5 năm kết hôn, vợ chồng tôi có với nhau một bé trai kháu khỉnh. Cũng từng ấy thời gian, chúng tôi sống chung với ba mẹ tại một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô.
Vợ tôi làm kế toán cho một công ty xuất nhập khẩu, tôi là kiến trúc sư của một công ty chuyên thiết kế về mảng xanh ở trung tâm thành phố.
Mỗi ngày, để đến chỗ làm, vợ chồng tôi đều phải vượt chặng đường hơn 50 cây số cả đi lẫn về. Tối đến, con tôi cũng cần mẹ cho ăn, tắm rửa, trò chuyện trước giờ đi ngủ. Mọi việc dọn dẹp, sắp đặt nhà cửa trong nhà đều do mẹ tôi đảm nhận.
Mẹ tôi là giáo viên về hưu. Bà còn khỏe, có thời gian, lại rất thương con cháu nên chưa bao giờ tôi nghe mẹ hé nửa lời nề hà về công việc hay những cách cư xử, nếp sống chung trong gia đình.
|
Vợ tôi không dành thời gian để dọn dẹp, chăm sóc nhà cửa (Ảnh minh họa) |
Có lần thấy mẹ ngày này qua ngày khác cặm cụi nấu nướng, lau dọn, gấp ủi quần áo cho toàn bộ gia đình, tôi đánh tiếng nhắc nhở vợ thì mẹ bảo: “Vợ con đi làm xa, công việc liên quan đến số má vất vả, đau đầu lại còn chăm con nhỏ. Mẹ giúp được gì thì giúp, không quan trọng. Làm việc nhà cũng giúp mẹ dẻo dai, đỡ nhức mỏi, tránh được những căn bệnh tuổi già”. Nghe mẹ nói vậy, tôi cũng xuôi tai nên chẳng có ý kiến gì thêm.
Ngày tháng trôi qua, tôi càng ngày càng bận. Ngoài việc làm cố định ở công ty tôi còn nhận thiết kế thêm quán cà phê, nhà hàng, bar… Tôi tăng tốc làm việc để kiếm thật nhiều tiền, sớm mua nhà ở trung tâm thành phố, đón con và vợ vào ở, ổn định và phát triển cuộc sống. Tôi chẳng còn nhiều thời gian để ý đến thói quen, nết ăn ở, thu vén của vợ mình. Tôi bằng lòng với vợ, với nhịp sống bình ổn ấy mỗi ngày.
Vậy mà bây giờ, khi đã sắm được căn nhà riêng khang trang gần trung tâm, mỗi ngày sau giờ làm việc trở về nhà, tôi lại thấy mệt mỏi, nặng nề.
Cả tôi và vợ không ai còn phải lo lắng, tất bật vì chuyện đi làm xa, con trai tôi cũng gần 5 tuổi, đã tự chăm sóc được những nhu cầu cơ bản của cá nhân, không còn mè nheo ba mẹ như trước. Là kiến trúc sư, tôi luôn muốn tổ ấm của mình ngăn nắp, sạch sẽ, đồ đạc, nội thất sau khi sắm về sẽ được sử dụng cẩn thận, bài trí gọn gàng, hợp lý. Thế nhưng, hầu như mọi mong muốn của tôi đều không được vợ lắng nghe, hỗ trợ. Cô ấy “hiện nguyên hình” là một người lười biếng, cẩu thả trong mọi việc.
Từ phòng khách đến phòng ngủ, nơi nào cũng có áo quần dơ vương vãi. Giày dép đi làm về, vợ hất mỗi nơi mỗi chiếc, không bao giờ xếp gọn vào kệ. Chiếc tủ lạnh 4 cánh chỉ sau một tháng sử dụng đã lấm lem, hôi hám, rau củ, trứng, sữa để lộn xộn, thức ăn sống chín lẫn vào nhau… Khu bếp cũng nhanh cáu bẩn vì thức ăn văng bám.
Căn phòng ngủ và làm việc của vợ chồng được tôi thiết kế tích hợp, vậy mà bao nhiêu tâm huyết của tôi nhận lại thất vọng bấy nhiêu. Trên bàn làm việc có cả vớ và luôn có vài món đồ trang điểm của vợ lăn lóc.
Ngược lại, trên giường ngủ lại có chuột máy tính, tai nghe lẫn dưới đống chăn mền chưa bao giờ được gấp gọn. Phòng chơi và học của con thì bày bừa, bụi bặm, không khác gì bãi chiến trường...
Những chậu hoa be bé xinh xinh tôi lặn lội chọn mua, mang về đặt vào ban công để tăng khoảng xanh cho ngôi nhà cũng bị vợ bỏ bê, nhanh chóng xác xơ, héo rũ…
Tôi cũng dọn dẹp, cũng nhắc nhở con, và làu bàu với vợ, nhưng cô ấy luôn nói tôi quá kỹ tính, cầu toàn. Thật sự mỗi ngày đi làm đã rất mệt, nên từ từ tôi trở nên cạn lời, chẳng muốn nói năng gì thêm.
|
Nhà cửa sạch đẹp sẽ tiếp thêm năng lượng tích cực cho mỗi người (Ảnh minh họa) |
Từ hồi tân gia đến giờ, tôi dù rất muốn rủ anh em, đồng nghiệp thân tình về nhà chơi để trò chuyện, chia sẻ chuyện làm ăn, nuôi dạy con cái... nhưng tình hình nhà cửa bừa bộn thế này, mọi cuộc hẹn đành phải trì hoãn. Tôi ngại ánh mắt phán xét của mọi người.
Tôi nên quyết liệt trong nhắc nhở, đòi hỏi vợ gọn gàng sạch sẽ hơn, hay chính tôi phải sắp xếp công việc mà về nhà sớm để tự tay lau nhà, xếp giày, lau bếp và tủ lạnh…? Và nếu tôi tự nhận việc dọn dẹp, thì khác nào tôi cam chịu người vợ luộm thuộm suốt đời..
Theo phụ nữ TPHCM