Kính gửi chị Hạnh Dung,

Vợ chồng em cưới nhau hơn 10 năm, có 2 con trai và đang ở chung với mẹ chồng. Ba chồng mất cách đây mấy năm, chồng em là con trai duy nhất, chị gái đã lấy chồng ở nước ngoài. Hoàn cảnh gia đình vậy nên trước nay 2 bên họ hàng đều nghĩ nhà cửa, tiền bạc sau này mẹ sẽ cho vợ chồng em.

Em không phải là người chỉ biết hưởng. Bao lâu nay, mỗi lần sửa nhà, mua sắm trang bị đồ đạc trong nhà để chăm lo cho mẹ, tiền bạc không ít, em đều chủ động bỏ tiền ra. Chồng em cũng nói mình chăm lo cho mẹ cũng như chăm lo cho nhà mình, cả nhà đều được hưởng. 

Đáng lo là khoảng 1 năm gần đây, mẹ chồng bắt đầu thay đổi. Bà đi tập dưỡng sinh, có quen một ông bạn mới. Từ lúc đó, bà chải chuốt, sửa soạn hơn trước rất nhiều. Nay mẹ đã 57 tuổi, bạn mẹ 62 tuổi cũng đang sống một mình. Em không phản đối việc mẹ tham gia hội nhóm, tập thể dục dưỡng sinh, đi tham quan vui vẻ. Nhưng bạn mẹ thì lại khác.

Ông này tính tình trăng hoa, nói năng rất chợ búa, còn thích ăn ngon mặc đẹp. Càng ngày, nhìn vào việc mẹ lo sắm sửa cho bạn, em càng không yên tâm. Mẹ mua tặng ông ta giày, thắt lưng, quần áo đắt tiền. Mới đây mẹ còn đưa tiền nhờ em mua giúp cái xe đạp thể thao gần chục triệu đồng, nói là mua giùm thôi, ông ta sẽ trả tiền, nhưng em biết chắc là mẹ tặng.

Mẹ mua sắm, chăm lo cho ông ấy cứ như vợ chăm chồng. Không phải mình em, mấy bà bạn của mẹ tới chơi hay điện thoại cũng chọc ghẹo vậy, mà coi bộ mẹ rất thích. Trong số bạn mẹ, có một bà cũng vừa đi bước nữa, em lo mẹ cũng vậy thì mệt mỏi lắm cho cả gia đình. Em nên nói sao với mẹ bây giờ?

Quỳnh Trâm (Bình Dương)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Quỳnh Trâm thân mến,

Lập gia đình là chuyện quan trọng và không dễ dàng. Con cái lớn lên lập gia đình đã khó, nay với em, mẹ chồng có khả năng sắp lập gia đình, còn khó khăn gấp bội phần. Điểm khó nhất là thay đổi chọn lựa, thay đổi quyết định của người trong cuộc.

Ở hoàn cảnh của em, quyết định của mẹ chồng còn liên quan đến nhiều chuyện khác như tài sản, tiền bạc của gia đình, nên cần thận trọng, xử lý riêng từng chuyện em nhé.

Trước tiên là sự tôn trọng với mẹ chồng. Bà có vui bạn bè, chải chuốt sửa soạn hơn, mình nên mừng, bởi vì bà còn khỏe, còn suy nghĩ tích cực, còn có nơi có bạn để vui. Bà có “hưởng thụ” một chút cũng là bình thường, đừng ngăn cấm.

Có tuổi, có kinh tế ổn định, có môi trường phù hợp, mẹ chồng em đang không ngừng tự biểu đạt chính mình bằng tất cả những vẻ ngoài, những chọn lựa, những cảm xúc của bà. Nên chia sẻ với mẹ, dành những lời khen chân thành cho mẹ. Bà sẽ cởi mở hơn với con cháu, với gia đình.

Cảm xúc và kết nối tích cực với gia đình em sẽ là đối trọng đáng kể với tình cảm mẹ dành cho một người bạn đặc biệt nào đó. Nếu mình tỏ ra không tán thành cách sống của mẹ, hay khó chịu với những sửa soạn chăm chút bản thân của mẹ, mối quan hệ xấu đi, không khí gia đình nặng nề hơn, càng dễ đẩy bà vào chỗ cảm thấy cô đơn, trống trải, có thể sẽ vì thế mà tìm đến người bạn đặc biệt ấy nhiều hơn. 

Thứ hai, chuyện nhà cửa tài sản, vợ chồng em nên bàn bạc với nhau để tìm giải pháp phù hợp. Đừng đặt vấn đề quá sớm, khi chưa chuẩn bị cẩn thận, dễ gây hiểu lầm, mất lòng mẹ, sau này khó nói chuyện. Nhà cửa chưa cần sang tên đổi chủ vội, nhưng ít nhất giấy tờ nhà cửa chồng em nên là người quản lý.

Chuyện tình cảm của mẹ là chuyện cảm xúc của người lớn tuổi, cũng không quá bồng bột dại dột đâu, miễn là mình giữ gia đình được cân bằng, cởi mở thoải mái thì nếu có chuyện gì, mẹ sẽ tâm sự với vợ chồng em thôi. Giữ tổ ấm của em là nơi thoải mái, yên bình nhất với mẹ, đó là giải pháp lâu dài mà cũng không quá khó để thực hiện.

Chúc em thành công.

Theo phụ nữ TPHCM