Anh Hai 10 tuổi thì mẹ sinh tôi. Mẹ kể, lúc y tá trao tôi vào tay ba, ba cười mà nước mắt chảy. Vì anh em tôi, ba bỏ thói quen hút thuốc lá, nhậu nhẹt vào cuối tuần. Mẹ hay nói đùa anh em tôi có quyền lực.

Ngày đầu tiên ba đưa tôi đi nhà trẻ, tôi khóc như mưa. Ba đứng ở cổng ngóng vào trong, không nỡ về nhà. Ba nói với mẹ: “Nghe tiếng con khóc mà thương đứt ruột, chỉ muốn ẵm con về”.

Vết thương của con cái không dể chữa lành (ảnh minh họa)
Vết thương của con cái không dễ chữa lành (ảnh minh họa)

 

Tôi vào lớp Một, ba đưa tôi tới trường, bịn rịn dặn dò: “Ráng học nghe con, nhớ đừng có khóc”. Tôi lên lớp Sáu, cũng là ba chở tôi đi. Ba nhắc: “Vén tà áo dài cho gọn nghe con, coi chừng vướng vào bánh xe. Con gái lớn rồi, đi đứng nói năng phải ý tứ”… Mọi bước đường tôi đi, đều có ba bên cạnh.

Có lần ba đón tôi rất muộn. Ngửi mùi mồ hôi ba chua nồng, tôi nhăn mặt, nói: “Ba hôi quá”. Ba cười khì: “Ba đổ mồ hôi để kiếm tiền nuôi anh em con”. Tôi len lén lau dòng nước mắt thương ba.

Dạo đó, có một cô tên Lành tới xin thuê đất nhà tôi để đào ao thả cá. Cô Lành còn thuê ba trông coi ao cá, cho cá ăn. Không phải vất vả làm ruộng, ba đỡ cực hơn trước. Năm đó mấy ao cá của cô Lành trúng lớn. Cô rủ ba hùn vốn nuôi, thuê thêm mấy công đất bên cạnh. Cả ngày ba lu bù ngoài đồng, dãi nắng dầm mưa. Tôi thương ba mà không biết làm sao để gánh đỡ.

Trại nuôi cá của ba và cô Lành thuê thêm nhân công. Ba và cô Lành chỉ lo phần mua thức ăn, ký hợp đồng bán cá. Ba mang tiền về cho mẹ sắm xe máy cho anh Hai, mua cho tôi sợi dây chuyền mơ ước…

Khoảng thời gian sung sướng đó ngắn lắm. Ba ra dáng ông chủ, đi giày tây mặc áo sơ mi đóng thùng, thơm phức mùi nước hoa. Thấy mẹ lo ba thay lòng đổi dạ, tôi an ủi mẹ: "Ba thương mấy mẹ con, ba sẽ không làm điều gì có lỗi…"

Là lương tâm tôi, tình thương trong tôi đang cố níu kéo vào niềm tin ba vẫn thương mẹ, thương 2 anh em…

Một hôm chồng cô Lành tới gặp mẹ, đưa ra bằng chứng ba hẹn hò cô Lành. Chú nói: “Chị lo mà quản chồng chị. Còn tôi, tôi sẽ không để chúng yên”.

Mấy lời của chú nghe như sấm nổ giữa trời quang. Mẹ đổ gục như chiếc lá héo. Anh Hai tôi nắm chặt hai tay, mặt đỏ bừng. Tôi lủi vào góc nhà, thấy ứ nơi ngực mà không thể khóc. Sự thất vọng, bàng hoàng và cả sợ hãi dâng nghẹn trong lòng…

Anh Hai lầm lì dắt xe ra, bảo tôi: “Út, mày lên xe đi với anh, kiếm ba về”. Tôi bỗng tin tưởng rằng ba thấy tôi và anh Hai thì sẽ quay về nhà. Ba lỡ lầm thôi, ba sẽ dừng lại. Ba từng dạy anh em tôi: “Làm sai phải biết sửa sai”.

Trận đánh ghen thay mẹ lần đó để lại trong tôi ký ức kinh hoàng. Tôi vẫn nhớ như in ba đã tát anh Hai mấy cú như trời giáng. Tôi xông tới kéo áo cô Lành, vừa khóc vừa la, liền bị ba xô té sấp mặt. Ba chở cô Lành chạy vụt đi, mặc anh em tôi gào khóc giữa đường…

Tôi nằm bẹp cả tuần. Nhắm mắt là tôi lại mơ thấy ác mộng, mơ thấy lưng áo lạnh lùng của ba khi rời đi. Nhìn mẹ đau đớn vật vã, tôi cố gượng dậy an ủi mẹ. Nhưng tôi giúp mẹ khâu vá vết thương kiểu gì khi chính tôi cũng không lành lặn? Chỉ là tôi cố không gục ngã để mẹ còn chỗ dựa.

Ba cùng cô Lành cao chạy xa bay, bỏ mặc mẹ con tôi, mặc mấy ao nuôi cá còn dang dở và đống nợ nần. Mẹ phải bán mấy công đất để thu dọn tàn cuộc cho ba.

Anh Hai tốt nghiệp đại học, từ chối cơ hội làm việc ở thành phố để về quê. Anh cố gắng làm trụ cột cho mẹ và tôi. Tôi cũng chọn đại học gần nhà để ở gần mẹ. Nhưng vòng tay của anh em tôi làm sao đủ ấm, làm sao lấp đầy khoảng trống ba bỏ lại. Mẹ như người mất hồn, già hẳn đi. Ba và mẹ có hơn 20 năm chồng vợ, vết thương của mẹ hẳn dường như không bao giờ lành…

Tôi có người bạn thân. Khi ly hôn cô ấy đã giải thích với đứa con 5 tuổi: "Ba mẹ chia tay cũng giống như con nít tụi con vậy. Giận thì nghỉ chơi, không thích chơi với nhau nữa thì bo xì…".

Tôi không biết con của bạn hiểu điều đó như thế nào, và tới bao giờ đứa trẻ ấy sẽ bớt xót đau. Người lớn hết thương nhau thì rời đi, còn những đứa trẻ thì sao, các con đâu biết cách nào níu một gia đình, níu những tiếng cười ấm áp?

Khi tình thương đã cạn, có người chọn rời đi, có người chọn ở lại vì con. Nhưng dù lựa chọn thế nào, xin hãy nhẹ nhàng hết mức, để giảm thiểu tổn thương trong lòng những đứa trẻ. Bởi để chữa lành nỗi đau ấy, có khi phải mất cả một đời.

Theo phụ nữ TPHCM