Chú tôi hy sinh vào đúng mùa xuân 1975. Khi ấy, chú vừa bước qua tuổi 22. Hồi bà tôi chưa mất, cứ đến ngày 30 tết là bà thắp nén nhang trầm lên bàn thờ, rồi lần lượt lau từng bức ảnh đã ố vàng theo năm tháng. Tay và vai bà run run, có lẽ vì bà đã tuổi già sức yếu, mà cũng có lẽ vì bà xúc động như đang chạm vào vùng ký ức xa xưa. Bà vẫn nhớ như in cái ngày chú mất.
Bà kể, năm đó, bà và các bà, các mẹ đang gói bánh tét để tiếp ứng lương thực cho các chiến sĩ xa nhà thì hay tin “thằng Út” hy sinh. Buông thúng lá trên tay, bà chạy băng băng trong đêm lên ngã ba xã, nhưng bị các chiến sĩ đồng đội của con chặn lại, vì tình hình đang còn căng thẳng quá, sợ giặc phát hiện.
Đồng đội của chú tôi kể lại, chú hy sinh trong một trận phục kích quân địch. Ngã ba xã cách nhà không xa lắm nên đêm đó chú tôi định ghé ngang về thăm và thưa với mẹ một chuyện quan trọng, trước khi về đơn vị tiếp tục chiến dịch dài ngày. Bà hay nghẹn lại khi kể đến đó, làm nước mắt tôi cũng rưng rưng.
Tôi hay tưởng tượng, nếu không hy sinh, chắc là chú tôi sẽ về ôm chầm lấy mẹ, rồi bà sẽ vuốt tóc và ôm đứa con trai mà bà nghĩ nó vẫn còn bé bỏng vào lòng, trong đêm giao thừa khói hương trầm thoang thoảng.
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Cuối cùng thì chú tôi cũng được đưa về chôn cất gần nhà. Bà tôi vẫn nén đau thương tiếp tục làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Sát cánh cùng bà và các chiến sĩ còn có các cô gái thanh niên xung phong, trong đó có cô Út Huệ vẫn hay gọi bà là “má”. Mãi đến năm 2010, khi huyện quy hoạch xây dựng nghĩa trang liệt sĩ thì chú tôi mới được bốc mộ đưa về nơi an nghỉ cùng đồng đội. Lúc này bà tôi cũng không còn, chứng kiến cuộc bốc mộ chỉ có ba tôi và đám cháu chưa hề biết mặt chú.
Có một chuyện mà ai có mặt hôm ấy đều không khỏi rơi nước mắt, đó là ngoài những xương cốt còn lại của chú, còn tìm thấy một cái bóp da. Trong bóp, mọi thứ hình như đã cũ nát, duy chỉ có tấm ảnh của một người con gái vẫn vẹn nguyên nụ cười tuổi đôi mươi trong sáng.
Hơn 35 năm sau, có một người phụ nữ đặt những cành hoa huệ trắng lên phần mộ của chú trong nghĩa trang. Còn nhớ, khi tìm thấy ảnh của người con gái trong bóp da của chú, anh em chúng tôi lần hỏi thăm tin tức nhiều nơi mới tìm được cô ấy. Đó chính là cô “Út Huệ” ngày xưa với nụ cười mà anh em tôi lần đầu gặp đã nhận ra người trong bức ảnh. Cô vẫn ở vậy không lấy chồng và đang công tác trong một cơ sở thiện nguyện. Ngày xưa, cô ấy đã gọi bà tôi bằng một tiếng “má” là đã xác định suốt đời này làm con dâu của bà. Dù chưa chính thức, nhưng trong lòng cô ấy thì chú tôi đã là chồng.
Từ đó đến nay cũng đã thêm gần 15 năm. Hằng năm, lên nghĩa trang thăm chú vào ngày giỗ, tôi vẫn hay thấy có những cây nhang còn cháy dở và một bó hoa huệ trắng được cắm cẩn thận. Dù tôi không được nghe kể về tình yêu của chú, nhưng tôi biết cô Út Huệ vẫn còn rất thương chú. Rất tiếc, chiến tranh đã khiến chú không thể trở về cùng cô. Chú đã lỗi hẹn không về làm đám cưới mùa xuân.
Theo phụ nữ TPHCM