|
|
Trước câu hỏi "con dâu hay người giúp việc" của cô cháu dâu, tôi quả thực khó trả lời (Ảnh minh họa tạo bằng AI) |
Mẹ chồng - nàng dâu muôn đời được xem là mối quan hệ nhạy cảm. Và nay, nếu đó là một nàng dâu Gen Z thì câu chuyện lại còn có thể… vươn lên tầm cao mới.
Nhiều hơn một lần, nhiều hơn một bà mẹ chồng đã tố khổ các nàng dâu gen Z, như trong bài Con dâu Gen Z lười biếng, mẹ chồng làm lụng không ngơi tay hay Nhà có đám giỗ, con dâu Gen Z ngủ tới 12 giờ trưa chẳng hạn. Qua mô tả của các bà “mộng chè” (mẹ chồng), những nàng dâu gen Z quả thật đáng… 0 điểm. Cô nào cũng lười biếng, suốt ngày bấm điện thoại, nói cười vô ý vô tứ, chỉ sống theo ý mình, không quan tâm gì đến nhà chồng hay phận dâu con và vô số thói hư tật xấu.
Nghe các bà tố, tôi cũng hơi hoảng, bèn gọi điện, rủ cô cháu dâu Gen Z đi cà phê. “Ô kê dì. Đợi cháu lên đồ lồng lộng xong phi ra liền” - cháu dâu tôi cũng chẳng thưa gởi gì hết. Bình thường tôi cũng không để tâm, nhưng nay vừa được nghe ý kiến của các mẹ chồng nên mới chú ý.
Khi biết tôi đang muốn tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các nàng dâu Gen Z và sự bức bối của những bà mẹ chồng, cháu dâu tôi thôi cà rỡn, chuyển sang thái độ nghiêm túc.
“Bây giờ cháu hỏi dì một câu công bằng nha” - cháu bắt đầu - “Có cái quy định nào yêu cầu nàng dâu về nhà chồng là phải rửa chén không? Tại sao chị chồng, em chồng, thậm chí là chồng không rửa mà phải là nàng dâu? Là cưới dâu hay tuyển người giúp việc nhà? Ai ăn mà nàng dâu rửa? Khi cả xã hội đang khuyến khích mọi thành viên trong gia đình cùng chia sẻ việc nhà thì ở đây lại mặc định chuyện nấu tiệc, dọn dẹp… là của cô dâu...”.
- Rồi cháu giải thích sao cho chuyện ngủ tới trưa trờ trưa trật mới dậy, cũng không ăn chung với nhà chồng? - tôi hỏi.
- Để cháu hỏi lại dì nha. Nhà dì ăn sáng lúc mấy giờ?
Nghe cháu hỏi, tôi thoáng giật mình. Nhà tôi ăn sáng lúc mấy giờ nhỉ? Hình như cũng tùy hứng. Tôi hay dậy sớm tập thể dục, trên đường về ghé ăn sáng nên cũng tính là sớm. Ông xã không ăn sáng, thường đi uống cà phê với nhóm bạn già chơi cờ tướng ngoài quán đến gần trưa mới về. Thằng con lớn làm kiến trúc, hay thức khuya với mớ bản vẽ nên dậy rất muộn, thường tự ăn uống ở đâu đó, tôi không phải lo.
Cháu đợi tôi trả lời xong mới nhoẻn miệng cười. "Con bé rất biết cách trang điểm, trông thật xinh", tôi thầm nghĩ.
|
|
Mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu chính là mâu thuẫn thế hệ (ảnh minh họa) |
- Mỗi nhà mỗi cảnh, rồi sao bắt tụi cháu phải chiều theo? Tụi cháu có bắt ai phải ăn chung với tụi cháu đâu. Dì để ý coi, mấy lần cháu rủ dì đi ăn là phải hỏi coi dì rảnh không, dì thích ăn gì, ăn ở đâu. Chưa kể ha, lỡ ăn không vừa miệng rồi tụi cháu đâu có được chê đâu; ăn xong rồi đi rửa chén. Dì thấy vậy có giống “về nhà” không? Về nhà nghĩa là phải được thoải mái; còn không thoải mái thì thôi mình đừng có về. Mà, tụi cháu không về cũng bị trách nữa dì ha? - cháu nhìn tôi, nháy mắt. Tôi cũng phải gật đầu thừa nhận, dù không nói ra lời: “Tụi bây mà không về là bị la chắc luôn”.
- Thực ra, cháu nghĩ, cái chính nằm ở tư duy thế hệ - cháu tôi trầm ngâm - Thế hệ cháu đề cao cái tôi, sự tự do, sự thoải mái. Cháu không biết nữa, nhưng nếu mai này cháu có dâu, cháu nghĩ nó thích ăn gì thì ăn, ngủ sao kệ nó, nó đói thì tự đi kiếm mà ăn chứ cháu không có rảnh hầu. Cháu cũng sẽ không trách con dâu vì chuyện đó. Cháu cũng biết là thế hệ của dì nghĩ khác, nhưng thay vì ngồi trách tụi cháu, sao các dì không chọn phương án khác dễ chịu hơn là rủ tụi cháu cùng làm hoặc lịch sự hơn là nhờ tụi cháu giúp? Nghe hơi kỳ dì ha, nhưng mà tụi cháu nghĩ vậy đó. Ví dụ mẹ chồng cháu kêu: “Hột mít (tên thân mật của cháu dâu tôi), nay má mệt quá, rửa chén giùm má coi”. Có bao giờ cháu từ chối đâu. Nhưng tự nhiên ngày giỗ, bao nhiêu người kéo về ăn xong mình cháu ngồi rửa, xem như đó là bổn phận của cháu thì cháu sẽ thấy là “sai sai”. Bữa nào rảnh rảnh, dì thử hỏi bé Út hay bé Thúy (2 cô cháu dâu khác của tôi) coi thử mấy nhỏ có đồng ý với con không.
Ừ, có lẽ hôm nào tôi sẽ hỏi thêm bé Út với bé Thúy coi sao, nhưng ngay lúc này thì tôi thấy cháu dâu cũng có phần có lý. Chỉ là cái lý của cháu không giống cái lý của những bà “mộng chè” thế hệ tôi thôi.
Mà nè, các nàng dâu Gen Z, các nàng có nghĩ giống cháu dâu tôi không? Chúng tôi quá xét nét, quá đáng với các nàng thật à? Nói tôi nghe đi! Nói đi, để nếu chúng tôi sai, chúng tôi sửa.
Theo phụ nữ TPHCM