leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chị Phượng rất sắc sảo, nên đám em trai đông đúc đặt tên chị là Phượng Ớt. Chị không quá giàu có, nhưng chị biết đầu tư tài chính (có nhà đất, tài khoản chứng khoán, có cổ phần ở vài nhà hàng và quán ăn…). Chị và chồng đều học tới tiến sĩ, cũng là học cao nhất nhà, nên tư duy của chị cởi mở nhất nhà. Vì vậy, 4 cặp em trai - em dâu đều kính nể. Mỗi khi vợ chồng lục đục, chúng hay ời ời réo chị.

Những chuyện liên quan tiền bạc đất cát, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… chị tư vấn rất có tâm, kỹ càng. Chị nói chị phân giải nhiều chiều, rồi cho đám em tự lựa chọn và tự chịu trách nhiệm. Thế nhưng, cứ cô em dâu nào gọi méc chị chuyện bị chồng đánh, chồng nói lời xắt mỏng, chị đều buột ra không suy nghĩ: “Ly hôn ngay và luôn”. “Nghe mấy chuyện này nhiều mệt lắm. Không ở được với nhau thì chia tay”. “Ly hôn sớm bớt đau khổ”. “Ly hôn đi, chần chừ chi”.

Nhiều khi các cô em dâu chỉ tức tưởi nhất thời nên gọi để giải tỏa tâm trạng hoặc là một cách “méc” nhà chồng về ông chồng bất ổn, hòng lôi kéo đồng minh. Vậy nên khi nghe chị thúc dứt khoát ly hôn thì họ ngỡ ngàng, bật ngửa.

Dần dà, có cô em dâu thấy chán, thôi không gọi méc chị chồng nữa, gắng tự giải quyết chuyện mình. Có cô thì khi cơm lành canh ngọt, bình yên trở lại bèn quay về méc ngược với chồng: “Đấy, bà Phượng Ớt nhà anh chỉ xúi người ta ly hôn là giỏi. Nghe bả thì giờ mỗi đứa mỗi nơi”.

Từ thực trạng này, chị bị nửa số em trai giận không buồn nhìn mặt. Hạnh phúc gia đình xây đã vất vả, chị không giúp vun đắp mà cứ thầy dùi phá. Nhưng cũng có nửa số em trai đắc ý với kiểu tư vấn dứt khoát, cương quyết của chị. Nếu vợ các anh nhăm nhe méc gì đấy với nhà chồng, các anh nói trước: “Viết đơn đi, tôi ký luôn, khỏi méc bà Phượng Ớt rồi nghe bả xúi bỏ chồng. Xử lý cho gọn gàng, chứ gì mà cồng kềnh quá”. Cô vợ đành im thít, tự biết đường mà hạ hỏa.

leftcenterrightdel
 Chị nghĩ dọn ra ngoài chị và 2 con sẽ sống vui, sống tốt (ảnh minh họa)

Thế rồi thời gian trôi, cũng đến cái thời kỳ mà chị Phượng Ớt tiến sĩ và ông chồng hoàn hảo lục đục triền miên. Có lẽ từ thời điểm kinh tế khó khăn, các khoản tiền đầu tư đều nằm chết gí đâu đó. Vốn chôn vì thị trường khó khăn, nhưng lãi ngân hàng nào có nhượng bộ, nó gõ cửa tứ bề. Bứt rứt về tiền bạc khiến anh chị bắt đầu bơi móc, đổ lỗi cho nhau trong mọi chuyện.

Đỉnh điểm, trong một cuộc tranh cãi, chị la lối mạt sát chồng, anh chồng mất kiềm chế, giơ tay lên cao, dọa táng vào đầu vợ. Với chị Phượng Ớt, tuy anh chồng chưa chạm vào sợi lông tơ nào, nhưng rõ ràng đấy là cú giáng thẳng vào lòng tự trọng ngùn ngụt của chị, là hành động hất tung bát nước nghĩa tình. Chị dọn đồ ra đi trong vài nốt nhạc, mang theo 2 con đến thuê 1 căn hộ, để lại lá đơn ly hôn trên bàn…

Nhưng ra ngoài sống tiện nghi và sang chảnh, chị không hề vui với tự do, cũng không thấy cảm giác “trừng trị chồng” có tác dụng hay giá trị gì. Các con chị thì tất nhiên không vui rồi. Chúng chỉ hớn hở mỗi khi ba tới đón đi ăn, đi chơi, còn lại thì ra vô nem nép nhìn sắc mặt hầm hầm của mẹ.

Được vài tháng, chị Phượng Ớt muốn về nhà lắm rồi. Chồng chị cũng đã xin lỗi, đã hứa sẽ không bao giờ giơ cao tay với chị. Anh còn đưa kế hoạch thu xếp các khoản đầu tư để cắt lỗ, trang trải nợ nần, hoạch định lại chi tiêu. Nhưng chị Phượng trở về nhà bằng cách nào bây giờ? Chị nhớ những cuộc tư vấn với đám em dâu cùng 3 chữ “ly hôn đi” gắt gỏng.

“Người ngoài nói ly hôn dễ lắm. Chỉ người trong cuộc mới biết phải cân nhắc tới lui, chịu thiệt thế nào. Đâu dễ mà tiến đến một lựa chọn”. Trong group gia đình, chị Phượng nhắn một câu mông lung như vậy. Hôm sau, đám em biết tin chị chi 2 triệu đồng cho dịch vụ dọn nhà trọn gói để họ đóng toàn bộ đồ đạc mang về nhà cũ đoàn tụ với chồng. 

Theo phụ nữ TPHCM