Chị Hạnh Dung thân mến,
Từ khi còn nhỏ, chị em tôi đã luôn rất sợ bố. Ông đi làm thì thôi, về đến nhà là cả nhà lúc nào cũng nín thở vì sợ làm gì phật ý ông. Ông khó tính, khó nết, khó chiều từ miếng ăn, cho đến cái quần cái áo. Cả nhà tôi lúc nào cũng phải nhìn mặt ông mà sống.
Ông luôn yêu cầu nhà cửa phải sạch sẽ, cơm nước phải tinh tươm đẹp đẽ và đúng giờ đúng giấc, chị em tôi luôn phải ngoan ngoãn, học giỏi và yên lặng để ông nghỉ ngơi sau giờ làm việc. Chỉ một chút trái ý ông là ông quát tháo, lôi chị em tôi ra đánh đòn, hay mắng chửi mẹ bằng những từ vô cùng thô lỗ.
Chính vì thế mà chị em tôi khi lớn lên, học hành xong đều mau chóng lập gia đình và chuyển đi xa để ở. Chúng tôi muốn tránh xa bố càng nhiều càng tốt, mà quên mất rằng mẹ vẫn còn ở lại cực khổ với bố, thậm chí cực hơn vì giờ đây chỉ còn mình mẹ cho bố hành hạ.
Bố về hưu, tâm trạng bức bối, khó chịu, không đi đâu được, lương thì không nhiều như bố mong muốn, nên cuộc sống của mẹ trở thành địa ngục thật sự. Những lần về thăm nhà, chứng kiến sự vất vả của mẹ khi phải chăm sóc ông chồng gia trưởng, khó chịu 24/24, hở ra là bị chửi, thậm chí còn bị xô đẩy vì mẹ yếu quá, chậm chạp và lãng tai, chúng tôi xót mẹ vô cùng.
Chị em tôi bàn với nhau đưa mẹ về ở chung, để bố sống một mình, vì bố còn khỏe mạnh, tự lo cho mình được. Nhưng mẹ nhất định không chịu. Mẹ sợ bố đến mức không dám tự giải thoát cho mình. Mẹ sợ mang tiếng là vợ xấu khi cuối đời không lo cho chồng.... Mẹ cũng sợ rằng bố không thể tự lo cho mình, vì xưa nay việc ở nhà chỉ có mẹ lo.
Chúng tôi phải làm sao để giải thoát cho mẹ đây?
Minh Ngọc
|
Ảnh minh họa |
Chị Minh Ngọc thân mến,
Biết rằng chị em chị thương yêu và xót xa cho mẹ, nhưng Hạnh Dung nghĩ rằng phương án đưa mẹ đi, để bố ở lại một mình của chị em chị cũng khó thể thực hiện được.
Trước tiên là vì, chính chị cũng thấy đấy, mẹ chị đã sống cả đời như vậy, chăm lo cho chồng, sợ chồng, nghĩ rằng mọi việc là nghĩa vụ của mình... Cuộc sống dù khó khăn, đau khổ đến mấy, mẹ cũng có dám vùng dậy, phản kháng, thay đổi hay tự giải thoát cho mình đâu?
Bây giờ ở vào độ tuổi này, thay đổi cuộc sống, thay đổi nếp nghĩ, thậm chí là vượt qua những lo lắng, trách nhiệm, sợ hãi... hoàn toàn là việc không dễ dàng gì, nếu không nói là gần như không thể được.
Sau nữa, dù có giận bố, sợ bố đến thế nào, thì cũng phải thấy một điều là bố cũng già rồi, dù còn khỏe mạnh chân tay, nhưng ông cũng cần người bên cạnh, để cuộc sống tuổi già bớt cô độc và an toàn hơn.
Liệu đưa mẹ đi rồi, con cái có được an tâm về bố? Có giận, có sợ, thậm chí có ghét đến mấy thì đó cũng là người sinh ra mình, ngoài tình yêu thương, còn có trách nhiệm của con cái không thể bỏ được.
Vậy nên, lúc này, anh chị em trong nhà nên tìm cách khác để thay đổi tích cực hơn cuộc sống của bố mẹ: về thăm thường xuyên, mạnh mẽ đấu tranh với bố, giúp bố hiểu ra những vấn đề về sức khỏe của mẹ, thậm chí tìm người giúp việc đỡ đần cho mẹ, chăm sóc cả mẹ và bố.
Ngày còn nhỏ, chị và các anh em sợ bố vì chưa đủ sức tự bảo vệ mình và nói lên những điều mong muốn đúng đắn. Nay anh chị đã trưởng thành, chẳng lẽ lại nhát sợ như vậy hoài sao?
Trò chuyện, tranh đấu có tình, có lý... may ra anh chị sẽ thay đổi được phần nào tư duy, lối sống của bố. Người già có khuynh hướng càng già càng hiền hơn, vì họ cũng đã mệt mỏi, hơn nữa, rồi cũng đến lúc họ hiểu rằng họ cần con cái, phải sống dựa vào con cái.
Mong rằng chị và các anh chị em có đủ sự kiên nhẫn, mạnh mẽ và tình yêu thương để giúp cuộc sống của bố mẹ tốt hơn.
Theo phụ nữ TPHCM