"Những ngày được sống như mong đợi đã tới, vì chồng mất tích theo World Cup nên mình cảm giác như làm mẹ đơn thân. Cám ơn nhé World Cup, sao tận 4 năm mày mới đến một lần?".
Thấy tôi đăng dòng trạng thái như vậy lên Facebook, nhiều bạn bè vào thả mặt cười. Ở phần bình luận tôi giải thích rõ: “Những lần giận chồng, thất vọng hay cay cú, đã có lúc tôi thầm suy nghĩ, giá như mình được một mình nuôi con. Được tự do làm điều mình muốn, ăn gì thì ăn. Bây giờ, giờ vàng đã điểm, cầu được ước thấy. Chồng đêm nào cũng xem đôi ba trận bóng, sáng ra mệt mỏi nên thả cho vợ tự quyết định, sắp xếp mọi việc lớn bé trong nhà".
Thúy, bạn thân của tôi, nhanh chóng vào hùa theo: “Đúng, mọi chuyện chỉ cần mình thay đổi góc nhìn là được. Với phụ nữ, việc làm nhiều không mệt, kiểm soát những ông chồng không được mới mệt. Những bà vợ hãy từ bỏ thói quen đặt tâm trạng của mình vào lịch trình của người khác, mùa World Cup, ta hãy sống tự do, thơ thới như đang trong một cuộc du lịch”.
|
Nhiều ông chồng thích đi đêm về hôm, xem đá bóng ở quán hơn ở nhà nên những bà vợ lại càng nổi bực (Ảnh minh họa) |
Thật ra, mọi bài học đều tự thân trải nghiệm mới dễ thấm nhuần. Mùa bóng trước, vợ chồng tôi chưa sinh con, đêm đêm thấy chồng cùng mấy anh trong xóm hì hục "dàn trận" xem đá banh, tôi rất ấm ức. Suốt đêm, dù đóng kín cửa phòng, tôi vẫn thao thức theo tiếng reo hò, cổ vũ của đám đông ngoài hẻm.
Tôi đọc sách, nghe nhạc, xem phim nhưng vẫn không ổn. Tâm trí căng thẳng, náo động, càng tìm cách né tránh thì những tiếng động trong đêm vắng lại càng dội mạnh vào tai. Mùa bóng năm đó, chồng vui vẻ còn tôi mệt mỏi phờ.
Năm nay, ngay từ đầu mùa giải, tôi đã xác định tư tưởng với chồng: “Anh thích xem một đêm mấy trận tùy anh, muốn xem ở nhà cũng được, ra xóm cũng được, mà đến quán cà phê xem cùng bạn cũng xong luôn. Nhưng em có yêu cầu: Một, anh không được cá độ, theo kèo trên kèo dưới. Điều này nữa, suốt tháng World Cup, vì anh sinh hoạt, ăn ngủ thất thường nên chuyện anh ăn gì uống gì thì anh tự lo”.
Chồng tôi như được bật đèn xanh, ngay lập tức “chốt kèo”.
Chuyện vợ chồng, có lẽ đúng như lời Thúy bạn tôi, người phụ nữ vì thói quen ôm đồm và thích kiểm soát nên sinh ra làm khổ mình, khổ lẫn đối phương. Những suy nghĩ “Tôi lấy anh rồi nên anh là của tôi”, “Thời gian của anh là thời gian của tôi, tiền bạc của anh cũng là tiền của tôi”, “Người đàn ông như là một đứa trẻ to xác, tôi không quản có mà tan cửa nát nhà” xem ra rất phổ biến với các bà vợ.
Với tôi thì khác, một người đàn ông khi lấy vợ nghĩa là họ đã đủ tuổi trưởng thành, hãy để cho họ tự quyết định và chịu trách nhiệm về thời gian, công việc, sức khỏe của họ. Nếu vợ chồng cùng quan điểm, chung tần số với nhau thì tốt, tuy nhiên nếu mỗi người có mỗi sở thích, thói quen riêng thì ai cũng cần học cách để kiểm soát tâm trạng của mình. Tâm trạng của mình là thứ duy nhất mà bản thân có thể kiểm soát chứ không phải là cách tư duy, thói quen, cách cư xử của người đối diện.
Cũng như tôi trước đây, mùa World Cup năm nay, không ít bà vợ cứ nhắc nhở, chèo kéo chồng, số khác lo chồng thức đêm hôm nên tất bật nấu nướng món này món kia bồi bổ. Đến khi mong cầu điều gì không được chồng đáp ứng lại quay qua thất vọng, than khổ, trách cứ.
Thật ra, để cho đi đúng cách, mỗi người cũng cần phải học. Mỗi người cần cho đúng thời điểm, cho đúng thứ người khác cần. Những ngày đang trong mùa giải, một hũ yến, một tô phở có lẽ không cần thiết bằng tâm lý thoải mái, sắc mặt thư giãn của người vợ mỗi lần chồng xách xe ra cổng hay trở về giữa mỗi đêm khuya.
Tối hôm rồi, vợ chồng anh Đô hàng xóm lại cãi nhau vì chuyện bóng bánh. Phòng làm việc nhà tôi đối diện với cổng nhà anh nên tôi quan sát được hết. Anh Đô, chồng tôi cùng mấy người đàn ông trong xóm hẹn nhau ra quán cà phê để xem trận Hàn Quốc-Ghana.
Hơn 10 giờ đêm, chồng tôi đèo anh Đô về. Anh gọi mãi nhưng chị Chi không ra mở cổng. Anh Đô la lối: "Có vợ nào như vợ nhà này không? Rõ ràng mới thấy nhà sáng điện, mở cổng mà khi nghe tiếng xe ập về sát nhà là sập ngay cửa lại, gọi mãi không chịu mở, cứ làm như ngủ say lắm. Mới 10 giờ chứ đã khuya khoắt gì".
Khi chị Chi mở cửa với bộ mặt tức tối, anh Đô nói thêm vài từ nặng lời. Lát sau, tôi nghe tiếng đồ đạc vỡ. Tôi kéo tay chồng, đóng cửa đi vào.
|
Để chồng tự do xem bóng, tôi và con gái có những sở thích riêng của mình ( Ảnh minh họa) |
Những ngày có bóng đá, tôi quan sát thấy: mặc dù thiếu ngủ, nhưng có lẽ đây là những ngày năng nổ, sung sức nhất của chồng tôi. Anh bận rộn cùng niềm vui sân cỏ, nhờ những buổi chiều nướng thịt, soạn máy chiếu với những người trong xóm mà anh kết nối, nói chuyện được với nhiều người hơn. Trẻ con, người già thấy xôm, thỉnh thoảng cũng ra góp vui, chào nhau rôm rả.
Quan sát rồi tôi chợt nhận ra, khi chồng vui vẻ, biết yêu đời, yêu mình thì không có lý do gì để tôi phải tự ngược đãi bản thân mình cả. Mùa chồng xem bóng là mùa tôi tự do, thảnh thơi, mặc đẹp. Mỗi chiều sau giờ tan làm, con tan học, hai mẹ con không lấn bấn lo chuyện cơm nước, tôi sẽ chở con đi dạo, đi ăn những món ngon.
Bé Nhím hỏi: “Mẹ ơi, dạo này sao ba hay đi vắng nhỉ?”
Tôi trả lời: “Ừ, ba đi xem đá bóng. Ba đi chơi thì mẹ con mình cũng đi ăn, đi chơi. Ai cũng vui cả, không có ai buồn. Con có thích mọi người trong gia đình đều vui không?” Nhím cười tít mắt.
Theo phụ nữ TPHCM