leftcenterrightdel
 Viết về gia đình, tôi gặp những nhân vật mà câu chuyện của họ khiến chính mình được nuôi dưỡng tâm hồn. Ảnh minh họa: P.X

Ở đó, tôi gặp những nhân vật mà câu chuyện của họ khiến chính mình được nuôi dưỡng tâm hồn. Khi viết, bài được đăng tải, tôi nghĩ nhiều bạn đọc khác cũng sẽ được dưỡng nuôi lòng mình để bớt chông chênh, tìm thấy lối đi sáng đẹp hơn cho mối quan hệ và gia đình của họ.

Gặp nhiều chuyên gia tâm lý, các nhà xã hội học, tôi thấy tất cả đều đồng nhất với nhau quan điểm: Gia đình và mối quan hệ nào cũng có lúc lục đục, có những khúc quanh và không phải lúc nào cũng bằng phẳng.

Đó là lúc thử thách nhưng cũng là cơ hội để gắn kết các thành viên thành một khối, để tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt qua và thương nhau hơn.

“Đồng vợ đồng chồng, tát Biển Đông cũng cạn”, hay “Anh em như thể tay chân/ Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”, hoặc “Chị ngã em nâng” - vốn đã thành triết lý sống trọng tình được cổ nhân khuyên lơn.

Nếu phát huy được tinh thần đoàn kết, tình thương, hiểu nhau, nâng đỡ, sẻ chia nhau trong gia đình thì dòng họ ấy sẽ vững mạnh. Đó cũng là lúc nhân cách của từng người được thắp sáng. Tu thân với tề gia vì vậy không hai, bởi nếu có tu thân thì việc tề gia, xây dựng tổ ấm, kiến tạo hạnh phúc gia đình không khó.

Tôi cũng gặp nhiều gia đình đổ vỡ. Lý do là vì vợ chồng, con cái, anh chị em đi ra ngoài các khuôn phép được giáo dưỡng, không thật thương nhau, vơi đi sự kính trọng, nhường nhịn nhau trong cuộc sống. 

Không ít gia đình Việt vẫn còn hiện tượng “gia trưởng”, “trọng nam khinh nữ” và bạo lực gia đình vẫn là nỗi ám ảnh. Bài học cho những câu chuyện xấu xí từ gia đình như vậy, chính là lối sống không lành mạnh đã nhen trong một người hoặc cả gia đình đó, khiến sự vô luân lên ngôi. 

Tình thương, sự hiểu biết “chạy trốn” khỏi mái nhà thì nơi đó sẽ thành “tổ lạnh”, người thân không thể nhìn mặt nhau thì làm sao có thể ăn một bữa cơm chung hay nói chuyện, chia sẻ cùng nhau?

Gia đình là tế bào trong cơ thể đất nước, tạo nên bản sắc của một dân tộc. Với truyền thống lấy “đạo ông bà” làm gốc, hiếu ân, lễ nghĩa đã thành nếp sống của người Việt. Ngày lễ, Tết, việc quay về với nguồn cội, tổ tiên chính là cách kết nối, dưỡng nuôi. 

Sàng lọc các giá trị, giữ lại những điều tốt đẹp, học hỏi lối ứng xử nhân văn, hiện đại từ những nền văn minh khác chính là cách làm cho gia đình Việt trở nên tiến bộ. Nếp nhà, nếp người cần phải vun bồi, dựng xây ngay từ trong mỗi gia đình Việt, từ đó góp phần tạo nên hệ giá trị Việt Nam đáng ngưỡng mộ. 

Yêu nước, theo tôi không cần phải quá to tát, chỉ cần mỗi người sống có trách nhiệm, văn minh, trở về vun cho gốc rễ gia đình mỗi ngày một vững chãi, an yên từ chính mỗi thành viên qua các ứng xử với nhau, với mọi người và môi trường sống.

Theo vietnamnet