Chị Hạnh Dung ơi,

Em không vượt qua được nỗi đau mất mẹ. Làm sao để nỗi đau này qua nhanh đây chị?

Võ Thị Phương Thùy

 

Em Phương Thùy thân mến,

Nhận thư em đã mấy ngày, nhưng Hạnh Dung không biết nên trả lời em thế nào. Bởi, trả lời cho điều này không thể qua vài trăm chữ vắn tắt. Có nỗi đau nào lớn bằng nỗi đau không còn mẹ nữa hả em?

Thế nhưng ngày nào, Hạnh Dung cũng mở bức thư chỉ vỏn vẹn một dòng chữ của em ra và nhìn nó, cảm nhận nỗi đau khổ, sự trống vắng quá lớn của một đứa con bắt đầu từ bây giờ trở thành một đứa trẻ mồ côi.

Vài dòng Hạnh Dung viết cho em, khó thể giúp nỗi đau của em qua nhanh được, chỉ mong chia sẻ cùng em, giúp em nhìn vào nỗi đau lớn của mình một cách tích cực nhất, để tiếp tục sống...

Hạnh Dung sẽ không nói với em rằng nỗi đau này rồi sẽ qua đi, bởi khoảng trống mà mẹ để lại khi đi khỏi cõi đời này là khoảng trống không gì có thể lấp đầy. Không ai thương con, hiểu con, hy sinh cho con như người mẹ. Và tình yêu của người con dành cho cha mẹ mình cũng là tình yêu không gì thay thế được.

Thế nhưng quy luật sinh tử là điều không thể thay đổi. Cha mẹ không sống đời với chúng ta là điều rồi ai cũng phải chấp nhận. Nhiều người cố trốn tránh nỗi buồn bằng công việc, bằng du lịch, bằng giao tiếp. Nhưng khi điều đó nằm trong tim thì làm sao trốn tránh được nó?

Vậy thì, điều cần làm đầu tiên là hãy buông bản thân mình, để cho chính mình có những cảm xúc chân thực nhất. Cứ khóc nếu em muốn khóc, cứ kể với ai đó nếu em muốn kể, cứ trò chuyện với mẹ, nếu em muốn trò chuyện.

Em cũng đừng sợ hãi quá nhiều như vậy, đừng gia hạn cho mình khoảng thời gian để quên, để vượt qua. Em đau là đau, không có đúng hay sai, vậy thì sao phải sợ hãi nó? Thời gian không chữa lành cho nỗi đau, nhưng giúp ta tập quen và đối mặt với nó, thậm chí bình an với nó.

Em cũng đừng nghĩ rằng quên được thì em sẽ nhẹ nhàng hơn. Những hình ảnh đẹp đẽ, yêu thương của mẹ có khi lại là liều thuốc chữa lành tốt hơn cả.

Hãy nhớ về những điều đẹp đẽ nhất em đã có với mẹ, hãy nhớ cả về những điều buồn bã nhất em từng có với mẹ (khi mẹ la mắng, khi em thất vọng, khi hai mẹ con xung đột....). Những hình ảnh thật nhất sẽ giúp em cảm thấy rằng em yêu mẹ, dù có như thế nào và mẹ vẫn ở đây, rất thật, trong tình cảm của em.

Hãy hiểu rằng sẽ có những ngày em thấy hình như mọi việc đã qua, em đã cười, đã nói được. Rồi cũng sẽ có những ngày đột nhiên nỗi đau lại đâm nhói vào tim em, bật khóc, không kiềm chế. Rồi ngay sau đó, em sẽ thấy mình dịu lại, bình yên hơn một chút... Điều đó là hết sức bình thường...

Rồi sẽ đến lúc em cảm thấy rằng em cần làm điều gì đó để cân bằng cho mình tốt hơn. Một môn thể thao, một công việc yêu thích, thậm chí một bài hát mẹ từng yêu thích, một việc mẹ thường làm... Khi làm những điều đó, em sẽ thấy bình an hơn cả. Hãy mở rộng lòng mình nhiều hơn khi cảm thấy sự bình an đó đang đến với mình.

Rồi sẽ đến lúc em thấy dường như mẹ đã không còn là hình ảnh chiếm trọn tâm trí em nữa. Mẹ ở đâu đó, sâu thẳm bên trong em, ở đó và mỉm cười nhìn em sống tiếp. Hãy tin tưởng là mẹ muốn thấy em cười, muốn thấy em vui, và điều đó sẽ khiến mẹ hạnh phúc, thấy sự đến và đi của mình trong cõi đời này có ý nghĩa.

Vậy nhé, hãy buồn, hãy khóc và hãy bình yên. Hạnh Dung viết cho em những dòng này, từ trái tim của một người con cũng đã mất mẹ.

Theo phụ nữ TPHCM