17 năm sau ngày cưới, chị hỏi giờ chị nên bước theo con đường nào đây. Chị không bế tắc. Với người phụ nữ quán xuyến, chăm chỉ và chịu khó ấy, những con đường đang mở ra trước mắt chị rất rõ ràng. Chị nhớ rành mạch từng chuyện, xâu chuỗi từng đoạn đời, biết rõ từng mảng tối sáng của mỗi con đường. Nhưng quyết định đi đường nào thì chị không thể…

Chồng và gia đình chồng

Chồng chị là anh của 3 đứa em, là con đầu của một bà mẹ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn, là người hiền lành và chịu rất nhiều thiệt thòi. Lúc đó, thương hoàn cảnh của anh, chị quyết định gắn bó đời mình, chăm lo cho chồng mở mày mở mặt.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chồng chị hơn vợ 5 tuổi. Trước khi cưới chị, anh chỉ học trung cấp, có thời gian đi làm tư nhân, nhưng sau kết hôn thì bỏ việc ở nhà 5 năm. Chị chu cấp hoàn toàn, nuôi chồng học đại học, học thêm cho đủ các chứng chỉ theo quy định và xin làm một công việc ổn định.

Chị kết hôn vội vì bất mãn trong chuyện tình cảm cá nhân, chưa tìm hiểu kỹ về người được gọi là chồng. Chưa đầy 1 tháng sau đám cưới, chị đã bị chồng bạo hành, thậm chí dùng dao kề cổ đe dọa chỉ vì chị đã mời người bạn mà anh ta không thích đến dự đám cưới. Lúc đó chị mới biết trước đó, khi tới tán chị, chồng chị từng bị đánh, nhưng anh ta đã im lặng giấu kỹ.

Sống chung với nhau, cái vỏ “hiền lành và chịu nhiều thiệt thòi” dần dần hé lộ cho chị thấy bên trong là một tính cách hung bạo, cộc cằn mất kiểm soát. Càng ngày anh ta càng quá đáng khi bắt chị phải làm theo ý của anh ta, kể cả những điều vô lý, còn không sẽ tìm cách gây sự vô cớ, bạo hành thể xác lẫn tinh thần, rồi sau đó lại ăn năn xin lỗi.

Hầu như thời gian và tiền bạc của chồng chị chỉ dành cho bản thân và lo cho mẹ, các em của anh ta. Lúc đầu, chị cũng đồng cảm với hoàn cảnh gia đình chồng nên đã cùng anh lo toan mọi thứ mà không hề tính toán. Nhưng càng ngày chị càng thấy bất ổn vì anh đi đâu, làm gì chị không được biết, thu nhập anh ta bao nhiêu chị cũng không hay.

Bất kể khi nào, ở đâu, chỉ cần nghe báo nhà có chuyện là anh sẽ chạy tới ngay. Mẹ chồng và em chồng liên tục mượn tiền chị mà chưa bao giờ trả, còn dặn đừng nói cho chồng biết.

Chị nói mình không hề đau lòng hay bất ngờ về chồng và gia đình chồng. Chị khinh và coi thường những con người đó. Họ đều giống nhau: dối trá và lừa lọc, trong khi lúc nào cũng đóng vai hiền lành, chuẩn mực trước con cái và xã hội. Chị biết bản chất của con đường này, hiểu đó là ngõ cụt, chỉ ước gì mình đã không bao giờ bước vào.

Nhà cha mẹ

Chị mang ơn cha mẹ rất nhiều. Đám cưới xong, biết hoàn cảnh quá khó khăn của nhà chồng chị, cha mẹ đã cho căn nhà để vợ chồng chị có chỗ ở. Cha mẹ cũng động viên hết lòng cho chồng chị đi học suốt 5 năm và gửi gắm chồng chị vào chỗ quen biết để có được công việc hiện nay.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Đầu tư bao nhiêu công sức cho vợ chồng con gái đầu lòng, nên cha mẹ chị hoàn toàn không muốn nghe chị nói đến chuyện ly hôn. Chị đã từng nói ý định này với cha mẹ mình, nhưng lúc nào cũng nhận lại lời khuyên hãy vì con mà sống, hãy vì danh dự của gia đình, hãy tạo nền nếp tốt cho các em…

Lần đầu, sợ cha mẹ đau lòng, chị chỉ kể sơ qua về cách sống của chồng, cha mẹ chị khuyên con nên bỏ qua, nên chấp nhận. Lần sau, sợ cha mẹ không hiểu những gì mình đang phải chịu đựng, chị kể tường tận hơn. Khi nói ra những điều đó, chị cảm thấy ngượng ngùng. Nhưng cha mẹ chị không tin, nghĩ là chị nói quá, bởi chuyện nghe có vẻ hoang đường, nếu thực có những chuyện như vậy thì làm sao mà con có thể chịu đựng bình thường mà sống được.

Mẹ chị bảo, mình sống với người ta thế nào, người ta mới cư xử với mình tệ đến vậy, chứ ra ngoài xã hội, trong công việc, có ai chê chồng chị đâu. Mẹ chị bảo, cha chị cũng đầy khuyết điểm, sở dĩ gia đình chị được thế này là do bàn tay của bà, do bà biết nhu biết cương, biết buông biết nắm. Mẹ dạy chị đó, chị biết, nhưng chị không thể học thuộc bài mẹ dạy, nói gì đến việc làm theo. Con đường dẫn về nhà cha mẹ, tuy không phải là đường cụt, nhưng cũng không phải là lối thoát.

Sống vì các con?

Chị phát hiện chồng nhiều lần nói dối mượn tiền của bạn, kêu chị đưa tiền để trả, nhưng thực ra là đút túi riêng. Mua bất cứ vật dụng gì trong nhà, chồng chị đều kêu vợ đưa tiền lại, nhưng giá sẽ đội lên cao hơn 2-3 lần so với giá thực.

Chồng chở con đi học thì chị phải chi tiền xăng xe, ăn sáng, cà phê, không thiếu một đồng. May mà thu nhập của chị ổn định để lo toàn bộ chi tiêu trong gia đình, không phải động đến tiền chồng.

Lần nhục nhã nhất, chị phát hiện anh ta sử dụng thuốc kích dục để đi với gái. Lòng tự trọng của chị bị tổn thương ghê gớm. Chưa kịp chữa lành, chị biết thêm việc chồng mình có 1 đứa con riêng. Chị hỏi, anh ta nói dối không chớp mắt, đến khi chị đưa ra bằng chứng anh ta có chu cấp tiền bạc, gia đình anh ta thừa nhận có, anh ta lật ngược, thừa nhận ngay, một cách trắng trợn đến mức vô liêm sỉ.

Lý do duy nhất khiến chị không tung hê mọi chuyện chính là vì con. Chị luôn dạy 2 con mình phải yêu thương, gắn kết, tôn trọng cha. Chị chỉ nói những điều tốt đẹp của cha chúng. Chị sợ nếu phơi bày mọi chuyện, mọi người đều biết thì con mình sẽ xấu hổ, nhục nhã. Bản thân chị còn bị sốc khi biết bộ mặt thật của chồng, làm sao tâm hồn non nớt của các con chị có thể chịu đựng được. Liệu rồi những đứa trẻ tổn thương ấy có phát triển thành những nhân cách bình thường?

Chị đang đứng trên con đường thứ ba này suốt 2 năm rồi và biết mình không thể bước tiếp.

Trên mặt đất vốn không có đường...

Cha mẹ chị nói, điều đáng sợ nhất là các con chị phải ra tòa chứng kiến cảnh cha mẹ chúng bỏ nhau. Cha mẹ chị không muốn nhận con cháu về nhà sau cuộc ly hôn đó. Chiếc ghế trong cơ quan đã thiết kế cho chồng chị giờ cũng không dễ gì mà lấy lại được. Hóa ra bao năm trồng cây cho người ta hái quả. Cha mẹ nói chị đã chừng đó tuổi mà chưa trưởng thành, bớt nghĩ cho mình đi, phải nghĩ cho người khác nữa.

Chị nhìn tới trước. Ly hôn là giải thoát bản thân khỏi kẻ phản bội vẫn đang sống chung nhà và ngày ngày hút cạn sức lực, cảm xúc của chị. Nhưng ly hôn rồi chị sẽ giống mẹ anh ta, sẽ là người mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ. Đó là hình mẫu chị không bao giờ muốn lặp lại. Liệu chị có đủ tài giỏi, bản lĩnh để che chắn tất cả, nuôi dạy con nên người?

Vị thế của một bà mẹ đơn thân chông chênh lắm, mong manh lắm. Liệu chị có làm cho con mình trở nên giống như cha chúng - phải đối phó, phải che đậy bản thân trong cái vỏ “hiền lành và chịu nhiều thiệt thòi”, phải lừa dối để đạt được mục đích? Ngay cả việc phải giải thích với 2 con như thế nào cho chúng hiểu, chị cũng thấy quá khó khăn. Liệu việc này có gây ra khủng hoảng tâm lý cho các con khi chúng đang tuổi dậy thì? Liệu chúng có thông cảm cho quyết định của chị không?

Đi đường nào bây giờ? Không thể bước vào vết xe đổ của nhà chồng, không thể cắn răng sống cho vừa lòng cha mẹ, cũng không thể tiếp tục nữa dù là vì con. Giữa ngã ba này, lối đi nào cũng là vì người khác, cho người khác. Chị không muốn lối nào cả.

Chiều hôm đó, ở văn phòng luật sư, chị đã cân nhắc. Chỉ có thể tự mình mở cho mình một con đường mới, con đường vì chính bản thân mình. Tổn thương, đau đớn là không tránh khỏi, nhưng điều chị đã rút ra được từ cuộc hôn nhân của mình, đó là đừng để chuyện ly hôn, đơn thân và gánh nặng kinh tế đổ ụp xuống đầu mình một cách bất ngờ, không chuẩn bị.

Chị sẽ mở con đường ấy, cho mình, bằng sự chủ động chuẩn bị của mình. “Trên mặt đất vốn không có đường, người ta đi mãi thì thành đường đấy thôi”(*). Chị sẽ chọn con đường thứ tư, chỉ có một mình, chị sẽ chuẩn bị để mình đủ sức mà đứng vững.

Theo phụ nữ TPHCM