Ngày tôi còn bé, nhà ông bà ngoại đúng là chốn thiên đường mà lúc nào tôi cũng muốn sang chơi. Ở bên đó có tạp hóa đầu ngõ mà ông ngoại hay cho tôi tiền để mua bim bim cua. Có cái sân nhà trẻ to đùng toàn cầu trượt xích đu sơn xanh vàng hình con cá. Có cây xoài, cây roi nhà hàng xóm mọc chìa sang, chỉ kiễng chân bám vào tường một chút là vặt ăn ngay được.
Bên nhà ông bà còn có anh chị họ của tôi nữa. Mẹ tôi là em ruột của bố anh Toàn chị Giang. Theo thứ tự thì tôi bé nhất, xong đến chị Giang và anh Toàn. Đứa sau kém đứa trước 1 tuổi, thành ra 3 chúng tôi chơi với nhau rất thân.
Anh Toàn học xong luôn để lại bộ sách giáo khoa cũ cho chị Giang, chị lên lớp mới thì bộ sách đến lượt tôi “thừa kế”. Có quà vặt ngon anh chị đều để phần đợi tôi sang cho, quần áo cũ lành lặn cũng cho tôi mặc hết.
Hồi ấy tôi thích đồ của chị Giang lắm vì mẹ chị bán hàng ở chợ toàn tiện đem cho chị mặc. Cả thị trấn khi đó có mỗi cái chợ to, bác dâu tôi chuyên đánh kiện quần áo nước ngoài về nên đồ của bác đẹp có tiếng. Cứ bộ nào “mốt” nhất thì 2 con của bác được diện đầu tiên. Hội trẻ con xung quanh ghen tị với Giang lắm, tôi thi thoảng được bác dâu tặng cho cái váy giống hệt chị nên cũng “vênh”, mặc xong đạp xe lượn khắp sân nhà trẻ.
Buôn bán khấm khá nên bác dâu cũng có nhiều tiền. Bác hay cho 3 anh em tôi vài chục để mua truyện tranh, thời ấy cầm 30 nghìn ra tiệm sách hô “Cho cháu quyển Đôrêmon tập mới nhất” là oai lắm đó! 3 anh em chúng tôi chúi đầu vào cùng đọc, đọc xong thì lăn ra ngủ, đến giờ cơm ông bà lại gọi dậy ăn. Ăn xong bác dâu sẽ dắt mấy đứa ra hàng sữa chua của bà cụ ngõ bên, tráng miệng 2 cốc rồi về. Được bác chiều nên tôi quý bác lắm. Tôi còn hứa lớn lên sẽ xây cho bác một cái nhà thật to nữa cơ.
Nhưng rồi 20 năm trôi qua, mọi niềm vui đều biến thành tiếc nuối. Kể từ khi ông bà ngoại lần lượt qua đời, anh Toàn chị Giang cũng đột ngột mất vì bệnh tật và tai nạn, ngôi nhà hạnh phúc thuở ấu thơ đã thành nơi ngập đầy ký ức đau lòng. Cả năm tôi chỉ dám ghé qua 4 ngày đám giỗ và mấy dịp lễ Tết quan trọng để thắp hương. Còn lại thì tôi luôn cố nén nỗi buồn để quên đi những kỷ niệm đẹp trong ngôi nhà ấy.
Sau chuỗi bi kịch xảy ra, nhà ông bà ngoại vắng hẳn hơi người. Chỉ còn mỗi vợ chồng bác trai tôi ở đó. Bác dâu cũng dần thay đổi tính nết, ngày càng khó tính gắt gỏng khiến người khác ngạc nhiên. Từ một phụ nữ luôn vui tươi cởi mở, bác trở nên lầm lì ít nói, ai vào nhà chơi đụng chạm cái gì bác cũng khó chịu. Bác ngày càng gầy rộc đi. Hàng xóm xung quanh bắt đầu xì xào to nhỏ, mang những lời đồn không hay về bác dâu đi khắp nơi. Họ không qua lại với bác vì sợ xui xẻo. Đám trẻ con thì sợ tiếng quát mắng của bác.
Riêng gia đình tôi thì né tránh bác dâu bởi lý do khác. Hồi bà ngoại còn sống thì bác dâu không hợp với bà lắm. Bác luôn bất mãn mẹ chồng từ chuyện nhỏ đến lớn nhưng trước mặt thì vẫn tỏ ra kiêng nể. Đến khi bà mất thì bác dâu bộc lộ rõ thái độ, tệ đến mức thật khó mà chấp nhận.
Đầu tiên là bác vứt bỏ hết đồ đạc mà lúc còn sống bà từng chạm vào. Đến bộ ghế gỗ đắt tiền để trong nhà suốt hơn 40 năm cũng bị bác đem ra bãi rác. Tủ lạnh, tivi, rèm, khung cửa sổ cạnh chỗ bà nằm… bác cũng quăng đi thay mới hết. Mẹ tôi nhẫn nhịn vì nghĩ đồ của người đã khuất thôi bỏ đi cũng được. Song càng về sau bác dâu lại càng quá quắt hơn.
Dù ông bà tôi đã mất nhưng bác dâu liên tục nhắc đến họ vì chuyện cái nhà. Những tài sản khác khi còn sống ông bà tôi đã chia hết cho 2 người con, là vợ của bác cả nên bác dâu cũng được hưởng chung không ít. Thế nhưng bác dâu vẫn tham lam muốn lấy luôn căn nhà của ông bà, cho rằng đó là thứ bác đáng được nhận.
Nếu anh Toàn còn sống thì có lẽ căn nhà thuộc về anh, nhưng sau khi anh mất thì bà ngoại đã sửa lại di chúc. Hiện tại theo di nguyện của bà thì ngôi nhà thuộc sở hữu chung của mẹ tôi và bác cả, mọi thứ liên quan đến mua bán hoặc thừa kế đời sau đều do 2 người quyết định. Một lần tôi sang gửi đồ cho bác trai thì bắt gặp bác dâu đang lục tung cả nhà lên, còn cậy cả gạch sàn bếp và tường sau tủ quần áo nữa. Hỏi lý do thì bác không nói. Về kể với mẹ thì mẹ tôi thở dài, đoán rằng bác dâu đang kiếm cái sổ đỏ.
Quyển sổ quan trọng ấy mẹ tôi đã cất giữ ở nơi bí mật. Bác cả nhà tôi biết tính vợ nên cũng không có ý định dung túng, bác bảo mẹ tôi cứ giữ gìn ngôi nhà của ông bà cho cẩn thận. Họ không muốn bán hay phá đi xây nhà mới. Dù sao bác cả cũng đã già, con cái thì mất hết, sau này bác cũng chỉ mong có nơi thờ tự cạnh bố mẹ và 2 con thôi. Nếu bán căn nhà của ông bà đi thì còn chốn nào mà trở về nữa...
Tôi rất thương bác trai vì ngày nào cũng phải chịu đựng sống nốt quãng đời với người vợ gàn dở. Trước đây tôi thương bác dâu vì những tổn thương không thể bù đắp được, 2 đứa con mất sớm cũng đau xót lắm chứ. Nhưng rồi bác bỏ việc kinh doanh chỉ ở nhà than khóc, sau đi làm giúp việc kiếm được đồng nào thì toàn tiêu pha linh tinh. Suốt ngày bác chỉ nhớ về quá khứ, trách móc hết người nọ đến người kia, đay nghiến chồng và đòi bán nhà lấy tiền đi chỗ khác sống. Dần dần tôi không thương nổi nữa, bác dâu nói gì chửi gì cũng bỏ ngoài tai.
Hôm Trung thu vừa rồi tôi chở mẹ sang nhà ông bà thắp hương. Tới nơi thấy khóa cửa ngoài, gọi điện thì cả 2 bác đều không nghe máy. Hàng xóm nói bác cả tôi đi tập thể dục còn bác dâu thì không biết đi đâu. Mẹ tôi tôn trọng các bác nên chưa từng giữ chìa khóa riêng. Bình thường vẫn có 1 chiếc chìa dự phòng ở ô cửa thông gió, nhưng hôm ấy tìm mãi chẳng có cái chìa nào.
Ngồi đợi cả tiếng không thấy ai nên tôi đành chở mẹ quay về. Được nửa đường thì gặp bác dâu đạp xe đi ngược. Hóa ra bác sang nhà chị gái chơi. Mẹ con tôi tính quay lại nhà ông bà thì bác dâu ngăn cản. Bác bảo cứ đưa túi đồ để bác xử lý thay. Mẹ tôi không đồng ý vì rằm Trung thu năm nào cũng tự tay sắp mâm lễ đặt bàn thờ, chưa kể phận làm con sao có thể quên bố mẹ đã khuất được?
Thế nhưng bác dâu vẫn nằng nặc xua tay đuổi mẹ con tôi về mà không có lý do chính đáng nào cả. Mẹ tôi tức giận gọi cho bác cả để lấy chìa khoá. Sau khi thắp hương xong xuôi thì mẹ đề nghị họp gia đình, bảo tôi gọi cả hàng xóm sang để làm chứng.
Dù rất khó chịu nhưng mẹ tôi cố gắng kiềm chế để hỏi tại sao bác dâu không muốn mở cửa cho mẹ vào. Bác thản nhiên nói “Đây là nhà tôi nên muốn làm gì là quyền của tôi”. Nghe câu trả lời mà ai có mặt ở đó cũng ngỡ ngàng, đến tôi cũng không ngờ bác dâu lại suy nghĩ vô lý như thế.
Bác cả nghiêm túc nói rằng đây là nhà của ông bà, trước vẫn thế và sau này cũng luôn thế. Con cháu không ai có quyền giành giật lấy làm tài sản riêng, con dâu lại càng không thể chiếm hữu ngôi nhà ấy.
Bác dâu bỗng nổi điên lên ném cốc chén vỡ toang, mắng chửi mọi người bằng đủ loại ngôn từ xúc phạm. Bác cho rằng gia đình tôi chèn ép bắt nạt bác, đi làm dâu bao năm mà chẳng được cái gì. Rõ ràng từ xưa đến nay chưa bao giờ bác thiệt thòi gì cả. Bác trai luôn thương vợ, lo kinh tế chu đáo chẳng thiếu thốn gì. Mẹ tôi thậm chí còn nhắm mắt bỏ qua khi bắt quả tang bác dâu đang tháo mấy chiếc nhẫn vàng trên tay bà ngoại đem đi bán lúc bà đau ốm.
Không ai đối xử tệ với bác dâu vì vốn dĩ số phận bác cũng bất hạnh lắm rồi. Vậy mà chẳng hiểu sao bác luôn cho rằng mọi người trong gia đình tôi âm mưu hãm hại, muốn đuổi bác ra đường.
Lẽ ra mẹ tôi để yên cho chị dâu sống trong ngôi nhà đó đến cuối đời nhưng vì giọt nước tràn ly hôm Trung thu mà mẹ quyết định sẽ mời bác đi chỗ khác. Bác cả cũng không bênh vực vợ, im lặng để mẹ tôi tự lo. Dĩ nhiên bác dâu gào lên không chịu. Đời nào bác chịu từ bỏ ngôi nhà ấy, bác còn đập tung cả sàn ra để tìm xem sổ đỏ giấu ở đâu cơ mà.
Bác dâu vẫn còn người thân để về, họ hàng bên ấy đông hơn cả nhà tôi cộng lại. Mấy năm nay bác cũng chẳng thiết tha quan tâm gì chồng, sống chung với nhau nhưng giường ngủ 2 chỗ, cơm ăn cũng mạnh ai nấy lo. Mẹ tôi suy nghĩ kỹ rồi nên mới yêu cầu bác dâu dọn đi, song bác cố chấp không chịu. Bác còn dọa sẽ "đốt nhà" ông bà đi, không ăn được thì phải đạp cho đổ.
Tôi cứ tự hỏi, lòng dạ con người sao có thể thay đổi đến mức như thế?...
Tiểu Ngạn