Tin vợ chồng chị Hà Minh ly hôn khiến bạn bè, gia đình hai bên ngỡ ngàng. Chỉ khi thấy họ mỗi người mỗi ngả, nhà rao bán, con cái đứa ở với mẹ, đứa ở với bố, bạn bè tiếc nuối, người thân xót xa thì đã muộn.
Hôm anh Tùng, chồng cũ của chị Minh, cùng con trai đầu là Tuấn An (7 tuổi) chuyển vào TPHCM sinh sống, chị Hà Minh đưa con gái đến tiễn bố và anh. Chứng kiến cảnh anh em bịn rịn mà cám cảnh, chạnh lòng.
Hôm ấy, bố con anh Tùng đi rồi, hai mẹ con về nhà, chị Minh đóng cửa khóc như mưa. Cả ngày hôm ấy, chị không thiết ăn uống, suốt cả tuần liền, nhìn chị dặt dẹo, u uẩn như cái xác không hồn. Đến cơ quan, chị Minh chẳng thể làm được việc gì cho ra hồn.
Thấy chị Minh không ổn, tôi tìm cách kéo chị đi xông hơi thảo dược, rồi đến một quán trà hoa. Không gian phóng khoáng, tĩnh tại, trong lành phần nào giúp tâm trạng chị Minh thư thái hơn.
Không muốn chị cứ giữ mãi những ẩn ức trong lòng, tôi đánh bạo hỏi: "Em tưởng ly hôn là để giải phóng cho nhau, để cả hai hạnh phúc hơn, chứ chia tay mà khổ đau đến thế này, sao anh chị không mở lòng, bỏ qua cho nhau?".
Như nước vỡ bờ, chị Minh khóc nấc từng hồi. Hai chị em ngồi phòng riêng nên tôi cứ để cho chị khóc. Vì phải khóc được, phải nói được ra thì mới mong chị vơi đi những đè nén trong lòng.
Khi vợi niềm đau, chị Minh bắt đầu bộc bạch nỗi niềm: "Cả anh và chị vẫn còn yêu nhau nhiều lắm. Nhưng lòng tự trọng, sự sĩ diện và cái tôi ngút trời của hai đứa lúc xung đột đã đẩy chị và anh đi quá xa.
Chuyện chỉ đơn giản là anh ấy đi uống với bạn, trước đó, chị đã nhắc nhở nhiều lần là công an làm gắt nên nếu anh đi uống với bạn thì đi taxi, không được lái xe. Vậy mà anh ấy cứ ừ à cho qua. Việc này tái diễn nhiều lần khiến chị cảm thấy ức chế, không được tôn trọng.
Và hôm ấy, anh ấy đã bị công an thổi nồng độ cồn. Lẽ ra, chỉ bị phạt hành chính thôi nhưng có tí men, không làm chủ được bản thân, anh ấy sinh sự với công an, suýt bị khép vào tội chống đối người thi hành công vụ. Về nhà, sẵn cơn bực tức từ các lần khác dồn nén, bọn chị cãi nhau to.
Đây là lần đầu tiên sau 8 năm chung sống, bọn chị căng thẳng như thế. Trong lúc cả hai đều mất tự chủ, bọn chị nói năng những lời mạt sát nhau, thậm chí anh ấy còn dùng vũ lực với chị. Và rồi, những ngày sau đó, gia đình là địa ngục.
Bọn chị không ai nói với nhau, tình cảm vợ chồng cứ nhạt dần. Khi anh ấy nói câu "không ở được với nhau thì ly hôn", chị cảm thấy lòng tự trọng của chị đã bị chồng ném vào sọt rác. Ly hôn thì ly hôn, sợ gì mà không ly hôn"…
Sau câu nói cuối cùng, chị Minh buông ánh nhìn vào không gian vô định. Còn tôi, hẫng hụt vì một lý do vô cùng lãng xẹt đã cướp đi hạnh phúc của một gia đình êm ấm.
Là người nhiều năm trong nghề, thẩm phán Trần Bích Nguyệt (Hà Nội) cho biết, qua nghiên cứu các hồ sơ án ly hôn, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ly hôn ngày càng tăng, đặc biệt với các cặp vợ chồng trẻ, là do họ thiếu kỹ năng sống, thiếu kĩ năng ứng xử vợ chồng.
Lý do dẫn đến xung đột và ly hôn của nhiều cặp đôi rất lãng xẹt, chẳng đâu vào đâu, với những dòng nguyên nhân ghi trong đơn rất chung chung như "không còn tình yêu", "không hợp nhau", "thiếu trách nhiệm", "mâu thuẫn kéo dài"…
Khi cả hai vợ chồng đều quá đề cao cái tôi, khi xảy ra xung đột lại thiếu kỹ năng hoà giải và vượt qua mâu thuẫn, dẫn đến ly hôn. Thẩm phán Trần Bích Nguyệt cho rằng, nếu các cặp vợ chồng có ý thức tôn trọng, vun đắp gia đình, biết đặt việc xây dựng gia đình là ưu tiên số một thì sẽ giảm được cái tôi, hạn chế được mâu thuẫn và nếu có xung đột xảy ra thì cũng dễ dàng tha thứ cho nhau.
Nhật An