leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Mới đây, bà Phan Thị Thanh ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang được cô con dâu tặng nhẫn vàng, khiến người mẹ nghèo xúc động rơi nước mắt. Nhưng, bà chưa kịp đeo trọn chiếc nhẫn vào tay thì chị P. - con dâu bà - đã dặn: “Khi nào mẹ trăm tuổi già, mẹ nhớ để lại con nghen”.

Nghe câu đó, bà Thanh sững người. Chiếc nhẫn trên tay chợt nặng như đá tảng.

Bà Thanh rất nghèo. Chồng mất khi bà mới 31 tuổi. Từ đó, bà đi làm mướn, mót lúa, hái rau, mò cua bắt ốc nuôi 3 người con trai khôn lớn. Mấy đứa con trai của bà Thanh cũng xung phong “lớn lên con sẽ nuôi mẹ”. Thế nhưng, khi trưởng thành, cưới vợ thì người sống nhà vợ, người đi Bình Dương, TPHCM làm ăn… để mẹ già 62 tuổi vẫn ngày ngày bán vài mớ rau, nải chuối kiếm sống.

1 năm, 3 người con của bà về thăm nhà vài lần vào đám giỗ cha hoặc lễ, tết. Mỗi lần con về, bà Thanh lấy số tiền dành dụm ít ỏi mua thức ăn ngon cho các con và mua quần áo mới cho các cháu.

Hàng xóm đều thương bà Thanh, nên mới đây, trong ngày giỗ của chồng, khi chị P. khoe: “Con mới mua nhẫn vàng 3 triệu mấy tặng mẹ” ai cũng mừng cho bà. Bàn tay gân guốc, khẳng khiu và chai sạn của người phụ nữ lam lũ càng khiến chiếc nhẫn vàng lấp lánh, nổi bật. Cô con dâu cầm tay má chồng khen nức nở: “Có vàng, bàn tay mẹ đẹp hẳn”. Hàng xóm cũng chọc bà: “Đeo vàng nhìn chị sang quá. Giờ chị hưởng phúc con cái rồi”.

Nhưng khi con dâu về thì không ai thấy bà Thanh đeo nhẫn. Mọi người đoán già đoán non: “Đồ quý nên bà không dám đeo, hay khổ quá đem bán rồi”. Đến khi người hàng xóm thân thiết hỏi, bà Thanh mới tình thiệt: “Con dâu có lòng là quý rồi. Nhưng tui không dám đeo, sợ mòn, sau này trả lại cho con không nguyên vẹn”.

Chị P. - cô con dâu trưởng của bà Thanh vốn nổi tiếng vì tính bộp chộp, vô duyên. Lâu lâu về thăm má chồng, chị nhiệt tình lau dọn nhà cửa, nhưng miệng oang oang “mẹ ơi, sao mẹ ở một mình mà bề bộn dữ vậy, mới vô nhà con tưởng vô lộn vựa ve chai”. Nói xong, cô cười toe trong khi bà Thanh sượng sùng không biết trả lời kiểu gì. Chị P. cũng hay tặng quần áo mới cho mẹ chồng. Chị hồn nhiên: “Mẹ mặc đồ mới con mua nha. Đồ mẹ cũ quá, làm giẻ lau được rồi”. Miệng nói, tay chị quăng những bộ quần áo cũ của bà xuống đất, khiến bà Thanh nhận quà mà không thể vui.

Về thăm mẹ chồng, chị cũng tay xách nách mang thức ăn ngon cho mẹ. Nhưng mỗi món đồ soạn ra, chị đọc vanh vách như người bán hàng giới thiệu sản phẩm: “Nước yến này tốt cho sức khỏe lắm, tới 70.000 đồng/hũ, con còn không dám cho cháu mẹ uống, chỉ mua cho mẹ thôi đó. Hộp sữa canxi này siêu tốt, cả triệu 1 hộp mẹ nghen. Tụi con làm cực khổ cũng ráng mua cho mẹ đó”. Lời giới thiệu của con dâu khiến bà Thanh nhận quà mà có cảm giác mình mắc nợ.

Khi con dâu đi rồi, quần áo mới bà cũng không dám mặc, thức ăn ngon bà không dám ăn. Thế là mỗi lần về thăm mẹ chồng, hàng xóm lại nghe tiếng chị P. than thở: “Ôi mẹ ơi, tụi con bỏ cả đống tiền mua cho mẹ, mà mẹ để quá date hết, phí phạm như thế này, mẹ có biết tụi con vất vả lắm không?”.

Cách hành xử của cô con dâu khiến bà Thanh xót xa: “Tui chỉ ước tụi nhỏ đừng mua gì cho tui, cứ về chơi là được rồi”. Nỗi lòng này, không biết khi nào con dâu mới hiểu?

Theo phụ nữ TPHCM