Tôi sinh ra, lớn lên trong gia đình đông con. Những năm 1990, đầu 2000, ba má cố lắm mới lo cho tôi được 4 năm đại học. Tôi ra trường, đi làm, yêu, kết hôn và sinh con.

Còn chồng tôi, sau khi học xong lớp Mười hai, anh đi làm 1 năm, tích cóp tiền, thi đại học, rồi vừa học vừa làm. Có lẽ nhờ vậy, chồng tôi không mua sắm hay khoe mẽ. Mỗi tháng nhận lương, anh chỉ để lại một ít đổ xăng, uống cà phê cùng bạn bè, đồng nghiệp, ăn trưa, còn lại đưa hết cho tôi. Thưởng tết, thưởng dự án, làm thêm... anh cũng mang hết về đưa cho vợ để chi tiêu trong nhà.

Thu nhập của vợ chồng không ít, nhưng cũng không nhiều cho kế hoạch sinh con, mua nhà, nuôi con học ở Sài Gòn... Mỗi khi có lương, các khoản chi đều được tôi cân đối khá kỹ, kể cả việc mua bao nhiêu quần áo cho mỗi người.

Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto
Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto
 

Chúng tôi đều làm văn phòng, giao tiếp nhiều nên tôi không mua đồ vào cuối năm hay các dịp cưới, lễ... mà sắm đồ theo quý, tốn khoảng 5% thu nhập. Nhờ mua sắm đều đặn, mỗi lần đi cà phê, ăn sáng... 3 người nhà tôi đều vui và đều “bảnh”, nhưng trong mắt mọi người thì không như vậy.

Thấy tôi nhiều quần áo, ít mặc lại trang phục, không chỉ đồng nghiệp mà bạn thân đều cho rằng tôi đang mua sắm quá nhiều. Thi thoảng, má tôi lên thăm, cũng nói thẳng việc tôi nên mua ít quần áo lại.

Mỗi lần như vậy, tôi lại phải kể chu trình mua sắm của cả nhà. Rồi kết luận có thể chồng và con đều là đàn ông, quần áo na ná nhau, mọi người không nhận ra hay 1 cái áo sơ mi của chồng tốn tiền triệu, trong khi 1 cái đầm của tôi chỉ vài trăm ngàn đồng, trông tôi nhiều đồ hơn chồng, song tổng giá trị tủ đồ, chênh nhau rất ít. Nhưng má lên tiếng thì tôi phải giải thích.

Tôi kể chuyện Ly - cô bạn thân thời đại học - kết hôn trước tôi 5 năm. Sau khi cưới, chồng Ly muốn học cao học, rồi học tiến sĩ để tăng thu nhập và cơ hội thăng tiến. Để có tiền nuôi chồng ăn học, gửi về cho ba mẹ chồng nay bệnh mai đau, tiền thuê nhà và sinh hoạt phí của vợ chồng, Ly phải đi dạy một lúc 3 trường - từ trường tư đến trung tâm giáo dục thường xuyên. Mỗi ngày, Ly thức dậy từ 5g sáng, nấu ăn cho chồng, rồi mang cơm đi dạy. Hơn 22 giờ về tới nhà, Ly ăn qua quýt gì đó, rồi soạn giáo án đến khuya. 

Sau 8 năm, chồng Ly cầm được bằng tiến sĩ thì Ly đổ bệnh. Bác sĩ cho biết Ly bị bệnh về phổi do lao lực quá độ. Căn bệnh đó, không thể trị dứt điểm và Ly phải sống với nó đến hết đời, chi phí điều trị cũng cao. Chưa hết sốc vì bệnh tật của mình, vài ngày sau, Ly nhận được hình chồng tình tứ bên một cô gái, trẻ và xinh hơn Ly từ một số điện thoại lạ.

Trước lời chất vấn của Ly, chồng Ly thừa nhận mối quan hệ đó cũng như tỏ thái độ anh ấy cần con, nhưng bệnh của Ly, bác sĩ bảo khó - nếu mang thai có thể gặp nhiều biến chứng thai kỳ, nguy hiểm cả mẹ lẫn con… 

Trước ngày Ly lên bàn mổ, chồng Ly chìa đơn ly hôn, bảo cô ký. Sau đó, suốt 2 tháng Ly nằm viện, chịu liên tục 3 ca phẫu thuật, chồng Ly không 1 lần ghé thăm vợ. Ly nói với tôi, thời gian nằm viện đó, bạn mới nhận ra mình đã ngu ngốc vì cứ tưởng “Gái có công, chồng không phụ”.

Ngoài Ly, tôi còn kể cho má chuyện của Phương, chuyện của Thanh… - những người phụ nữ không dám ăn mặc, tích cóp từng đồng lo cho chồng, con… đến một lúc nào đó, bị chê già, chê xấu, bị đá ra khỏi nhà với đôi bàn tay trắng. 

Nghe tôi kể, má có chút dao động. Nhưng bà tin, chồng tôi luôn yêu thương và chăm lo cho tôi, không lăng nhăng bên ngoài.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

 

“Vậy nếu yêu thương con, chồng con nên để con được mặc đẹp phải không má?” - tôi hỏi. Tôi nghĩ, không chỉ riêng tôi, mọi phụ nữ đều muốn mình thật xinh đẹp; mỗi người phụ nữ đều có chấp niệm nhất định với quần áo; đều tự tin hơn khi biết mình đẹp. Và một ông chồng yêu thương vợ, thấy vợ đẹp, chồng cũng “mở mặt”.

Về con trai mình, tôi chắc chắn con cũng thích có một người mẹ xinh xắn, vì mỗi lần tôi đón con tan học, con hay khen kiểu như: "Hôm nay mẹ mặc váy đẹp quá".

Nghe lý lẽ của tôi, người đàn bà miền Trung cả đời chắt bóp từng đồng lo cho chồng, cho con như má tôi vẫn không an lòng lắm. Nhưng nhìn ngôi nhà khang trang vợ chồng tôi tích cóp mua được, nhìn ngôi trường xịn cháu ngoại đang theo học, nhìn cô con gái gần 35 tuổi vẫn giữ được vóc dáng thiếu nữ, bà khẽ chép miệng, càu nhàu: “Thì, con chi tiêu cho mình cũng được, nhưng cũng phải biết tiết kiệm tích lũy; cuộc đời không biết được ngày sau thế nào”. 

Theo phụ nữ TPHCM