Chị Hạnh Dung thân mến,

Chúng tôi có 1 con gái 13 tuổi. Vợ chồng đã ly thân 6 tháng, vì thường xuyên tranh cãi nhau về tài chính, những chi tiêu trong gia đình.

Trong thời gian ly thân, tôi gặp lại một người đồng nghiệp cũ. Cô ấy giúp tôi vượt qua mọi buồn phiền. Biết mình chỉ trong giai đoạn ly thân, nên tôi luôn giữ khoảng cách với cô ấy.

Nhưng trong một bữa tiệc với bạn bè, cả hai uống say và chuyện gì đến cũng đã đến. Sáng hôm sau, chúng tôi chỉ biết im lặng và tiếp tục là những người bạn như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Cho đến một ngày, con gái tôi đột nhiên bỏ học vì lý do buồn chuyện bố mẹ. Bác sĩ nói tâm lý của con không ổn và sẽ khó điều trị nếu bố mẹ tiếp tục mỗi người một nơi. Vì con, vợ chồng tôi buộc phải quay về sống cùng nhau.

Tôi như sống 2 mặt, giữa một bên là người tình, hiện đã mang giọt máu của tôi trong bụng, và một bên là vợ con chung một mái nhà, dù tình cảm vợ chồng đã phai nhạt.

Tôi không biết nên làm gì để mọi người không cười chê mình. Nếu ly dị thì phải nói sao với con? Làm sao để nó hiểu được rằng dù ba mẹ không thể tiếp tục cuộc hôn nhân này nhưng vẫn luôn yêu thương nó?

Còn nếu không ly dị, thì tôi phải cư xử thế nào với cô bạn thân đang mang thai đứa con của mình? Cô ấy là một người hiểu chuyện. Từ khi tôi trở về sống cùng vợ, chưa bao giờ cô ấy nhắn tin làm phiền tôi. Tôi phải làm thế nào cho đúng?

Lê Xuân Điền

 

Anh Xuân Điền thân mến,

Câu hỏi của anh: "Tôi phải làm thế nào cho đúng?" - thật sự rất khó trả lời trong hoàn cảnh hiện tại. Bởi không thể có cách giải quyết nào đúng hoàn toàn, khi anh đang sai với tất cả mọi người. Bây giờ sửa cái sai với người này, thì nó sẽ không đúng với người kia.

Khi không có cái nào trọn vẹn, thì mình buộc phải có sự chọn lựa ưu tiên thôi anh ạ. Sự chọn lựa ưu tiên sẽ phụ thuộc vào trách nhiệm của anh, vào việc nó gây ra hậu quả lớn thế nào, cho ai. Ai có thể cùng anh thực hiện việc chọn lựa đó, và ai bị phụ thuộc vào anh quá nhiều...

Xét trên mọi phương diện, thì Hạnh Dung thấy việc anh trở về với con, hỗ trợ con vượt qua khủng hoảng tâm lý là điều đúng và nên làm.

Thời gian sống cạnh nhau, những khủng hoảng của con có thể giúp vợ chồng anh nhìn lại những vấn đề của mình không? Thử xem có cách nào hóa giải được vấn đề đó, để gầy dựng lại mái ấm không? Đó là việc anh cần cân nhắc, suy nghĩ một cách tích cực, và cùng vợ con thử làm lại cùng nhau.

Nếu việc anh quay lại với gia đình chỉ mang ý nghĩa vì con chứ hoàn toàn không có khả năng hàn gắn, thì anh cũng phải có sự rõ ràng với chính bản thân mình, với cả vợ và con.

Thời gian này chính là để con nhìn thấy ba mẹ có thể không là vợ chồng, nhưng vẫn là ba mẹ của con, vẫn có thể cư xử với nhau một cách bình tĩnh, thiện chí và dành thời gian cũng như tình yêu thương cho con. Nói thì con sẽ không hiểu, nhưng làm được điều đó thì con sẽ hiểu.

Việc người bạn kia dù có đang mang thai con của anh, nhưng cũng hiểu chuyện, không làm ầm ĩ, không gây sức ép đòi hỏi gì, là một điều kiện rất tốt để anh và cô ấy cùng có thời gian và sự bình tĩnh để suy nghĩ, nhìn lại, và có những quyết định đúng đắn.

Mối quan hệ của anh với người bạn gái là sai, việc cô ấy có thai là nằm ngoài ý muốn của hai người. Giờ đây, cả anh và cô ấy đều sẽ vừa có trách nhiệm, vừa phải chấp nhận những hậu quả của việc mình làm. Để giải quyết được vấn đề, sửa cái sai của mình, cả hai sẽ phải có những chọn lựa không mấy dễ dàng cho bản thân và đứa trẻ...

Bên cạnh những nỗ lực cho trách nhiệm và sửa sai thành đúng, thì thời gian này cũng cho anh và cô gái ấy một sự thử thách bản thân, tình cảm và quyết định lại mối quan hệ sao cho chín chắn và chắc chắn, chứ không phải là những chuyện phải làm vì "lỡ sai lầm".

"Làm sao cho đúng" là câu trả lời chỉ có anh mới trả lời được, nếu anh hiểu rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của một người đàn ông, một người cha của những đứa trẻ, và làm cho được những việc một người đàn ông, một người cha đúng nghĩa phải làm.

Theo phụ nữ TPHCM