Kính gửi chị Hạnh Dung,
Đã 2 năm nay em dùng dằng với cuộc hôn nhân của mình, không thể quyết định dứt khoát. Nhìn lại mình đã 32 tuổi, em biết phải sớm quyết định. Chỉ 2 năm sau ngày cưới, vợ chồng em đã bắt đầu mâu thuẫn. Chồng em tính tình nhu nhược, làm không ra tiền, chỉ biết cúi đầu nghe lời mẹ.
Cuộc sống chung với gia đình chồng, em làm dâu rất khổ, nhưng anh không hề có một lời bênh vực, động viên. Lúc riêng một mình, anh rất ngọt ngào, chiều chuộng em, nói rằng vì mẹ anh bị bệnh về tâm lý, em cần thấu hiểu để bỏ qua cho bà.
Anh không đưa tiền lương, nói vợ chồng cần góp vô tiền ăn, tiền ở chung. Tiền lương của em, anh cũng hay mượn để mua thuốc, mua đồ bồi dưỡng cho mẹ. Lúc cần tiền, anh đưa đón em đi làm, thể hiện tình cảm, chu đáo. Lúc có tiền rồi thì cư xử không hề tốt đẹp.
Dần dần, em cảm nhận được chồng và cả gia đình chồng chỉ tử tế để lợi dụng em. Từ đó em cất riêng tiền, nhưng khi em có bầu, chồng và mẹ dụ dỗ em đưa tiền sửa nhà, làm phòng riêng cho mẹ con sinh nở được thoải mái. Lúc cầm được tiền, mẹ anh nói phải trả nợ nên không đủ sửa nhà, em phải góp thêm.
Đến lúc sinh con, chồng nói em về nhà mẹ đẻ có điều kiện hơn. Mấy tháng ở nhà mẹ, em không còn đồng nào phòng thân, gọi chồng hỏi tiền thì chẳng bao giờ thấy mặt.
Em đã quyết định không để mình bị lợi dụng, đeo bám nữa. Nhưng mấy lần làm đơn ly hôn, chồng em đều năn nỉ xin cho anh cơ hội, rồi mẹ chồng kêu đau bệnh, muốn nhìn mặt cháu nội… em lại thấy mủi lòng.
Em muốn chia tay êm thấm, không thì mẹ anh lại nói vì em mà bà đau bệnh, muốn chết cho yên. Lần lữa suốt 2 năm, khi em đi làm, lo cho con nhỏ, nhà chồng và chồng em chỉ hỏi tiền, kêu khổ, kêu cho thêm thời gian rồi sẽ trả lại, sẽ đi làm, sẽ bù đắp cho em… Em nên làm gì bây giờ?
Thúy Xuân (TPHCM)
Em Thúy Xuân thân mến,
Không khó khăn gì để nhận ra đâu là người thực sự yêu thương mình, đâu là người chỉ dùng lời ngọt ngào giả dối để lợi dụng. Em nghĩ mình đã nhận ra bị người ta lợi dụng, nhưng vẫn không thể dứt ra. Có lẽ trong lòng em vẫn còn ảo tưởng, vẫn còn chút kỳ vọng, vậy nên người ta mới bám vào kỳ vọng đó, ảo tưởng đó để tiếp tục ràng buộc em với cuộc hôn nhân mà em đã thấy không còn tình cảm.
Một đặc điểm của người lợi dụng là khi cần đến mình thì người ta làm đủ mọi cách - từ nói ngọt, cầu cứu, thể hiện tình cảm chu đáo, hứa hẹn… nhưng đến khi được việc rồi thì thôi, quay đi như không.
Những người lợi dụng rất giỏi “thao túng tâm lý” của người khác. Họ biết nên nhắm vào đâu, nên níu kéo điều gì. Người càng gần họ, càng bị hiểu rõ, càng dễ cho họ bám vào hút cạn năng lượng. Bản thân em vì thấy đó là cha, là bà của con mình nên có thể rất khó để dứt khoát nói “không”.
Muốn thoát khỏi sự đeo bám này, trước hết em hãy thể hiện mình độc lập. Về mặt vật chất, em và con có thể về nhà mẹ sống hoặc ra ngoài sống riêng, hạn chế gặp gỡ hay trò chuyện. Em hãy nhờ một người đại diện, có thể là luật sư, để giúp mình thực hiện các thủ tục. Điều này không có gì sai.
Em cần tập trung làm việc để lo cho con và cho chính bản thân. Những gì đã xảy ra coi như cho qua, thuộc về quá khứ. Nhưng tình cảm đã không còn, có níu kéo đi nữa cũng chỉ dẫn đến một tương lai không lối thoát. Ta không để bản thân bị lợi dụng mãi được.
Em muốn cuộc chia tay diễn ra êm thấm, nhưng sẽ chẳng dễ dàng đâu. Có ồn ào, bị thêu dệt, em cũng nên chuẩn bị sẵn tinh thần, chấp nhận tất cả. Nếu ta cứ sợ, cứ ngại, người ta sẽ cứ bám vào cái ngại, cái sợ đó mà làm tới. Tự do có cái giá của nó. Em hãy mạnh dạn lên, để lấy lại tự do, hạnh phúc, cuộc sống trọn vẹn của mình. Chúc em thành công.
Theo phụ nữ TPHCM