Thưa chị Hạnh Dung,

Khi viết thư này, em và chồng em chuẩn bị ly hôn. Thật sự, hôn nhân khó cứu vãn khi cái tâm của anh không còn ở gia đình này. Em không kiểm soát anh, nhưng em thấy anh từ rất lâu đã không còn thương em nữa. Vì thương con, mà em cố gắng níu giữ một cái thùng rỗng. Giờ đây, em đồng ý giải thoát cho nhau.

Nhưng, em thương con quá. Con em rất quấn quýt ba. Nếu ly hôn thì về mặt kinh tế, em đủ sức lo cho 2 mẹ con em sống dư dả. Tuy nhiên, em đang bối rối, chơi vơi, không biết làm sao cho đúng.

Em cũng còn thương chồng, nhưng tình cảm chỉ còn ở phía em thì không đủ để làm anh thương em. Em nghĩ theo thời gian, em sẽ tự tìm cách tự chữa lành để vượt qua nếu anh bỏ em.

Có điều, em sợ em quyết định ly hôn là sai, là do em cố gắng chưa đủ, lỡ chẳng may sau này ảnh hưởng đến con. Em có nên tiếp tục níu kéo một người không thương em, chấp nhận sống để con vui, để giữ cha cho con?

Anh thương con, nói chấp nhận sống cùng để con có cha có mẹ. Nhưng, sống vậy có thật sự hạnh phúc không? Sau này, nếu anh yêu người mới, em và con phải như thế nào? Mong chị cho em xin lời khuyên. Thật sự biết ơn chị.

Ly

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Ly thân mến,

 Nỗi lo lắng của em trước ngưỡng cửa... bước ra khỏi hôn nhân là nỗi lo lắng của nhiều người: lo việc ly hôn của mình sẽ ảnh hưởng đến con cái, lo con cái bị thiệt thòi, lo con cái sẽ không được chăm sóc, phát triển tốt, lo con cái sau này sẽ trách mình...

Thế nhưng mọi người trong lúc bối rối lo âu đã không kịp nhận ra một điều rằng mình lo cho con bao nhiêu, thì chúng cũng lo cho mình bấy nhiêu. Dù còn nhỏ hay đã lớn, con trẻ luôn lắng nghe, quan sát và cảm nhận cha mẹ. Và vì thế, nếu cha mẹ buồn bã, bất hạnh, chịu đựng... chúng cũng sẽ cảm thấy điều đó. Thậm chí, chúng cảm thấy như chúng có lỗi nào đó trong sự bất hạnh của cha mẹ.

Vậy thì, chắc chắn là một cuộc ly hôn nhẹ nhàng, văn mình, đầy hiểu biết, tha thứ, chấp nhận, cảm thông... của bố mẹ, khiến trái tim họ hồi phục, những vất thương được chữa lành và nụ cười, sự thanh than trở về sẽ khiến những đứa trẻ thấy nhẹ nhàng.

Được "chạy qua - chạy lại" giữa hai nhà, giữa những đưa đón tôn trọng, vui vẻ, quan tâm và yêu thương, đôi khi lại trở thành một trò chơi thích thú với một đứa trẻ. Chúng sẽ chấp nhận việc cha mẹ ở riêng một cách nhẹ nhàng, giống như khi chúng đi học, đôi khi rồi cũng phài "bo - xì" một bạn nào đó vì không muốn chơi với nhau.

Như vậy thì, bây giờ vấn đề sẽ trở lại gốc rễ ban đầu: Làm sao để chính em và cha của con em được vui vẻ, hạnh phúc. Em kể về câu chuyện chia tay của em và chồng nhẹ nhàng quá, không nói rõ nguyên nhân, chỉ bảo rằng không còn tình cảm. Mà cái nguyên nhân này là lớn nhất, quan trọng nhất rồi còn gì: làm sao có thể sống với nhau, nhìn nhau ăn uống chung, thậm chí ngủ chung phòng lâu dài khi không còn tình cảm nữa? Khi đó một trong hai, hay có khi cả hai sẽ dần thấy ngột ngạt, tù tội mà thôi.

Nếu tất cả chỉ như em viết, tự dưng mọi thứ nhạt dần... và hết, thì tiếc quá. Nhưng Hạnh Dung nghĩ rằng, đằng sau còn có những lý do nào đó mà em không muốn, không tiện nói ra trong việc chồng tự dưng không còn tình cảm gì với mình, trong khi mình vẫn còn tình cảm với anh ấy.

Vì không biết rõ những điều này, cũng không biết rõ rằng em đã cố bao nhiêu, cố như thế nào để níu kéo chồng, nên Hạnh Dung cũng không cho em lời khuyên cụ thể nào được. Vậy thì, chỉ có cách là để em tự lắng nghe bản thân mình. Một tình cảm đã cạn, không còn mang lại hạnh phúc, vui vẻ, nắm trong tay sẽ giống như cốc nước sôi vậy. Em hãy để cho bàn tay mình tự động giữ, khi nó còn giữ được, và tự động buông khi đã thấy mình bỏng tay.

Theo phụ nữ TPHCM