|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Trầm và Thịnh là bạn thời học cấp III, sau này có thời gian cùng du học ở nước ngoài. Sau mấy năm yêu nhau ở trời Tây, cả hai ra trường, quay về quê hương lập nghiệp rồi kết hôn.
Thịnh khi yêu và Thịnh sau khi cưới là 2 phiên bản hoàn toàn khác nhau. Nếu khi yêu, Thịnh biết nấu ăn, rửa chén, đi chợ, có kỹ năng cất trữ thực phẩm, sửa đồ đạc bị hỏng… thì sau khi kết hôn, anh giao hết mọi việc cho vợ.
Sau giờ làm, không những chẳng mó tay vào bất cứ việc gì, cách Thịnh phụ vợ chăm con cũng rất kỳ cục. Bé Thỏ - con gái đầu của họ - chưa đầy 1 tuổi, cơn ngủ mỗi ngày phải kéo dài nhiều giờ, nhưng mỗi lần đi làm về, Thịnh lại bật điện, tung hết chăn mền, đánh thức con dậy để cùng chơi. Nhiều lần, vất vả lắm Trầm mới dỗ được con ngủ, nhưng chồng vừa về đã phá bĩnh khiến con gắt ngủ, khóc oang nhà.
Khi vợ tập cho con ăn dặm, con vừa ngồi vào ghế ăn được mấy miếng, Thịnh đi qua liền trừng trộ, vờ làm mặt xấu để trêu con khóc, ói nhoe nhoét thức ăn. Đứa bé phần đói bụng, phần khác khó chịu vì bị trêu tức nên hét lên thì Thịnh cũng chẳng vừa, còn cao giọng hét to hơn con. “Đó là giai đoạn nhà tui nuôi 2 đứa trẻ” - Trầm nói.
Sau này, khi bé Thỏ dần lớn, đến tuổi đi học mầm non, chồng Trầm tuy vẫn chưa hết hẳn tính trẻ con song cũng có nhiều thay đổi, từng bước “lớn” lên. Anh biết ủi đồ cho con, biết làm gương cho con bằng cách đi làm về là tự giác treo áo quần lên giá gọn gàng, cất giày dép vào kệ giày ngay ngắn. Thay vì mỗi sáng luôn uể oải dậy muộn thì bây giờ Thịnh sáng nào cũng đặt chuông, đánh thức con gái dậy sớm. 2 cha con cùng vệ sinh cá nhân, ngồi vào bàn nghiêm túc ăn sáng rồi anh chở con đi học.
Thịnh bây giờ không còn diễn mấy trò nghịch lố, nghịch dại; anh dạy con các kỹ năng an toàn về điện, nước, cách tham gia giao thông công cộng, cách phân biệt thức ăn nóng và nguội, cách xử lý khi đồ thủy tinh trong nhà bị vỡ… “Dù chưa đúng chuẩn đàn ông điềm tĩnh như mình mong muốn, nhưng so với những ngày đầu chưa có con hay lúc con còn nhỏ thì bây giờ anh Thịnh đã tiến bộ rõ rệt” - bạn tôi tự hào.
Tôi hỏi bí quyết nào khiến bạn tránh được sự mệt mỏi và bực bội khi có một người chồng trẻ con. Trầm trả lời, trước đây cô cũng mệt lắm, buồn phiền nhiều lắm. Nhưng sau này, cô nhận ra, nếu chồng có tính trẻ con thì cách cư xử, cảm nhận cũng không khác gì một đứa trẻ. “Mình không thể ép buộc một đứa trẻ làm việc tốt nếu suốt ngày chỉ chăm chăm chê bai, thất vọng, chỉ trích, đẩy nó vào những cảm xúc tiêu cực. Một đứa trẻ chỉ tiến bộ hơn, trưởng thành hơn khi nó được vui vẻ, ghi nhận bằng những lời động viên” - Trầm tâm sự.
Từ chỗ chê chồng, bạn quay sang khen chồng, nịnh chồng. Hôm nay là khen trực tiếp, mai là khen gián tiếp. Thoáng thấy bóng chồng từ xa, Trầm sẽ bắt đầu khen với con gái về ba. Khi khác, Trầm nói tốt về chồng qua điện thoại với bạn cô, cố tình để Thịnh nghe. Mỗi lần gia đình nhà nội, nhà ngoại có dịp tụ họp, mở tiệc chung, Trầm khéo léo tạo cơ hội để chồng thể hiện sự ân cần, chu đáo của anh.
Phụ nữ có chồng trẻ con, muốn chồng thay đổi thì càng phải uyển chuyển, linh hoạt. Cô ấy phải vừa là một đạo diễn để xây dựng tình huống, nhưng đồng thời cũng phải là một diễn viên tài năng để biết vào vai, hóa thân: khi làm một người mẹ biết bao dung, thông cảm; khi khác lại là một người bạn, một em bé yếu ớt cần sự chia sẻ, nâng đỡ, dù rất ít ỏi của chồng.
Từng chút, từng chút một, nhờ sự đồng hành đầy kiên nhẫn, khôn khéo của vợ, Thịnh dần chuyển hóa. Hiện tại, anh đỡ đần rất nhiều cho vợ trong việc quán xuyến gia đình, chăm sóc con. Vì yêu con mà không cần ai nhắc, anh cũng dần tự điều chỉnh những thói quen xấu. Khi bé Thỏ càng lớn, anh cũng sẽ dần chu toàn, cứng cáp hơn nữa để trở thành chỗ dựa cho con.
Theo phụ nữ TPHCM