Em chào chị Hạnh Dung,

Em cưới vợ được 5 năm, có một con gái 4 tuổi. Em đi xuất khẩu lao động gần được 1 năm, cứ 6 tháng về 1 lần. Lần trước em về thì không có vấn đề gì xảy ra.

Khi em quay lại đây khoảng 2, 3 tháng, thì tụi em có cãi vã, rồi cô ấy chặn mọi liên lạc của em, chỉ trừ zalo, hoặc fb.

Rồi tầm 2 tuần nay, em phát hiện cô ấy có người thứ ba kém tuổi, đi làm chung với nhau ở 1 nhà hàng. Chuyện gì đến cũng đến. Họ đã ăn nằm với nhau. Lúc đầu em hỏi thì cô ấy chối, gặng hỏi nhiều kiểu thì cô ấy thừa nhận.

Em đã rất tức giận, mắng chửi và chì chiết, thì cô ấy xin lỗi và hứa không qua lại nữa, nhưng thái độ rất hời hợt. Khi thấy em vẫn trách móc, thì cô ấy nói nếu tha thứ được, thì không được chất vấn về vấn đề đó nữa, còn không thì cô ấy sẽ chặn liên lạc tiếp và làm đơn li hôn.

Nhưng em thương con gái, và vẫn còn thương cô ấy. Em cũng muốn giữ lại gia đình này, để con em có đủ mẹ đủ cha.

Em níu kéo như vậy liệu có ổn không, vì tháng 7 này em về thăm nhà, và thời gian lao động của em còn 2 năm nữa. Liệu em có thể tin tưởng cô ấy nữa không? Em xin cảm ơn.

Khoa Khoa

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em Khoa Khoa thân mến,

Biết rằng người hy sinh nhiều nhất trong gia đình là em, vì phải đi xa nhà, bươn chải lao động, kiếm tiền lo cho tương lai của gia đình. Nhưng người ở nhà cũng có cái khổ, cái khó của họ đấy em ạ.

Nào một mình chăm con, nào ngày nghỉ, ngày lễ cũng chẳng có ai chở đi ăn, đi chơi, cô đơn lắm, thiếu đủ tiền nong cũng chỉ mình mình tính toán. Cuộc sống ngoài kia rộn rịp, tất bật như thế, tránh sao một phụ nữ trẻ không có lúc tủi thân, yếu lòng?

Đã vậy, điện thoại chồng không phải lúc nào cũng vui, cũng động viên, quan tâm, chia sẻ. Cãi vã vì xa cách, vì hiểu lầm, vì tự ái với nhau, cũng khiến người phụ nữ hoang mang, buồn tủi.

Và trong những phút hoang mang ấy, người ta có khi bước trật một bước trên con đường vốn đã chông chênh. Đó là chuyện đáng trách, nhưng cũng có khi rất đáng thương, rất cần ở người thân, nhất là chồng mình, một sự cảm thông và tha thứ.

Em đang tức giận, ghen tuông. Còn cô ấy, dù biết lỗi của mình và mong em tha thứ, nhưng chắc chắn sẽ nghi ngại, lo sợ: liệu anh ấy có tha thứ thật lòng không? Hay là sẽ chì chiết, hận thù mình suốt đời. Cái viễn cảnh phải sống trong sự khinh ghét của chồng chắc chắn là rất đáng sợ.

Sự lo ngại khiến cô ấy đưa cho em những điều kiện, yêu cầu em tha thứ hoàn toàn, thì hai người mới tiếp tục sống cùng nhau được. Còn nếu không, thì thà chia tay.

Hạnh Dung nghĩ lời yêu cầu của cô ấy hoàn toàn thực tế và chính xác. Cô ấy cũng là người rất can đảm và sáng suốt. Cuộc sống mà cứ triền miên trong hận thù, trách móc, nhai đi nhai lại quá khứ như một sự hành hạ nhau, thì thà chia tay sớm cho khỏe, em ạ.

Điều cô ấy đòi hỏi em, thể hiện mong chờ một sự khẳng định từ chồng mình, rằng chồng có thật sự bỏ qua và cùng nhau xây dựng lại gia đình? Em hãy nghĩ xem mình có làm được điều đó hay không? Có thể không bao giờ nhắc lại lỗi lầm của vợ được hay không?

Trong lòng em, nỗi đau còn mới quá, chưa thể lành ngay được. Nhưng nếu em thương con và còn thương cô ấy, thì hãy cho gia đình nhỏ của mình một cơ hội làm lại từ đầu.

Hạnh Dung nghĩ rằng nếu em thật sự bỏ qua, thể hiện tình yêu của em dành cho cô ấy sau một lần suýt mất nhau bằng những quan tâm, chăm sóc, thì hạnh phúc sẽ quay trở lại thôi.

Theo phụ nữ TPHCM