Đêm đã khuya, bà cụ hơn 80 tuổi giường bên nằm than vắn thở dài, không sao ngủ được. Thỉnh thoảng tôi thấy bà len lén kéo vạt áo bà ba lau nước mắt. Hơn 1 tuần rồi, tôi không thấy đứa con đứa cháu nào của bà vào thăm, đừng nói đến việc nuôi bệnh.

Giường bên này, má tôi nằm xuống là ngủ, dù vết thương phải khâu mấy mũi khi hết thuốc tê cũng làm má đau nhức. Có lẽ má yên tâm vì có con cái thay phiên túc trực bên cạnh.

Thương bà cụ cô độc, tôi nhường chiếc mền duy nhất của mình cho bà. Bà bị biến chứng bệnh tiểu đường, bụng in dấu không biết bao nhiêu mũi tiêm. Tôi đã choáng váng khi giở vạt áo lên giúp bà lau người. Nhìn bà cố gắng kềm chế không rên la khi cơn đau hành hạ, tôi ứa nước mắt.

Từ hôm có má con tôi vô nằm cùng phòng, bà có vẻ đỡ buồn hơn vì có người để nói chuyện (ảnh minh họa)
Từ hôm có má con tôi vô nằm cùng phòng, bà có vẻ đỡ buồn hơn vì có người để nói chuyện (ảnh minh họa)

Má tôi bị cậu thanh niên đi xa máy quẹt trúng khi bà sang đường. Ngay từ lúc nhập viện, chị em tôi đã cuống cuồng lo lắng. Hơn 70 tuổi, đây là lần đầu tiên má phải đi bệnh viện. Má sợ đau, sợ máu, sợ tiêm…, sợ đủ thứ. Chị em tôi thay phiên, người này ngủ với má buổi tối, người kia chăm má buổi sáng, cứ vậy mà chia ca.

2 em trai của tôi không xin nghỉ được thì cứ cuối ngày là mua đồ ăn, sữa, nước yến... mang vào bệnh viện. Có lẽ nhờ có con cái chăm sóc chu đáo, má tôi đỡ sợ, đỡ đau, tinh thần lạc quan nên chịu ăn, chịu uống.

Chiếc chân chống xe máy quẹt trúng phần da đầu của má tôi, rách một đường khá dài và sâu, mất rất nhiều máu và phải khâu mấy mũi. Nhưng ơn trời, vết thương chỉ ở phần mềm, không ảnh hưởng tới sọ não. Chúng tôi liên tục cầu nguyện cho má tai qua nạn khỏi. Người già, dẫu chỉ là những cơn bệnh do trái gió trở trời cũng đủ khổ sở, nói chi đến việc phải vào nằm viện, đầy mệt mỏi, khó chịu và đầy sợ hãi.

Tôi nhìn sang bà cụ giường bên. Hành lý bà mang theo chỉ là bọc nilon đen đựng vài bộ đồ cũ, cái khăn lau, chai dầu gió. Hôm nào bà khỏe, tôi giúp bà ngồi dậy, chia một phần cơm, năn nỉ bà ăn cho tôi vui. Từ hôm có má con tôi nằm cùng phòng, bà có vẻ đỡ buồn vì có người để nói chuyện. Bà vừa kể về 5 người con của bà vừa rơi nước mắt.

Bà nói, mẹ có thể nuôi đàn con chục đứa, nhưng chục đứa con chắc gì nuôi nổi một mẹ già. Con bà đó, 5 người “đủ lông đủ cánh” là theo vợ theo chồng bỏ xứ đi làm ăn xa biền biệt. Mười mấy năm rồi, khi ông mất, bà sống nương nhờ hàng xóm. Bà lân la hỏi thăm tình hình các con thì càng buồn hơn khi biết người nào cũng đông con mà lại nghèo. Cái nghèo khiến họ không dám trở về. Trong 5 người cũng có người khá hơn, nhưng lại mắc chứng cờ bạc. Có lần về thăm bà, anh này lại vơ vét vài thứ lặt vặt trong nhà bà bán để chơi bài. Bà có số điện thoại anh, nhưng khi bà gọi thông báo bệnh tình thì chỉ nghe tiếng tút tút vô vọng.

Cô y tá giúp bà tiêm thuốc hàng ngày cho hay, bà cao tuổi nên có thẻ bảo hiểm cho người già, xem như đỡ khoản phí điều trị, nhưng suốt thời gian nằm viện, bà đều phải nhờ người nhà của bệnh nhân cùng phòng xin cơm từ thiện trong bệnh viện để ăn qua bữa. Nhiều người tốt cũng thỉnh thoảng mua cơm ngon bên ngoài tặng bà. Nhưng bà nói, bà không muốn mắc nợ ân tình quá nhiều. Bà đâu còn sức làm để sau này có cơ hội đền đáp.

Tôi hỏi sao bà không xin vào viện dưỡng lão, có người này người kia bầu bạn, đỡ cô quạnh tuổi già. Bà móm mém cười: “Thôi, tui đi rồi, rủi mấy đứa con nó về bất thình lình không kiếm được, tội tụi nó!”.

Rồi bà nói má tôi có phước khi có những đứa con như chúng tôi. Quả thật, nếu muốn nhìn rõ sự hiếu thảo của những đứa con, phải ở vào hoàn cảnh ốm đau ngặt nghèo như bà cụ, như má tôi...

Nhưng hứ người già cần nhiều hơn chính là tình thương, là bàn tay chăm sóc của con cái khi đổ bệnh.
Thứ người già cần nhiều hơn chính là tình thương, là bàn tay chăm sóc của con cái (ảnh minh họa)

Ngày má xuất viện, tôi chuẩn bị sẵn phần sữa, nước yến và một ít tiền tặng bà cụ. Bệnh của bà còn phải nằm theo dõi thêm một thời gian. Tôi chúc bà mau khỏe, đừng nghĩ ngợi nhiều. Tôi dặn bà hãy lấy tiền tôi đưa, nhờ người nhà của bệnh nhân cùng phòng mua cơm, mua thức ăn phù hợp với người tiểu đường. Bà nhận mà rưng rưng. Tôi nói bà đừng khóc,  vì tôi sợ nhìn những người già rơi nước mắt.

Tôi không biết mai này bà cụ tuổi 80 ấy sẽ ra sao. Nhưng tôi luôn mong những người con sẽ sớm trở về. Tôi tin rằng họ không phải tệ bạc gì, chẳng qua, họ áy náy vì mình không có gì để cho mẹ lúc tuổi già.

Tôi mong rằng họ hiểu, người già cần tiền bạc để chạy chữa những lúc ốm đau, nhưng thứ người già cần nhiều hơn chính là tình thương, là bàn tay chăm sóc của con cái khi đổ bệnh. Tại sao ngày xưa cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, mà cha mẹ có thể cưu mang nuôi nấng đàn con nên người? Chẳng phải là đều nhờ vào tình thương cao cả đó sao?

Theo phụ nữ TPHCM