Sự thay đổi theo thời gian
Tại một thời điểm trong mối quan hệ lâu dài, bạn và người yêu có thể cảm thấy như đang ở ngã ba đường. Quan điểm của bạn là A, nhưng với họ lại là B, cả cả hai dường như không còn có tiếng nói chung. “Khi chúng ta càng trưởng thành, chúng ta thường nhận thức rõ hơn về giá trị của bản thân là gì và ít sẵn sàng sống lệch đi với những giá trị đó”, nhà trị liệu, Tiến sĩ Lauren Cook cho biết.
Mọi người thay đổi theo thời gian, có thể bạn và/hoặc nửa kia của bạn đã thay đổi quá nhiều để có thể hòa hợp với nhau như cả hai đã từng.
Thiếu niềm vui
Có thể bạn đã từng nghe nói dù đã bên nhau hàng chục năm, hoặc thậm chí đã cưới đi chăng nữa, một cặp đôi cũng không nên ngừng việc hẹn hò. Việc ngừng tham gia vào những trải nghiệm thú vị là điều bình thường đối với các cặp đôi yêu lâu, vì hai bạn đã rất thoải mái với nhau. Nhưng điều quan trọng là vẫn phải giữ những hành động lãng mạn ấy trong suốt mối quan hệ.
Nếu bạn ngừng hẹn hò, bộ não con người bắt đầu cảm thấy nhàm chán với sự đơn điệu và một mối quan hệ có thể cảm thấy trì trệ, đặc biệt nếu điều này đã xảy ra trong nhiều năm.
Xoay quanh vấn đề tình cảm còn là nhiều trở ngại khác mà cả hai cần cùng nhau đối mặt như các hóa đơn, tiền thuê nhà, ăn uống, tranh cãi giữa hai người... Đó là lý do vì sao yêu đương luôn là mối quan hệ khó để gìn giữ nhất so với các mối quan hệ khác. Vì vậy, hãy tạo những thời điểm để cả hai kết nối lại, hâm nóng tình cảm.
Thiếu sự ngọt ngào, thân mật
Thời gian bên nhau lâu và quá hiểu nhau không nên là lý do để cả hai bỏ qua những điều nhỏ nhặt. (Ảnh minh họa)
Sự quen thuộc vừa là điểm cộng, vừa có thể trở thành điều gây hại cho mối quan hệ lâu năm. Bởi vì đã quá hiểu nhau nên đôi khi cả hai thường sẽ phớt lờ, xem nhẹ những điều tưởng chừng là nhỏ nhặt nhất nhưng lại vô cùng quan trọng trong việc duy trì tình cảm. Ví như những lời nói ngọt ngào dành cho nhau theo thời gian bỗng trở thành những lời nói cộc lốc, khó nghe.
Tình dục là một phần quan trọng của một mối quan hệ, nhưng nó không phải là cách duy nhất để giữ sự thân mật với nhau. Đó có thể là những hành động nhỏ như một nụ hôn tạm biệt, cái nắm nắm tay, cái ôm nhẹ,... Khi một cặp đôi không còn thường xuyên thân mật, dành sự ngọt ngào cho nhau, rất dễ để cả hai cảm thấy như chỉ còn là những người bạn chung phòng, chung giường hơn là người yêu.
Ảnh hưởng từ người xung quanh
Chuyện tình yêu không chỉ đơn giản là vấn đề của hai người. (Ảnh minh họa)
Mặc dù mối quan hệ yêu đương là chuyện của hai người, nhưng những nhân vật khác bên ngoài cũng có thể gây ảnh hưởng không kém, chẳng hạn như gia đình. Sau thời gian hẹn hò, tìm hiểu, đến khi một cặp đôi đã yêu nhau đủ lâu để có thể giới thiệu với gia đình, bạn bè đôi bên, đó sẽ không còn là chuyện của hai người nữa.
Sự phản đối hay đồng thuận của bố mẹ, vấn đề chăm sóc con cái và những mâu thuẫn phát sinh tiếp sau đó… Thời gian bên nhau càng lâu sẽ càng nảy sinh nhiều vấn đề, mâu thuẫn mà nếu không khéo giải quyết và kiên định, một mối quan hệ lâu dài cũng có thể sụp đổ bởi tác động của bên ngoài.
Theo vtc.vn