Ảnh minh họa: ST

Gia đình bà Ngọc (có con trai) và gia đình bà Lý (có con gái) khá môn đăng hộ đối. Cả hai gia đình đều có kinh tế khá giả, con cái được ăn học đến nơi đến chốn và có công ăn việc làm ổn định. Khi hai con tính chuyện trăm năm, cả hai gia đình đều rất mừng, đồng tình ủng hộ để các con nhanh chóng về chung một nhà. Những cuộc gặp gỡ ban đầu diễn ra suôn sẻ, vui vẻ và thân thiện. Hai gia đình thường xuyên trao đổi, gửi quà tặng giúp cho mối quan hệ trở nên khăng khít.

Tuy nhiên, theo thời gian thì khoảng cách giữa hai gia đình ngày càng lớn. Nguyên nhân là do tính độc đoán, thiếu tôn trọng thông gia của bà Ngọc. Dù biết bà Lý cũng "ngang sức ngang tài" với mình nhưng bà Ngọc luôn tỏ vẻ mình là người hiểu biết, sành sỏi, tháo vát hơn. Ngày ăn hỏi hai con, do khoảng cách hai gia đình ở xa nhau, đường sá không thuận tiện nên gia đình bà Ngọc nhờ gia đình bà Lý đặt lễ hỏi tại chỗ giúp. Nhưng thay vì mềm mỏng nhờ vả, bà Ngọc giao thẳng việc cho bà Lý và "bắt" bà Lý phải đứng ra chịu trách nhiệm cả về giá cả cũng như chất lượng của các đồ lễ. Bà Lý đã thẳng thắn trao đổi là bà chỉ đặt giúp và đưa số điện thoại của cửa hàng dịch vụ để bà Ngọc tự liên hệ nhưng bà Ngọc cứ khăng khăng đẩy cho bà Lý. Vì việc hệ trọng cả đời của con và ngày ăn hỏi, ngày cưới cận kề nên bà Lý đồng ý và thực hiện với tinh thần trách nhiệm, cầu thị.

Thế nhưng, mỗi lần trao đổi lại với bà Ngọc, bà Lý lại cảm thấy bị tổn thương vì những lời nói như ra lệnh, bề trên của bà Ngọc. Bà thường xuyên bị hỏi xoáy và phần việc nào chưa nắm chắc liền bị chê bai là không chịu quan sát, học hỏi, thiếu hiểu biết, không đảm đang, tháo vát. Mặc dù bị săm soi, bà Lý vẫn bình tĩnh cùng chồng tổ chức đám ăn hỏi chu đáo, vui vẻ, đáp ứng yêu của cả hai bên. Thế nhưng, sau lễ ăn hỏi, bà Lý vẫn bị bà Ngọc chê trách vì những lỗi siêu nhỏ với nhà trai. Trong khi đó, lễ cưới và cỗ cưới chủ yếu diễn ra ở nhà trai thì bà Ngọc tự ý toàn quyết quyết định, không hề hỏi ý kiến bà Lý, ép nhà gái phải thực hiện hoàn toàn theo ý nhà trai.

Đến khi con dâu về nhà chồng, bà Ngọc bắt con dâu không chỉ toàn tâm toàn ý mà còn toàn thời gian phải ở nhà chồng. Nếu muốn về thăm bố mẹ đẻ phải xin phép trước từ mấy tháng, nếu không bà Ngọc tìm đủ lý do để ngăn cản. Mỗi lần bắt gặp con dâu nói chuyện điện thoại với bố mẹ đẻ, bà Ngọc lại bóng gió, con gái đi lấy chồng, làm dâu thì phải thế này thế nọ hoặc mang ra so sánh với con dâu nhà người này người khác...

Khi con dâu sinh con, bà Ngọc nhất quyết không cho con dâu về nhà bố mẹ đẻ. Bà viện đủ mọi lý do đường sá xa xôi, cháu ốm... để thoái thác lời đề nghị mong muốn con cháu về để chăm sóc của thông gia. Khi cháu lớn, bà lại nêu lý do bận học văn hóa, học các kỹ năng mềm, thể dục thể thao... để không cho cháu về. Vì nhớ con nhớ cháu, bà Lý đã trực tiếp lên thăm thì bà Ngọc lấy lý do nhà bà có một ngôi nhà khác đang để trống nên để thông gia ở đó cho thoải mái. Mỗi lần đến thăm con gái và cháu ngoại phải bấm chuông với ngôi nhà kín cổng cao tường, phải đối mặt với thông gia luôn tự nguyện ra mở cửa, bà Lý cảm thấy vô cùng ái ngại. Những cuộc lên thăm của bà Lý cứ thưa dần rồi ngừng hẳn.

Cô con gái thấy cảnh bố mẹ mỗi ngày một già đi cứ mòn mỏi trông ngóng con cháu về thăm thì xin cơ quan cho chuyển về làm việc tại chi nhánh ở quê nhà. Lúc này, bà Ngọc mới thấy rõ tác hại của tính độc đoán, thiếu bình đẳng với người khác của mình.

Cẩm Thủy