Kính gửi chị Hạnh Dung,

Vợ chồng em cưới nhau xong thì ở chung với ba má chồng đến giờ là 8 năm. Chồng em là con trai một, chị gái lấy chồng xa nên ở chung lo cho gia đình chồng là chuyện em đã xác định từ trước khi cưới. Nhưng có một chuyện em không hình dung trước được là mối quan hệ giữa ba má chồng đã ảnh hưởng rất xấu đến gia đình nhỏ của em.

Ba chồng em hiền lành, sâu sắc, còn má chồng em quen việc buôn bán, ăn to nói lớn, chuyện gì đụng vào quyền lợi của bà là bà “xù lông nhím” lên quyết liệt tới khi nào giành phần hơn mới thôi.

Má chồng em coi thường chồng từ lâu lắm rồi, giờ đã thành nếp, bất kỳ chuyện gì dù lớn dù nhỏ, ba không làm thì má kêu là vô tích sự, ba làm thì má chê lên chê xuống.

Em không hiểu tại sao ba má có thể sống được với nhau tới giờ, bề ngoài vẫn tỏ ra bình thường, gia đình êm ấm, mà trong ruột thì người này coi người kia không ra gì. Em là con dâu, nhiều khi thấy ba bị má nói nặng quá, cũng cố gắng nói đỡ vài câu hay giải thích thêm cho ông. Việc đó khiến bà ghét lây cả em.

Chồng em nói tính khí ông bà như vậy rồi, mặc kệ đi, không can thiệp hay thay đổi được đâu. Mới đây, ba bị tai biến phải nhập viện, khi về nhà, ông bị yếu một bên người, phải có người chăm lo dìu đỡ. Má chồng em nói người ta lấy chồng thì được nhờ, bà lấy chồng như mang cục nợ suốt đời, bây giờ chăm chồng già là hết kiếp.

2 đứa con em cũng học theo bà nội, coi thường ông nội, ông ngồi ở giường nhờ lấy giúp món đồ gì chúng cũng coi như không nghe. Ông coi ti vi, chúng tự tiện lấy remote chuyển kênh rồi để ra xa cho ông không lấy tới.

Nhiều bữa em thấy ba bưng chén cơm mà ứa nước mắt nuốt không nổi. Ông nói với em sao tai biến không cho ông chết luôn để đỡ khổ. Em phải làm sao thay đổi chuyện này, chứ về lâu dài chắc không ổn…

Hoài Như (TPHCM)

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Em Hoài Như thân mến,

Bi kịch hôn nhân vốn là chuyện riêng của mỗi cặp vợ chồng nhưng khi các cặp sống chung dưới một mái nhà, bi kịch của cặp đôi này sẽ tỏa bóng u ám lên mối quan hệ của cặp đôi khác. Vì vậy, chắc em phải tìm cách cải thiện chuyện nhà sớm. Để vậy, lâu dần sẽ thành nếp, các con em khó trưởng thành tốt trong một môi trường mà giáo dục gia đình chịu nhiều tổn thương, lệch lạc.

Trước tiên, người em cần thay đổi không phải là má chồng. Bà đã có quá nhiều uẩn khúc và có thể cả những thất vọng trong suốt đời mình, để đến nỗi hình thành thái độ chê bai, coi thường chồng. Em hãy bắt đầu từ chồng em. Anh là con trai của ba má, không thể giữ thái độ vô cảm, coi chuyện của ba má không phải là chuyện của mình. Em hãy trò chuyện với chồng. Quan trọng nhất, em hãy giúp chồng tưởng tượng ra nếu em giống như má anh ấy và chồng em giống ba anh ấy, em cũng là một người vợ coi thường chồng, chỉ trích chê bai mọi việc chồng làm, thì anh ấy cảm thấy thế nào, gia đình em có hạnh phúc không, các con em có kính trọng ba mình không… Hãy đặt chồng em vào vị trí của ba anh bây giờ để anh hiểu nỗi đau lòng, nỗi buồn tủi của ba, từ đó gần gũi, chăm sóc, lắng nghe ba với sự tôn trọng, từng bước cân bằng lại thái độ của gia đình đối với ba.

Với má chồng em, khó hơn nhưng không phải là không thể. Thói quen chê chồng có thể xuất phát từ những chuyện nào đó trong quá khứ, từ những vất vả gánh vác của bà. Không có nơi để giải tỏa nỗi niềm, bà trút bực dọc lên ông. Vợ chồng em hãy lắng nghe má. Em trò chuyện với má nhiều hơn, hỏi thăm, khơi gợi… Chuyện mới chuyện cũ khi nói được với con cái, bà sẽ hạ hỏa bớt, ít nhất không còn nặng lời quá mức với chồng.

Em chia bớt việc nhà giúp má, nhiều việc cùng làm, cùng bàn bạc, rồi từ từ kể cho má nghe những cố gắng của ba. Chắc bà cũng không muốn em coi thường chồng, tức coi thường con trai bà. Em hãy tìm cách để chồng em có thể chia sẻ việc nhà. Hãy nói gánh nặng cuộc đời má giờ có thể san sẻ bớt cho con cháu; má xứng đáng được thư giãn, nghỉ ngơi.

Tóm lại, chia sẻ là bước đầu tiên cũng là cách thức bền vững để chữa bệnh “chê chồng” của má đồng thời là cách để vợ chồng em điều chỉnh, cân bằng bầu không khí gia đình, tạo nền nếp cho con cái. Chúc em kiên nhẫn với nhiều tình yêu thương để giúp đỡ, giữ gìn hạnh phúc gia đình mình.

Nếu tôi là người trong cuộc

Thành Dương (quận Tân Bình, TPHCM): Làm cầu nối cho ba má

Má chồng bạn làm công việc buôn bán ngoài chợ, chịu áp lực mưu sinh hằng ngày, gánh vác kinh tế cả gia đình, thiếu thời gian nghỉ ngơi và thư giãn nên không tránh khỏi căng thẳng, mệt mỏi, sinh ra nóng tính, lời nói thiếu kiềm chế. Bà có thái độ, hành vi không tôn trọng chồng có thể là do trong quá khứ giữa 2 người có mâu thuẫn, tổn thương hoặc má chồng bạn có những tiêu chuẩn, kỳ vọng cao về chồng trong khi ba chồng bạn lại có cách sống khác.

Để thay đổi suy nghĩ, cách hành xử của một người như má chồng bạn là điều rất khó nhưng bạn có thể giúp bà xoa dịu căng thẳng bằng cách quan tâm chăm sóc bà nhiều hơn. Hãy bàn với chồng cùng nhau chia sẻ việc nhà, bao gồm việc chăm sóc ba chồng bạn hoặc thuê người giúp việc để giảm bớt gánh nặng cho bà.
Bạn có thể gợi ý má chồng cùng đăng ký một khóa yoga để giúp bà giảm căng thẳng; đưa bà đi spa chăm sóc da, mát xa, mua sắm… để từ từ cân bằng lại cuộc sống.

Giúp ông bà kết nối với nhau bằng cách nói tốt về ông trước mặt bà và nói tốt về bà trước mặt ông. Ví dụ “Con mong ba/má kể con nghe chuyện tình yêu đẹp của 2 người”, “Con thấy má nói chuyện vậy thôi nhưng trong thâm tâm má vẫn quan tâm ba” hoặc “Con nghe ba nói ba buồn vì trở thành gánh nặng của má”… Có thể mời ba má đi du lịch, cùng xem phim để tạo cơ hội gần gũi cho 2 người.

Thùy Châu (Biên Hòa, Đồng Nai): Nhắc nhở các con về nghĩa vụ với ông bà

Các con bạn có thái độ coi thường ông nội là điều rất đáng buồn và bạn phải nghiêm túc lưu tâm. Nếu không uốn nắn, chỉnh sửa, con sẽ trở nên vô cảm với tất cả người lớn tuổi xung quanh, sau này có thể sẽ áp dụng thái độ đó đối với vợ chồng bạn.

Điều cần làm là chia sẻ những cảm xúc, lo lắng về hành vi của các con để chồng bạn hỗ trợ trong cách nuôi dạy con cái. Cả hai phải cùng nhắc nhở các con về tình cảm gia đình, về nghĩa vụ đối với ông bà. Hãy lên một lịch trình cụ thể về các công việc con bạn có thể làm để giúp đỡ ông. Phải tỏ thái độ nghiêm khắc khi các con có hành vi coi thường ông nội.

Hãy nhỏ nhẹ tâm sự với má chồng để bà biết rằng hành vi, thái độ của bà đang ảnh hưởng tiêu cực đến tư duy của những đứa trẻ trong gia đình. Để má không ghét lây, tránh đề cập vấn đề này khi bà đang mệt mỏi, căng thẳng.

 

Theo phụ nữ TPHCM