Hôm đầu về nhà chồng ăn tết, chị Đào đã khó chịu trong người. Nhà chồng chị không xa tít tắp, nhưng cũng chẳng gần. Chính vì lẽ đó, phương tiện duy nhất để đi là xe khách hoặc tự thuê xe.
Năm nay, chồng chị đã phấn đấu mua chiếc xe hơi để về quê cho tiện, nhưng chị thấy mệt từ khi phải chất một đống đồ lên đó. Từ cái tivi, quần áo cũ anh mang về cho mẹ đi quyên góp ở hội phụ nữ xã, cho đến cả mấy cái vật dụng như khoan, đục để tranh thủ mấy ngày nghỉ sửa cho mẹ cái chái bếp.
Chị gắt gỏng vì thời này muốn mua gì cứ ra tạp hóa dưới quê có hết. Chị nghĩ chỉ cần cầm tiền về, lì xì cho mẹ, rồi để mẹ thích gì đi mua, dễ hơn rất nhiều. Nhưng anh đâu có chịu.
Mấy hôm về ăn tết, chị chỉ mong cho chóng qua - Ảnh minh họa
Chị tự an ủi thôi thì ráng 3, 4 ngày tết cho xong. Nhưng đùng một cái, ngay những ngày xuân, dịch COVID-19 bùng phát. Con chị được thông báo nghỉ học tới hết tháng 2, bản thân chị cũng được ngưng việc để giãn cách. Từ dự tính ban đầu về quê ăn tết ít ngày giờ bỗng nhiên kéo dài thành hơn hai tuần lễ. Chồng chị lo lắng nên quyết tâm rủ vợ "trốn" ở quê hẳn, khi nào con có lịch học mới quay về thành phố. Chị cũng không nỡ vùng vằng đi sớm, dù rằng ở quê có quá nhiều bất tiện.
Suốt mấy ngày nghỉ, chị Đào chẳng thể tươi tỉnh nổi khi mà vòi nước sinh hoạt không có nước nóng, đến cái giường cũng không êm ái, muỗi vo ve. Bà con lối xóm thì suốt ngày qua thăm hỏi, giục chị có thêm đứa nữa. Lòng chị ngổn ngang những khó chịu, nhưng biết thế nào được, báo đài đưa tin dịch bệnh còn căng thẳng, chính chị cũng muốn hạn chế di chuyển, đề phòng cho con.
Mấy hôm ở nhà, dù nhiều lần được mẹ chồng quan tâm, hỏi han đủ thứ nhưng chị Đào kiệm lời, không hào hứng tâm sự. Hôm làm mâm cúng tết, chị dúi tiền vào tay mẹ rồi bảo: “Mẹ mua giúp con, con không rành chợ búa ở đây”.
Đáp lại sự lạnh lùng đó, mẹ chồng chị gợi ý: “Hay là con đi chợ chung với mẹ cho vui, ở quê đi chợ thấy thích lắm, hoa trái bày đầy đường. Mẹ cũng muốn lựa cho cháu ít quần áo mới, con đi coi kích cỡ giúp mẹ”.
Chị hững hờ buông một câu: “Thôi mẹ ạ, cái Sóc nó thiếu gì đồ!”.
Mẹ chồng chị hụt hẫng, chị thoáng nhìn thấy mặt bà buồn hẳn, nhưng chị quay đi. Đằng nào chị cũng chẳng muốn chất một đống đồ lên xe khi về lại thành phố.
Chị vẫn nghĩ như thế, nếu đêm qua không dậy nửa chừng, nghe dưới bếp có tiếng động, chị ngó xuống thì thấy mẹ chồng đang xếp đồ ăn thành từng hộp, trứng gà gói trong giấy báo cẩn thận, rau củ cũng xếp thành từng mớ, bọc ngoài bằng lá chuối cho tươi.
Chị biết tất cả những thứ này là để dành cho vợ chồng, con gái chị. Vì ngày mai cả nhà chị đi sớm, con chị đã có lịch quay lại trường vào thứ Hai tới. Chị thấy mắt mình cay cay, thấy hình ảnh của người mẹ chị đã mất nhiều năm về trước, cũng sửa soạn đồ quê làm quà mỗi khi chị lên thành phố đi học trở lại.
Kỳ nghỉ tết dài nhất trước giờ của chị cuối cùng cũng kết thúc, những món đồ mẹ chồng chuẩn bị đêm qua được mang ra xe cẩn thận. Chị thấy hối lỗi, nhưng cũng chỉ nhẹ nhàng nói được một câu nhắc mẹ giữ gìn sức khỏe.
Lúc xe lăn bánh, chị ngoái lại nhìn thấy dáng bà đứng xa dần, hai tay cứ nắm vào nhau ngó theo. Chị thở dài, hối lỗi.
Chị đã vô tâm với mẹ chồng, trong khi bà luôn bao dung, yêu thương chị - Ảnh minh họa
Về tới nhà, mở đồ ra chị mới thấy một túi quần áo cho con gái chị. Cái nào bà mua cũng hơi rộng, vì sợ cháu lớn nhanh, mặc chật. Dưới xấp đồ ấy, còn có cuộn tiền, trong có tờ giấy ghi rõ: “Tiền con đưa mẹ sắm tết, mẹ gửi lại để các con lo cho cháu. Ở nhà đồ ăn có sẵn, tiền chợ không tốn bao nhiêu”.
Chị thấy mình sai thật rồi, sai từ khi chị mới về quê, nhăn nhăn nhó nhó vì những bất tiện. Chị khó chịu vì tự nhiên kỳ nghỉ tết kéo dài ngoài dự kiến, chị còn không cho Sóc ra ngoài chơi mà cứ rảnh là gọi con vào phòng nằm xem điện thoại. Bà muốn vui vầy với cháu cũng ngại ngần mở cửa.
Ở quê khoảng 2 tuần, nhưng chẳng có mấy thời gian chị thăm hỏi, quan tâm tới mẹ chồng mà chỉ mong chóng tới ngày trở lại thành phố.
Càng nghĩ chị càng thấy mình quá đáng. Vậy mà mẹ chồng chị chẳng trách chị một câu.
Giờ chị mới hiểu vì sao chồng chị không về tiệm tạp hóa quê mua mấy thứ lặt vặt, vì sao chồng chị chất cả đống đồ cũ lên chiếc xe mới. Bởi vì anh giống mẹ từ cái cách bày tỏ yêu thương...
Theo phunuonline.com