leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

"Thân trai 12 bến nước”, anh Hưng - bạn trong nhóm nhậu của chồng tôi - tự trào như vậy khi họ lai rai, trút bầu tâm sự. Anh Hưng kể, vợ anh là người phụ nữ siêng năng, cần kiệm. Nhưng chị siêng quá, đến mức nếu phải ngồi không, chị sẽ bứt rứt khó chịu.

Nhà anh có mấy héc ta đất trồng cà phê. Anh là giáo viên, nên phần lớn thời gian đều ở trường. 1 mình chị làm hết mọi việc ở rẫy. Quanh năm suốt tháng, chị không dám nghỉ ngày nào, trừ khi đổ bệnh. Làm hết việc của nhà, chị còn tranh thủ đi làm thuê cho người làng để kiếm thêm thu nhập.

Chính vì làm nhiều quá nên lúc nào chị cũng mệt mỏi, cau có. Hễ về đến nhà, thấy bếp núc, nhà cửa bừa bộn một chút là chị càm ràm. Chị thường không hài lòng mỗi khi thấy anh nghỉ ngơi sau giờ lên lớp. Với chị, nghỉ ngơi là một cái tội.

Anh Hưng nói, nhiều lúc anh góp ý với vợ nên bớt việc lại, trước là dành thời gian chăm sóc bản thân, sau là chăm sóc gia đình, con cái. Vợ chồng anh chị không thiếu thốn đến mức phải đầu tắt mặt tối như thế. Nhưng vợ anh không nghe. Chị nói chỉ có người lười biếng mới không làm việc. Vậy là anh lại bị chị “công kích” vì tội lười biếng.

Nghe anh Hưng kể, anh Phong rầu rĩ: “Đúng là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.” Rồi anh bắt đầu tâm sự câu chuyện của mình.

Anh Phong có người vợ không thích làm việc, chỉ thích chưng diện và lê la đưa chuyện. Vợ anh sở hữu một chuỗi cửa hàng quần áo ngoài thị trấn. Nhưng chị thuê người quản lí từ A đến Z. Nguồn thu nhập từ chuỗi cửa hàng đủ để cho chị tiêu xài rủng rỉnh. Chính vì thế mà chị xem thường anh và cả gia đình nội, vì thu nhập của anh thấp hơn.

Vợ anh Khoa luôn thích tụ tập tám chuyện (ảnh minh họa)
Vợ anh luôn thích tụ tập "tám" chuyện (ảnh minh họa)

Chị thường đăng Facebook nói bóng gió chuyện trong gia đình. Nhiều lúc chị khiến anh mất mặt với bạn bè, với cả nhà ngoại. Rảnh rỗi, chị cũng không để tâm tới chuyện bếp núc mà thường tụ tập với nhóm bạn thân, kể xấu hết người này tới người khác. Anh Phong ngán ngẩm, vì trong gia đình anh không có tiếng nói.

Kế đến là câu chuyện của anh Khoa. Vợ anh Khoa chịu khó làm ăn, biết vun vén cho gia đình. Chị là người phụ nữ yêu chồng, thương con. Nhưng chị không có thiện cảm với ba mẹ chồng. Sống chung dưới 1 mái nhà mà lúc nào chị cũng không vui. Thái độ của chị với ba mẹ khiến anh Khoa không khỏi buồn phiền.

Ngày mới cưới, chị đảm đang, hiền hòa. Nhưng từ khi sinh con, tính tình chị thay đổi. Chị hay giận hờn vô cớ và "chấp" ba mẹ chồng từng chút một. Mâu thuẫn cứ thế sinh sôi trong lòng, khiến chị đối xử với ba mẹ chồng cũng khác.

Như chuyện ăn uống, ba mẹ anh già rồi nên thích ăn những thức ăn mềm, vợ anh biết vậy nên toàn làm ngược lại, nấu món gì cũng khô cứng. Ba mẹ anh không ăn được cá da trơn, chị lại thường mua lươn, cá trê, cá basa về nấu…

Anh Khoa nhiều lần góp ý, thậm chí lớn tiếng với vợ, nhưng chị vẫn không rút kinh nghiệm. Anh đành thức khuya dậy sớm hơn để đi chợ, nấu nướng riêng cho ba mẹ.

Chồng tôi ngồi chăm chú nghe các bạn tâm sự từ đầu tới cuối, rồi chốt lại bằng câu của anh Hưng lúc đầu: “Đúng thân trai 12 bến nước”. Cả nhóm nghe thế cười rần rần, cụng ly rôm rốp.

Sau buổi nhậi tại nhà tôi của các bạn chồng, tôi thêm nhiều kinh nghiệm quý giá để thấu hiểu hơn về hôn nhân.

Theo phụ nữ TPHCM