Quỳnh là cô gái Sài Gòn. Vì yêu thương gắn bó một chàng trai miền Bắc nên sau đám cưới cô chuyển ra làm nhân viên văn phòng tại một công ty tư nhân và sống chung với bố mẹ chồng tại Hà Nội. Cuộc sống với đại gia đình có nhiều điểm khác biệt khiến Quỳnh luôn thấy lạc lõng, dù cô đã cố gắng hết sức.
Từ khi có con, hai vợ chồng Quỳnh bắt đầu mâu thuẫn. Quỳnh liên tục căng thẳng, cô rơi vào trầm cảm sau sinh. Cô tự nhủ phải cố gắng vì chồng con, vì gia đình nhỏ, nhưng chồng cô ngày càng lạnh nhạt. Anh viện cớ bận rộn, không còn chia sẻ với Quỳnh như trước.
|
|
Chị Quỳnh dần cảm nhận những khác biệt của hai vợ chồng khi anh không còn yêu chị như trước |
Khi con gái 2 tuổi, họ vay mượn hai bên nội ngoại để mua trả góp một căn hộ. Vì còn nợ ngân hàng nên Quỳnh tính toán từng xu để tiết kiệm chi tiêu, còn chồng Quỳnh, anh vẫn vung tay cho hàng hiệu. Anh ta có thể bỏ cả tháng lương mua chiếc đồng hồ, đôi giày hay chiếc bóp đắt tiền trong trung tâm thương mại. Trong túi vợ có lúc không còn một đồng cắc, nhưng anh chưa bao giờ hỏi: "Em cần tiền không?".
Từ những mâu thuẫn kinh tế, tới những lạc điệu trong lối sống, Quỳnh cảm nhận sự cô đơn, lạc lõng. Vào đêm con gái sốt cao phải vào viện, chồng cô vẫn bỏ đi nghe đêm nhạc với bạn. Hai mẹ con vật vờ trong viện còn chồng cô đăng ảnh anh chồng đang cùng bạn bè vui vẻ.
Con ra viện về nhà, Quỳnh lấy hết dũng cảm để "kể tội", nhưng anh chồng nói: “Trẻ con sốt là bình thường, em cứ làm quá lên”. Cô hét lên: “Sao anh vô tâm với mẹ con em vậy?”.
Sau nhiều lần xung khắc, Quỳnh và chồng đều cảm thấy mệt mỏi, chán chường, thậm chí họ cũng chẳng buồn cãi vã. Trừ chuyện con cái phải trao đổi, họ gần như tránh mặt nhau, và tất nhiên là cũng ngủ riêng hai phòng. Nếu Quỳnh xem ti vi ở phòng khách thì anh vào phòng ngủ chơi game.
Tan làm, Quỳnh đón con về nhà, còn chồng cô la cà với bạn bè. Ngày nghỉ vợ chồng cho con về thăm ông bà nội, nhưng gần như không ai nói chuyện với Quỳnh.
Sau 6 tháng ly thân, Quỳnh bức bối tuyệt vọng trong nhịp sống nặng nề. Cô thèm cuộc nói chuyện "hay chúng mình đều thử một lần nữa, cố gắng vì con" nhưng điều đó đã không xảy ra.
Quỳnh biết cuộc hôn nhân của mình đã không thể cứu vãn, càng níu kéo càng mệt mỏi. Cô nhắn tin cho chồng: "Ta ly hôn đi!".
"Tuỳ em", câu đáp nhẹ tênh của chồng Quỳnh thay lời chấm dứt.
Ngày ra tòa, Quỳnh vẫn hy vọng đó là quyết định vội vàng, cô bấm điện thoại hỏi anh: “Chúng ta cố gắng vì con được không?”. Anh mở điện thoại đọc, nhưng không trả lời, đi thẳng vào phòng của người thẩm phán thụ lý hồ sơ ly hôn.
Hậu ly hôn, căn chung cư được chia theo tỷ lệ đôi bên đóng góp. Quỳnh trả gần hết nợ, chỉ giữ lại được chút tiền gửi tiết kiệm. Cô tìm nhà thuê gần trường con để tiện đưa đón, và gần bố và ông bà nội. Cuối tuần, chồng cũ tới đón con về nhà ông bà chơi.
Bảy tháng sau ly hôn, Quỳnh vẫn không thoát nổi trạng thái chông chênh, rầu rĩ. Quỳnh lao vào làm việc thật nhiều để quên đi nỗi đau nhưng càng làm thì vết thương càng sâu đậm. Cô luôn suy nghĩ miên man về cuộc hôn nhân đã qua, cố gắng tìm lỗi ở phía mình.
Cho đến khi chồng cũ đăng ảnh bạn gái mới và ngày cưới, Quỳnh chợt hiểu ra, khi tình yêu không còn, mọi cố gắng đều vô ích. Quỳnh cũng thấm thía rằng, Hà Nội không còn hợp với mình, cô quyết định ôm con rời thủ đô, về TPHCM nương nhờ nhà ngoại, tìm việc, làm lại từ đầu.
Ngày trở về, ba mẹ và cô bạn thân đón Quỳnh ở sân bay. Cả nhà ôm Quỳnh, vừa mừng vừa khóc vì thương xót. Quỳnh nói với người bạn, cô không hối tiếc 5 năm tuổi trẻ, mà xem đó như một hành trình cần thiết, và cô đã được cuộc đời thưởng cho đứa con gái xinh xắn như thiên thần đang tung tăng bên ông bà ngoại...
Theo phụ nữ TPHCM