Chị Hạnh Dung kính mến,
Trong mọi gia đình, thông thường là chồng nóng tính, ăn nói hàm hồ, thậm chí văng tục, chửi thề với vợ con. Ở nhà tôi thì ngược lại. Vợ tôi là người hễ nóng lên là lao vào cào cấu, cắn xé chồng, đập phá đồ đạc, xưng hô mày tao.
Những khi đó, thường tôi chỉ cố gắng làm cho cô ấy bình tĩnh hoặc không làm được thì bỏ đi đâu đó vài tiếng đồng hồ. Sau đó tôi phân tích cho cô ấy thấy hành động của cô ấy là sai, là không chấp nhận được thì cô ấy xin lỗi, xuê xoa khỏa lấp, nói là vì cô ấy nóng tính, thẳng tính chứ cô ấy luôn rất yêu thương tôi.
Tôi cũng biết rằng đôi khi tôi có lỗi vì nói gì đó không vừa ý cô ấy, tỏ ý nghi ngờ cô ấy trong các mối quan hệ bên ngoài hay góp ý với cô ấy chuyện cư xử với gia đình hai bên. Nhưng lần nào tôi cũng hết sức bình tĩnh khi nói và chỉ muốn chia sẻ mọi việc với nhau. Nhưng cô ấy lập tức gào lên rằng tôi không tôn trọng cô ấy, tôi xúc phạm cô ấy...
Tôi phải làm sao để vợ tôi có thể bớt hung hăng, dữ dằn hả chị Hạnh Dung?
Mạnh Quân
Anh Mạnh Quân thân mến,
Câu hỏi của anh thật là... quá khó với Hạnh Dung. Anh cũng biết ông bà mình có câu: "Non sông dễ đổi, bản tính khó dời" mà, phải không anh? Cứ tưởng như núi sông là điều không bao giờ thay đổi, có bị bào mòn hay đổi dòng chảy được thì cũng phải qua hàng nghìn hàng triệu năm. Thế mà so sánh với bản tính con người thì điều đó vẫn là "dễ" hơn cả. Vậy thì đủ hiểu việc anh nhờ Hạnh Dung tư vấn là khó đến thế nào rồi.
Những gì Hạnh Dung có thể khuyên anh được như thông thường mọi người nên làm, thì hình như anh cũng đã làm hết: chịu đựng, ôn tồn nhẫn nại khuyên bảo, bỏ đi, chờ tới lúc vợ bình tĩnh hơn... Thế nhưng hình như vẫn chưa có tác dụng thì Hạnh Dng biết khuyên anh thêm gì nữa đây? Chẳng lẽ chỉ là cũng làm như thế, nhưng liều lượng gấp đôi?
Có lẽ, vẫn còn một điều này, anh chưa thử một cách nghiêm túc chăng: đừng vội vã, dễ dàng tha thứ khi cô ấy xin lỗi. Hãy nói chuyện với cô ấy một lần thật cặn kẽ về tác hại của những cơn giận dữ của cô ấy, nói về cảm xúc của anh, sự tổn thương của anh, và sự sợ hãi một đời sống vợ chồng như thế.
Hãy thử lắng nghe xem cô ấy, khi sự việc đã kết thúc và xin lỗi anh, có thật sự hiểu điều sai của mình không, hay chỉ làm cho có. Hãy cho cô ấy hiểu một cách rõ ràng rằng, sự chịu đựng của con người là có giới hạn. Và anh cũng đã bắt đầu cảm thấy giới hạn chịu đựng của mình đang ngày một thu hẹp lại, cạn kiệt sau những cư xử không kiểm soát của cô ấy.
Hãy nói cho cô ấy hiểu rằng nếu cô ấy thật sự thương yêu anh, thì cô ấy cũng phải tôn trọng cảm xúc của anh, và để cho anh cảm nhận được tình yêu đó. Tìm và cho cô ấy đọc những tài liệu, lời khuyên, thậm chí yêu cầu cô ấy đi gặp các chuyên gia tâm lý để học cách kiềm chế những cảm xúc của bản thân.
Bên cạnh việc tác động đến cô ấy để thay đổi cô ấy, anh cũng xem lại những hành động, cư xử, lời nói của mình có khiến cho cô ấy cảm giác bị xúc phạm, không được tôn trọng và kiểm soát chính bản thân mình? Việc đã xảy ra nhiều, chắc chắn anh có thể đúc kết được kinh ngiệm: những tình huống nào có thể khiến cô ấy dễ "nổi điên" nhất, và tránh bớt những tình huống như vậy.
Ngay cả nếu có gì đó không bằng lòng, suy nghĩ hay nghi ngờ, anh cũng có thể chọn những cách khác để giúp cô ấy tiếp nhận vấn đề một cách bình tĩnh hơn. Hãy rào trước hay tìm những nơi trò chuyện có thể giúp cô ấy kiềm chế những cơn nóng giận, khi muốn nói ra những điều mình cần bàn bạc, chia sẻ.
Người ta vẫn nói nếu không thể thay đổi người khác được, thì còn một cách nữa là ta thay đổi chính ta để có thể hoặc là tác động vào người khác thay đổi, hoặc là thích nghi hơn, dễ chấp nhận hơn, hoặc thay đổi hoàn cảnh, để ta không còn bị đối xử bất công nữa, anh nhé!
Theo phụ nữ TPHCM