Vợ chồng tôi cưới nhau 4 năm, có 1 cô con gái hơn 2 tuổi. Chúng tôi từ quê vào thành phố học tập rồi trụ lại, lấy nhau sinh con rồi nhưng vẫn phải ở nhà thuê.
Thi thoảng chồng nói giá mà có thể "bứng" mảnh vườn ở quê mang vào thành phố. Đôi khi anh nói mai mốt anh sẽ bỏ phố về quê sống cho thoải mái, cuộc sống thành phố quá áp lực.
Tôi biết anh suy nghĩ nhiều nên động viên anh cố gắng. Với thu nhập hiện tại, mỗi tháng tôi tiết kiệm được một khoản tiền nhỏ, tuy chưa bao giờ nghĩ đến chuyện mua nhà, nhưng đủ tiền nuôi con gái.
Không nghĩ lời an ủi của tôi lại khiến anh chú ý. Một lần mẹ anh gọi điện vào than mái nhà đã mục cần phải sửa lại, mấy hôm trước, có trận mưa đầu mùa, dột ướt hết chỗ để lúa. Chồng tôi mau mắn nói mẹ đi tìm người sửa ngay đi, anh sẽ gửi tiền về.
Tôi buồn rầu nhìn khoản tiền tiết kiệm mình dành dụm suốt mấy năm bay đi. Tôi không từ chối được vì cha chồng tôi đã mất, chồng tôi lại là con trai, chuyện báo hiếu cha mẹ là chuyện đương nhiên.
Trên chồng tôi còn có 1 chị gái, chị làm trong một cơ quan của huyện và không lấy chồng. Một thân một mình nhưng không thấy chị đỡ đần gì mẹ. Đám cưới em trai chị mừng được nửa chỉ vàng, khi tôi sinh cháu hay những khi về tết cũng không thấy chị cho quà gì.
Bất ngờ vợ chồng tôi nhận được tin chị tai nạn, một chân bị cắt tới đầu gối, cũng có nghĩa là chị không đi làm được nữa.
Từ ngày bị tai nạn chị về ở với mẹ, chúng tôi gửi tiền về hỗ trợ ăn uống thuốc thang. Nhưng đến nay vết thương của chị đã lành, sức khỏe cũng hồi phục nhưng chị vẫn không có ý định làm gì, vợ chồng tôi hàng tháng vẫn gửi về 5 triệu đồng. Chị than buồn, chồng tôi mua cho chị điện thoại mới, chị nói xem phim trên điện thoại đau mắt, chồng tôi gửi cái laptop về cho chị lên mạng. Vợ chồng tôi phải dùng chung cái máy tính bàn cổ lỗ từ thời sinh viên.
|
Sau tai nạn, chị ở lỳ trong nhà (ảnh minh họa) |
Tôi nói chồng tìm việc cho chị, phía trước ngôi nhà của mẹ chồng còn một khoảng trống, có thể mở quán tạp hóa buôn bán lặt vặt, trước nhà là đường chính lên huyện chắc chắn sẽ có khách qua lại. Vốn liếng thì chúng tôi có thể cho chị mượn.
Nhưng mẹ chồng tôi bảo chị không thích nhặt nhạnh từng đồng như vậy. Bán tạp hóa ngày ngày phải cười nói với bọn trẻ con, chị sẽ mệt. Tôi không biết phải nói sao, nhặt từng đồng tiền mồ hôi thì chị ngại, còn nhận mấy triệu của vợ chồng em trai thì bình thường?
Tôi kiên nhẫn đến nay đã hơn 1 năm. Tôi nói chuyện với chồng, rằng tôi sẽ không tiếp tục nuôi ăn người có đủ khả năng kiếm sống, trong khi chúng tôi vừa làm việc chính vừa tìm việc làm thêm, vẫn ở trọ, đi xe cọc cạch từ thời sinh viên, con gái muốn học gì cũng phải đắn đo tính toán.
Tuần trước mẹ chồng gọi điện, nói sẽ sang tên ngôi nhà và cái vườn ở quê cho vợ chồng tôi, điều kiện là chúng tôi phải chăm lo cho chị, bà lo khi bà “đi” chị sẽ bơ vơ.
Chồng tôi có vẻ suy nghĩ. Ước mơ có nhà riêng luôn thường trực trong anh, nhưng tôi không mặn mà với ý định của mẹ chồng. Chị chồng mới chạm tuổi 40, xã hội nhiều người còn khổ đau khiếm khuyết hơn chị nhưng người ta vẫn tự lực vươn lên, còn chị thì lấy bệnh tật của mình làm cớ để người nhà phải chăm nuôi. Thi thoảng trong những lần gọi điện về hỏi thăm, tôi nghe tiếng chị đòi hỏi mẹ lấy cho thứ này thứ kia cho mình. Đưa phương án lắp chân giả và tập đi thì chị không chịu, cứ nhắc đến là chị làm mình làm mẩy, nói mẹ không yêu, em trai không thương.
Tôi nói với chồng là chị cần phải hiểu là chị không thể cứ bám vào nỗi đau mà ỷ lại. Mẹ hiện còn khỏe, nhưng 5-10 năm nữa thì sao? Chúng tôi là em, nhưng cũng không thể chăm lo cả đời cho chị được. Chị phải tự đứng lên. Mẹ cần đưa chị đi đây đó, gặp bác sĩ và những người có thể nói chuyện, tác động về tâm lý với chị. Mất một chân không phải là mất tất cả, chị còn gia đình, bè bạn, chị phải bắt đầu lại, làm quen và thích nghi, không thể trốn trong nhà mãi.
Cả tháng nay chồng tôi vẫn đang suy nghĩ, mẹ chồng vẫn chờ chúng tôi trả lời việc có nhận nhà và trách nhiệm chăm sóc chị hay không...
Theo phụ nữ TPHCM