lớp thì về cũng dọn dẹp nhà cửa cho họ. Nhà họ dù giếng nước không có, phải xin nước hàng xóm sinh hoạt, đi vệ sinh nặng cũng phải sang đó nhờ, giặt giũ mang ra ao làng nhưng được cái từ đó tôi tránh được cuộc sống gia đình hay chửi bới lẫn nhau. Tình mẫu tử, phụ tử gì đó tôi chưa từng cảm nhận được cũng phôi pha dần. Sau một thời gian sa sút rồi thích nghi, tôi dần tiến bộ về học tập so với các bạn.

Năm tôi học lớp 10, mẹ đi xuất khẩu lao động. Mẹ gửi tiền về cho chị em tôi ăn học, xây lại căn nhà cũ nát. Bố làm được đồng nào tiêu riêng đồng đó, thậm chí tiền vợ gửi về phần nhiều xây nhà và cũng có phần dành bao cô khác. Bố còn có con riêng với một bà què quặt ở làng bên. Mẹ bao biện rằng do mẹ xa nhà nên bố mới thế, tôi phải chấp nhận ông bố sinh tật như vậy. Sau này mẹ lại bảo đi làm ăn xa phần vì kinh tế, phần vì tính chồng trăng hoa. Tôi luôn mang tâm lý chán nản, mặc cảm nhưng cũng cố học để thoát ly khỏi cảnh gia đình không hạnh phúc.

Năm đưa tôi lên Hà Nội trọ học đại học, bố tuyên bố giờ không nuôi được tôi, hãy tự lo hoặc nhờ mẹ. Trong khi tôi biết tầm tuổi đó bố vẫn buôn bán, có đồng ra đồng vào, dư tiền bao cô khác. Tôi hận nhưng cũng chấp nhận. Do học Sư phạm, không mất học phí nên hàng tháng tôi chỉ xin tiền đủ sinh hoạt phí do mẹ gửi về qua người dì. Tốt nghiệp xong, tôi tự đi xin việc làm, lấy chồng sinh con. Nghĩ bố đã già vậy mà vẫn chứng nào tật ấy, bắt mẹ phải thừa nhận con riêng, tôi khuyên mẹ ly hôn nhưng bà không muốn nhà đất phải cưa đôi. Rồi bố dẫn vợ con riêng về ở cùng nhà trêu ngươi.

Tôi luôn nghĩ sinh ra một đứa trẻ phải có trách nhiệm yêu thương, dạy dỗ nó, sống đúng đạo cho con noi gương. Nếu cứ soi vào gương người cha trăng hoa vô đạo, người mẹ giả dối nhu nhược thì không biết tôi sẽ thành người thế nào. Giờ có cuộc sống riêng, tôi gần như không muốn trở về quê cũ, không muốn giáp mặt họ, muốn quên đi quá khứ đau buồn. Mỗi dịp lễ Tết, người người về quê sum họp gia đình, tôi lại không muốn có Tết. Tôi không đủ rộng lượng để tha thứ cho cha mẹ, những người chưa từng đem lại cho tôi cảm giác được yêu thương mà giờ lại đòi con cái phải hiếu nghĩa. Tôi đã bỏ nghề giáo, phần vì tìm được công việc phù hợp hơn, phần vì luôn thấy mình không đủ bản lĩnh của một nhà giáo, nền tảng gia đình không đúng mực.

Vì chuyển nghề làm kinh doanh, cần vốn, vợ chồng tôi vay mẹ một số tiền, mẹ bắt tôi phải viết giấy nhận nợ, trả lãi. Ngay lúc làm ăn gặp nhiều khó khăn nhất, mẹ nằng nặc bắt trả đủ gốc lãi để đưa em trai tôi mua nhà đất, trong khi em chưa lập gia đình. Tôi sinh con nhỏ về ở cữ nhà mẹ đẻ chưa được 3 tuần thì em mượn cớ uống rượu chửi bới, tát tôi, nhục mạ và bắt tôi trả lại tiền cho mẹ. Tôi cay đắng giữa một bên chồng trách mắng mẹ vợ cạn tình hơn người ngoài, một bên là mẹ và em ráo riết đòi nợ. Ngay khi đó, chồng tôi cố gắng cũng xoay xở vay được lãi ngày trả cho mẹ. Tôi vốn sống tình cảm nên sau chuyện đó thực sự không bao giờ có thể tha thứ và chấp nhận một đứa em như vậy. Sự nhu nhược của mẹ và sự bạc bẽo của đồng tiền cũng khiến tôi không muốn trở về căn nhà nơi mình đã sống 13 năm thơ ấu.

Tôi luôn thấy bị dằn vặt khi nghĩ đến hoàn cảnh gia đình như vậy, ước chẳng có ngày lễ Tết để đỡ phải đối diện với những nỗi buồn tuổi thơ, đỡ phải ghen tị với bạn bè vì họ có được hạnh phúc bình thường, giản dị mà vô giá, đó là tình cảm gia đình.

Theo vnexpress