Những phản ứng tiêu cực
Có những em vừa nghe cha mẹ có ý định ly hôn đã vô cùng hoảng hốt, thậm chí lăn đùng ngã ngửa, bỏ học, bỏ nhà ra đi hoặc dọa tự tử khiến cha mẹ càng bối rối hơn. Không ít người vì quá thương con đành phải từ bỏ ý định ly hôn, tiếp tục kéo dài chuỗi ngày bất hạnh, lừa dối, bạo hành.
Có người suy sụp hoàn toàn, lâm bệnh nặng. Cho nên, làm con, khi chẳng may rơi vào cảnh cha mẹ không sống được với nhau, cần biết cách chia sẻ, cảm thông để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Khi biết cha mẹ muốn ly hôn, những đứa con nếu không rơi vào nhóm phản ứng tiêu cực như trên thì lại muốn làm gì đó ngăn chặn sự tan vỡ, chẳng hạn như tỏ ra ngoan ngoãn hơn, tạo mọi tình huống để gắn kết cha mẹ; khi không thành công thì đâm chán nản, tuyệt vọng, oán trách.
Thế nhưng các em lại quên rằng, chuyện ly hôn là vấn đề của người lớn. Các em thường trải qua nhiều cảm xúc lẫn lộn, luôn sợ hãi, lo bị bỏ rơi. Nhưng dù rơi vào trạng thái tâm lý nào, hãy bình tĩnh nói chuyện với cha mẹ như những người bạn, một thành viên của gia đình. Đôi khi người lớn có thể tìm thấy sự chia sẻ thực sự từ con cái.
Do cha mẹ ly hôn, các con có thể phải chuyển chỗ ở, chuyển trường. Điều đau đớn nhất với các em là buộc phải lựa chọn sống với 1 trong 2 người hoặc phải chia thời gian cho cha và mẹ. Có em phải đi lại như con thoi giữa 2 nơi và phải tạo ra những thói quen mới. Thường phải mất một thời gian, các em mới quen với sự thay đổi lớn này và thích nghi với gia đình mới.
Vững vàng và trưởng thành hơn sau biến cố
Sau ly hôn, dù sống với cha hoặc mẹ, nhất là khi điều kiện kinh tế của người trực tiếp nuôi dưỡng con gặp khó khăn, các con có thể phải đối mặt với một cuộc sống vật chất chật vật hơn trước. Đó là chưa kể những chi phí nảy sinh khi phải tìm một nơi ở mới - một khó khăn rất đáng kể. Có thể vượt qua được hay không, điều này phụ thuộc vào cố gắng của các em và sự hỗ trợ của những người thân.
Việc đi lại giữa 2 nhà có thể khó khăn, đặc biệt nếu cha mẹ sống xa nhau. Giải pháp sống hẳn với 1 người là giải pháp hợp lý. Tuy nhiên, các em nên giữ liên lạc thường xuyên với người kia. Chỉ cần một tin nhắn “Con nhớ mẹ” chẳng hạn, cũng sẽ động viên người mẹ rất nhiều.
Nhiều em rất lo lắng cho tương lai của mình, nhưng đừng làm cho cha mẹ bối rối thêm vào lúc này. Sẽ tốt hơn khi gắn những lo nghĩ của các em vào những mối quan tâm chung của cha mẹ và sẵn sàng để chấp nhận, thích nghi với cuộc sống mới.
mẹ chia tay là điều không ai mong muốn, tất nhiên con cái không thể tránh khỏi đau buồn. Nhưng nếu nhìn ở góc độ tích cực, tình huống này cũng giúp các em học được cách phát huy sức mạnh bản thân và có được những kỹ năng mới. Biến cố cuộc sống sẽ giúp các em rèn bản lĩnh để bình tĩnh đối mặt. Điều quan trọng là hãy luôn nhớ, dù sống với cha hay mẹ, con vẫn yêu cả 2 người.
Các em cũng cần tin rằng, những khó khăn trước mắt rồi sẽ qua đi. Chuyện của người lớn, họ sẽ tìm cách giải quyết ổn thỏa. Việc của các em là tập trung vào học hành, tham gia những hoạt động bình thường ở trường lớp. Khi trở về nhà, nếu cảm thấy quá buồn, em có thể chia sẻ cảm xúc với người đáng tin cậy, có thể là một người họ hàng, bạn thân hay thầy cô giáo, cho đến khi mọi thứ dịu xuống.
Cần quan tâm tới việc ăn uống, luyện tập và nghỉ ngơi điều độ. Thời gian sẽ giúp em trở lại bình thường khi tập nhìn sự việc ở khía cạnh tích cực. Các em có thể buồn vì cha mẹ không ở chung với nhau, nhưng cũng sẽ thấy nhẹ nhõm khi từ nay không còn những cuộc cãi vã triền miên nữa.
Thực tế cho thấy, sau khi cha mẹ ly hôn, nhiều em học được kỹ năng thương yêu và chăm sóc anh chị em của mình - điều mà các em ít quan tâm trước đây. Qua sự tan vỡ của cha mẹ, anh chị em ruột thường cảm thấy gần gũi, thân thương hơn.
Có những em sớm trưởng thành và giải quyết tốt hơn nhiều vấn đề trong cuộc sống, trở thành những con người có nghị lực hơn, đúng như câu danh ngôn của người Đức: “Không có nỗi đau nào vô ích”.
Theo phụ nữ TPHCM