Ngày… tháng… năm…
Mẹ bệnh cảm. Lần này cũng như bao lần khác, mẹ luôn cố giấu, cố chịu đựng. Tôi biết mẹ không muốn chị em tôi phải sắp xếp công việc, phải đi vài giờ xe cộ mệt mỏi để về thăm. Có lần, mẹ nhìn chúng tôi và nói trong ánh mắt mênh mông rười rượi: “Mẹ sợ bệnh, các con sẽ khổ. Mẹ sợ lắm!”.
Tôi về thấy mẹ nằm co ro, thu lại bé xíu như một đứa trẻ trong căn phòng im ắng. Không dưng có gì đó trong lòng cuộn lên trào ra khiến tôi suýt nghẹt thở. Đó là ký ức những ngày xa xưa khi tôi còn là cô bé cứ trở trời là đau ốm…
Tôi nhớ mình sốt, mắt nhắm nghiền nửa thức nửa mê. Mẹ sẽ vào hỏi xem tôi muốn ăn gì, uống gì… Mẹ sẽ đặt tay lên đầu tôi xem có nóng không… Mẹ sẽ sờ chân xem tôi có lạnh quá không… Và dù tôi có lắc đầu, mẹ vẫn nấu tô cháo nóng thơm lừng, cùng với ly cam, ly chanh hay ly sữa. Mẹ khẽ khàng gọi tôi dậy, ngồi đợi tôi ăn bằng hết mới thôi.
Tôi xay thịt nấu cháo cho mẹ. Tự hỏi, hơn nửa đời mình, tôi đã nấu cháo cho mẹ mấy lần; đã mấy lần ngồi lau mát, thức canh khi mẹ cảm sốt thế này… Tôi đã đi chợ lựa mua những con tôm ngon nhất, những con cá tươi nhất, những miếng thịt mềm nhất, xay và nghiền, sáng món này chiều món khác cho con. Tôi đã thức biết bao đêm, ôm con trên vai đi tới đi lui, hát ru à ơ cho đến sáng, nhưng với mẹ…
Mình cố gắng làm mẹ nhưng liệu đã biết làm con cho tròn? Mình thương con mình, nhưng đã hiểu lòng mẹ hay chưa?
Mình có thể lấy lý do bận lo cho con, để ba mẹ già một mình thui thủi thế này hay không? Quỹ thời gian họ còn trên thế gian này đâu nhiều nữa. Rồi con mình sẽ học bài học hiếu thảo ở đâu nếu như chính ba mẹ không dạy chúng bằng mỗi ngày sống, mỗi ngày đối đãi với ông bà?
Hơi cháo bốc lên hay sao mà tôi nghe mắt cay xè, má nhồn nhột ướt như có vài giọt nước mắt đã rơi…
Ngày… tháng… năm…
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Hôm nay, 2 chị em ngồi thật lâu với ba ngoài sân bay. Lần đầu tiên ba bay 1 chuyến dài một mình sau cơn bạo bệnh. Người đàn ông duy nhất, người mạnh mẽ nhất trong nhà chúng tôi, lần giở chiếc ba lô bên hông, hỏi thuốc ba ở đâu, giấy tờ ba ở đâu, nếu ba bị vấn đề như thế này như thế kia sẽ cần làm gì… Rồi khi tận mắt nhìn thấy bịch thuốc tôi đã ghi cẩn thận ngày giờ uống, thấy cái bóp, thấy những câu em tôi đã ghi sẵn, phòng khi ba trở bệnh nhờ trợ giúp, ba mới an tâm. Hồi lâu, ba lại giở ra xem, lại hỏi nữa…
Nhiều năm trở lại đây, ba tôi hay quên, đi đâu là coi như chắc chắn sẽ bỏ lại đó một vài món đồ. Chuyện gì ba tôi cũng nói đi nói lại, hỏi đi hỏi lại thật nhiều lần. Thậm chí ba còn sáng tác thêm cho tăng phần kịch tính. Cả nhà giở khóc giở cười với ba, có khi còn xúm nhau lén lút “nói xấu” ba, có cả những lần giận vì ba “đổi tánh kỳ”!
Nhưng trước mặt các cháu, chị em tôi thay phiên kể biết bao nhiêu chuyện hay về ba. Chuyện ba nằm ôm đu đưa cho chị Hai ngủ, áo ướt rồi khô vì chị tè dầm, khô rồi lại ướt nhưng không dám cựa quậy vì sợ chị thức. Chuyện ba nói trước mặt chú bác họ hàng, khi người ta bảo con gái học chi nhiều, rằng ba khổ thế nào cũng được, làm cái gì cũng được, nhất định phải nuôi con gái ăn học đàng hoàng. Chuyện ba bắt ếch, phơi da lấy lon sữa bò làm trống đồ chơi cho Út…
2 chị em nhìn theo bóng lưng ba khuất hẳn sau dòng người. Tôi chợt muốn hỏi em gái: “Mình đã thương ba thương mẹ như ba mẹ thương mình chưa em?”.
Theo phụ nữ TPHCM