|
|
Ảnh minh họa: DSS Family Law |
Tôi lấy chồng năm 27 tuổi khi đang là một giáo viên tiểu học dạy hợp đồng. Với ngoại hình xinh xắn, cao ráo, tôi được nhiều chàng trai theo đuổi.
Ngày ấy, tôi chọn anh một phần vì cảm xúc nhưng cũng phần vì anh chững chạc, kinh tế ổn định. Anh hơn tôi 5 tuổi, đã có công việc với thu nhập rất khá. Năm năm nay, công việc của anh ngày càng phát triển hơn.
Cưới xong, cuộc đời tôi như sang một trang mới. Từ căn nhà trọ rộng 15m2, tôi chuyển sang ở chung cư cao cấp. Ba năm sau, chúng tôi lại chuyển sang một căn biệt thự 5 tầng.
Anh mua cho tôi một chiếc ô tô để đi lại. Tiền nong mỗi tháng anh đều đưa rất hào phóng, không để tôi phải thiếu thứ gì. Nhưng tôi chưa bao giờ biết chính xác thu nhập của anh bao nhiêu, hiện anh có bao nhiêu tiền.
Từ khi lấy anh, tôi nghỉ việc theo lời động viên của anh. Ban đầu, anh bảo tôi tạm nghỉ để anh tìm cho một công việc khác. Nhưng qua 1 - 2 năm, tôi vẫn không thấy anh nói năng gì. Sau đó, tôi lại có bầu, sinh con.
Năm nay con tôi 3 tuổi, tôi ngỏ ý muốn đi làm trở lại, anh gạt phăng ngay lập tức. Anh bảo: “Em đi làm bây giờ kiếm được vài triệu bạc, còn không bằng lương thuê giúp việc. Tốt nhất, em ở nhà chăm sóc nhà cửa, con cái cho anh nhờ”.
Nghe anh so sánh tôi với giúp việc, tôi giận lắm. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi cũng thấy đúng. Bạn bè tôi đi làm chỉ được hơn chục triệu mỗi tháng, cao hơn lương giúp việc một tí trong khi nhà cửa, con cái không được chu toàn như tôi.
Thế nhưng, cứ nghĩ đến việc ở nhà nội trợ suốt đời này, tôi lại không cam lòng. Tôi thấy mình cũng thông minh, nhanh nhẹn, tốt nghiệp một trường đại học tốt, bây giờ ở nhà nội trợ thì chẳng phải uổng công ăn học hay sao?
Vả lại, ngày ngày quanh quẩn cơm nước, con cái, tôi thấy thèm cảm giác được mặc bộ đồ công sở, xách cặp đi làm như những người phụ nữ quanh mình.
Tôi nghĩ cứ âm thầm tìm việc rồi báo với chồng sau, thế nào anh cũng đồng ý. Nhưng không, việc chồng không cho tôi đi làm có lẽ còn ẩn chứa nhiều sự sắp đặt và kiểm soát hơn tôi nghĩ.
Một hôm, anh mở máy tính ở nhà, phát hiện tôi đang tìm việc. Ngay lập tức, anh lao ra bếp, kéo tôi vào trong phòng riêng, chì chiết: “Tôi đã để cô thiếu cái gì chưa mà phải cố đi làm, mấy đồng cô kiếm được thì giải quyết được cái gì?
Ăn sung mặc sướng quen rồi, tưởng lấy được đồng tiền của thiên hạ là dễ lắm à!...”.
Tai tôi như ù đi trước những lời chì chiết, gắt gỏng của anh. Anh chưa bao giờ nặng lời với tôi như thế kể từ ngày lấy nhau. Tôi đã khóc rưng rức ngay lúc ấy mà không kịp mở miệng cãi chồng câu nào.
Chưa hết, ngày hôm sau anh gọi cho bố mẹ tôi than phiền. Không biết anh nói gì mà mẹ mắng tôi là “có phúc không biết hưởng”.
Cũng sau hôm đó, anh theo dõi camera liên tục xem tôi có ra khỏi nhà hay không. Hễ thấy tôi thay quần áo tươm tất đi ra khỏi cổng là hôm đó anh về truy vấn tôi đi đâu, ngồi với ai.
Anh cũng gieo vào đầu bố mẹ tôi suy nghĩ rằng tôi thích quần quần áo áo xúng xính tụ bạ hội này, nhóm kia nên mới thấy ở nhà bức bối, khó chịu.
Tôi tâm sự chuyện này với mấy đứa bạn thân, mọi người đều bảo anh gia trưởng, kiểm soát và đang giam hãm tôi một cách vô lý.
Bạn bè bảo nếu tôi không vùng lên thì càng ngày tôi sẽ càng giống như con chim bị nhốt trong lồng. Rồi sau này già, không còn cơ hội xin việc làm, tôi sẽ phải sống phụ thuộc vào anh. Tôi thấy bạn tôi nói cũng có lý.
Tuy nhiên, nếu tôi tiếp tục có ý định đi xin việc, có lẽ cuộc hôn nhân này sẽ ở bên bờ tan vỡ và tương lai của mẹ con tôi chưa biết sẽ đi đâu về đâu.
Mọi thứ tôi đang có bây giờ cũng sẽ tan biến. Toàn bộ tài sản của anh đều là trước hôn nhân hoặc anh luôn tìm cách để tôi không có quyền lợi trong đó.
Tôi đã suy nghĩ cả tháng nay và rất mông lung trước 2 lựa chọn cam chịu hay tiếp tục đấu tranh cho sự tự do của mình?
Theo vietnamnet