Chào chị Hạnh Dung,
Em xin hỏi về mối quan hệ gia đình trong việc kết hôn của em. Em hiện đã hơn 30 tuổi và gia đình rất lo lắng khi em vẫn chưa có bạn trai và chưa có kế hoạch lấy chồng. Vì vậy anh trai em đã mai mối bạn mình cho em.
Mặc dù ngay từ đầu em đã nói rằng em không thích anh này, nhưng gia đình vẫn khuyên em chủ động nói chuyện, làm quen, thậm chí cho em một thời hạn là cuối năm phải cưới.
Cả nhà em khen anh này tốt, tử tế, công việc ổn định, gia đình trí thức,... Anh trai em thì đã theo dõi tính cách anh này từ lâu để xem có phải là người tốt không, trước khi giới thiệu cho em. Và mẹ em nói vì ảnh nói thích em, mà kiếm đâu ra người nói thích em như vậy.
Em đã đi với anh này một vài lần, thậm chí chủ động nói chuyện, nhưng không cảm thấy thoải mái và không thoát được cảm giác chán ghét, dù anh ta đối xử với em khá tốt. Thậm chí, có khi nghĩ đến việc phải đi cùng anh ta, em đã cảm thấy khó chịu và buồn nôn.
Em đã tranh cãi, khóc, phân trần nhiều lần rằng em không hề thích anh ta, và em bị gặng hỏi lý do nhưng không lý do nào được chấp nhận. Thậm chí, khi em làm lơ cho qua chuyện cũng vẫn không được gia đình cho phép.
Cả nhà muốn em phải mở lòng, nỗ lực, cố gắng nói chuyện, tiếp cận anh ta để thương anh ta, và để cuối năm cưới. Mẹ em thậm còn đem tính mạng ra để bắt em phải lấy, mẹ nói với em rằng em bất hiếu, không để cho cha mẹ an lòng, cha mẹ có mất cũng không nhắm mắt.
Em quá hoảng loạn nên đành phải chấp nhận, dù trong sâu thẳm bản thân lại giằng xé liên tục. Cả nhà nói rằng lấy chồng là lấy chồng cho em, vì tương lai của em, chứ không vì cha mẹ, nhưng em thật sự không chắc rằng mình sẽ vui vẻ tiếp nhận tương lai này.
Chị ơi, em có nên lấy người đó không? Mọi chuyện sẽ tốt đẹp như mẹ em nói chứ? Mong nhận được phản hồi của chị.
Jen Trần
Em Jen Trần thân mến,
Làm sao có thể kết hôn rồi chung sống với người mà chỉ nghĩ đến việc đi gặp người đó thôi mà em đã thấy... buồn nôn nhỉ? Rồi chung một nhà, chung một mâm ăn, chung một giường ngủ, em cứ... nôn miết như thế thì làm sao mà sống?
Là một cách nói hình ảnh, cho em dễ tưởng tượng ra cái bi hài kịch mà em sẽ phải gánh chịu khi thuận theo ý gia đình mà lấy một người em không có thiện cảm, không có lòng yêu, thậm chí không có chút cảm tình nào.
Tình yêu, mà ngay cả không phải là tình yêu, chỉ là cảm giác ưa hay không ưa một ai đó vì lý do gì, đôi khi rất khó để nói rõ ra em ạ. Có nhiều lúc đó chỉ là cảm giác không thể có cảm tình, không thích chút nào, không hợp với mình, hoặc linh cảm về một điều gì đó không tốt, thế thôi.
Thật tình, đôi khi cảm giác này cũng có thể đến vì em bị ép buộc, bị gán ghép và không thể nào có được cảm xúc tự nhiên nữa. Thật ra để gặp được một người phù hợp, người mình yêu thương và muốn gắn bó, có đến hàng trăm cách.
Được giới thiệu, mai mối cũng là một cách, nhất là khi người giới thiệu, mai mối hiểu rõ cả hai người hai bên và nhận thấy là họ phù hợp nhau, họ có thể có nhân duyên với nhau, nên tạo cho họ một cơ hội gặp nhau và xem xét coi tình cảm có thể nảy nở phát triển hay không.
Nhưng giới thiệu mai mối mà chỉ nhìn váo các tiêu chuẩn xã hội thông thường, lại cứ ép người được giới thiệu và mai mối phải theo ý muốn của mình, như là chuyện sắp đặt đã xong, bất chấp cảm xúc, tình cảm, mong muốn của người trong cuộc, thì quả là chuyện khó chịu.
Một điều nữa làm Hạnh Dung ngạc nhiên là sự lo lắng thái quá của gia đình em với tuổi 30 của em. Ngày nay, các cô gái chưa lập gia đình, thậm chí chưa có người yêu ở lứa tuổi em là rất nhiều. Mong muốn có được sự độc lập, tự chủ trong tài chính, sự nghiệp và sự chín chắn trải nghiệm torng tình cảm, khiến các cô gái chẳng còn vội vàng lấy chồng trước tuổi 30 nữa.
Hãy trò chuyện với mẹ và gia đình nhiều lần nữa, nói rõ cảm xúc của em và những điều em thật sự mong muốn cho cuộc đời mình. Hãy hứa với mẹ rằng em sẽ mở lòng, để tìm kiếm và đón nhận một người mà em yêu thương và yêu thương em. Và em nhất định chỉ có thể chung sống với người mang đến cho em cảm nhận tình yêu.
Còn một cách nữa: Em hãy nói chuyện với người đàn ông được giới thiệu kia về tình cảm của em và yêu cầu sự "hợp tác" của người ấy trong việc làm rõ với gia đình rằng giữa các em không thể có một sự kết hợp nào nếu cả hai cùng không rung động yêu thương.
Đây có lẽ là một cách nhẹ nhàng và tốt đẹp nhất, nếu người đàn ông đó "hiểu chuyện". Còn nếu anh ta không "hiểu chuyện" mà cũng khăng khăng làm theo ý của người khác với chính hôn nhân của mình, thì em càng hiểu lý do mình phải mạnh mẽ và cứng rắn bảo vệ tương lai của mình, em nhé!
Theo phụ nữ TPHCM