Ít phút sau khi Pushpika De Silva đăng quang Hoa hậu Quý bà Sri Lanka vào đầu tháng 4/2021, hoa hậu tiền nhiệm cho rằng De Silva đã ly hôn nên giật lại vương miện một cách thô bạo.
Kẻ thô bạo bị cảnh sát bắt giữ bởi lỗi “gây thương tích và gây sự”, De Silva được trao lại chiếc vương miện vì cô không phải là phụ nữ ly hôn (chỉ ly thân và đơn thân nuôi con).
|
Hoa hậu De Silva bị giật vương miện vì người tiền nhiệm cho rằng cô đã ly hôn - Ảnh: Internet |
Trong cuộc họp báo sau đó, ban tổ chức nói các thí sinh nếu chưa hoàn thành thủ tục ly hôn vẫn có thể đăng ký thi. De Silva phản biện: “Một phụ nữ đã ly hôn có điểm gì thua kém?” và đề nghị bỏ thể lệ mang tính phân biệt này.
Vì sao “đã ly hôn” lại trở thành điểm trừ ở phụ nữ? Chưa có khảo sát nào cho thấy phụ nữ đã ly hôn thì không đẹp, không giỏi giang và hữu ích. Một cuộc thi tôn vinh vẻ đẹp của quý bà, tại sao không tiếp sức cho những người mẹ đơn thân cô độc và nặng gánh?
Định kiến loại trừ phụ nữ ly hôn đã lấy đi cơ hội hạnh phúc và tỏa sáng của nhiều người. Với góc nhìn hẹp hòi này, việc ly hôn đồng nghĩa thất bại, chứ không phải là một trải nghiệm hay chọn lựa.
Trong khi thực tế, ly hôn là một cách giải quyết khi hôn nhân không hòa hợp, ly hôn không thể khiến một phụ nữ (hay một người đàn ông) thua kém người chưa ly hôn.
|
Ly hôn là một cách giải quyết khi hôn nhân không hòa hợp - Ảnhminh họa |
Để mưu cầu hạnh phúc, chị Hồng Q. (người đã qua ly hôn, ở Q.7, TP.HCM) phải tìm cách giấu kín quá khứ. Thậm chí chị gọi con ruột của mình là… cháu và gửi nhà ngoại để nhà chồng (hiện tại) không chú ý. Mặc cảm mình đã ly hôn, có một con riêng, chị chỉ công khai với chồng một tuần trước ngày cưới. Còn với gia đình chồng, đến giờ đã hai năm vẫn không biết chị từng một lần đò.
Chị bộc bạch: “Mình không muốn nói dối, nhưng nói thật mà thiệt thân thì nói làm gì! Chồng là trai tân nên nếu gia đình chồng biết sẽ không để yên”. Dù hiện vợ chồng chị Q. sống êm ấm với đứa con chung đã chào đời, nhưng chị vẫn thấy ngột ngạt, mất tự do và day dứt vì để con riêng thiếu vắng hơi ấm của mẹ.
Cũng đã gãy gánh nên khi bước thêm bước nữa với một anh chàng con nhà giàu, chị Hoàng T. (thợ may, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) luôn tự ti. Việc chấp nhận đón con dâu “có quá khứ” như chị cũng đồng nghĩa nhà chồng đã ban ơn và chị phải có bổn phận bù đắp. Chị bỏ lại trách nhiệm với cha mẹ ruột để dồn sức gánh giang sơn mới.
Ba chồng bị bệnh tai biến nằm một chỗ. Chồng chị và những người thân khác khoán trắng cho chị phụng dưỡng ông. Chị phải lo hết chi phí sinh hoạt, ăn uống của cả nhà, từ tiền công may quần áo của chị. Sự hy sinh ấy khiến chị kiệt quệ sức khỏe, sống thu mình, không dám bước ra xã hội, tình cảm vợ chồng cũng phai nhạt dần.
Nào phải “gái có công - chồng chẳng phụ”, chồng chị ỷ lại, ăn xài phung phí và sinh tật bồ bịch, đi qua đêm. Chị khuyên giải thì chồng nói: “Cô nhìn lại mình đi. Chẳng bao giờ nở được một nụ cười, suốt ngày cằn nhằn. Cô vậy, chồng trước bỏ cô là phải lắm”.
Nhưng điều đáng sợ nhất không ở lời nói của chồng mà ở suy nghĩ của chị: “Mình đã ly hôn, may phước được nhà chồng rước về, nên có đắng có ngọt gì cũng ráng mà nuốt”.
Sống không hạnh phúc, không được tôn trọng nhưng thoáng nghĩ đến một lần nữa ra đi, chị rụt chân, chấp nhận tiếp tục nhẫn nhịn, chịu đựng. Trong khi đó, vừa đảm đang, chịu khó, vừa có nhan sắc, nếu chị T. không e dè, mặc cảm, cuộc sống hôn nhân của chị có thể đã tươi sáng hơn. Ít nhất để người chồng hiểu với nỗ lực và tấm lòng của chị.
|
Chị nhẫn nhịn chịu đựng vì sợ lần nữa phải ly hôn - Ảnh minh họa |
“Phụ nữ đã ly hôn thì có điều gì thua kém?” - hoa hậu Pushpika De Silva từ Sri Lanka đang hỏi tất cả chúng ta. Ai có quyền ngăn một phụ nữ tự tin ở nhan sắc, tài năng, phẩm chất và sự đóng góp của mình, bất kể tình trạng hôn nhân thế nào?
Ai tự tin, người đó có vương miện. Cứ đẹp và sống đẹp hơn từng ngày, chiếc vương miện không vì bạn đã ly hôn mà thôi lấp lánh…
Theo phunuonline.com.vn