Chị Hạnh Dung kính mến,
Em năm nay 32 tuổi, người yêu em 33 tuổi. Em là trưởng phòng của một công ty tương đối lớn, lương 36 tr/tháng. Người yêu em là kỹ sư làm ở một công ty nhỏ, lương tầm 16-17 triệu/tháng.
Với em, chuyện chênh lệch thu nhập không vấn đề gì, nhưng dường như với anh, thì điều đó ảnh hưởng đến sĩ diện của anh thì phải. Đi chơi, em muốn vào nơi đẹp đẽ, sang trọng một chút thôi, anh cũng không chịu. Anh chỉ muốn đến nơi nào phù hợp với khả năng kinh tế của anh.
Làm gì anh cũng so đo, tính toán và luôn nhấn mạnh đến chuyện tiết kiệm để gầy dựng cuộc sống tương lai, điều đó làm em hết sức mệt mỏi và ngán ngẩm. Sao lại không dám cho mình tận hưởng cuộc sống hôm nay, mà lúc nào cũng mai và mai?
Châm ngôn của em là sống thì phải biết tiêu tiền, tiêu tiền xứng đáng với công sức lao động của mình thì mới biết làm ra tiền để tiêu. Anh thì lại bảo: "Buôn tàu buôn bè không bằng chi tiêu dè sẻn". Anh có ý chê bai em đi làm cả chục năm mà không để dành được cái gì ngoài xe hơi, còn ảnh thì đã có căn hộ chung cư trả góp.
Mọi người đều khuyên em nên lấy ảnh, để ảnh kiểm soát việc chi tiêu của em, còn em kìm chế bớt sự chi li của anh là vừa. Chứ cả hai đều mất cân bằng quá là không tốt. Em cũng biết mình tiêu hoang và tiêu không đúng rất nhiều, nhưng em không biết rằng anh ấy và em có thể cân bằng với nhau hay không, hay chỉ làm cho nhau mệt mỏi vì tiền?
Thu Nga
Cháu Thu Nga thân mến,
Kinh tế tài chính là một trong những bài toán quan trọng nhất mà các cặp đôi cần phải giải quyết thật rõ ràng trước hôn nhân. Sự bình yên, lòng tin tưởng, cảm giác được tôn trọng, đời sống an toàn... phụ thuộc khá nhiều vào vấn đề tiền bạc, cách quản lý tiền, cách chi tiêu hàng ngày... của hai vợ chồng.
Giữa em và người yêu có một khoảng cách về thu nhập có lẽ là khá lớn, thu nhập của em gần như gấp đôi của người yêu. Với nhiều người đàn ông, điều đó sẽ đụng chạm đến sĩ diện, lòng tự ái của họn. Với nhiều phụ nữ, điều đó khiến họ dần trở nên coi thường chồng, thấy chồng thua kém mình, so đo với những người đàn ông khác... Và từ đó cũng sẽ nảy sinh các vấn đề mà nếu các em không có được sự thông cảm, hiểu biết và chia sẻ ngay từ đầu.
Việc người yêu em đi ăn uống, du lịch... chọn nơi phù hợp với thu nhập của anh ấy là đúng, chẳng có gì là đáng khó chịu cả. Với mức thu nhập đó mà anh ấy đã có thể tính toán, thu xếp để mua nhà là quá giỏi. Một người đàn ông sống đàng hoàng, chỉn chu, biết nhìn xa cho tương lai của mình và gia đình, có gì là không tốt?
Em là cô gái trẻ, đã có vị trí làm việc tốt, thu nhập cao, nên việc em chi tiều hơi rộng tay một chút, cho phép mình được hưởng thụ công sức lao động của mình một chút, cũng chẳng có gì là hoàn toàn sai. Nhất là khi em cũng đã tích lũy để có một tài sản nho nhỏ: là chiếc xe hơi.
Cả hai đều có những điểm mạnh, điểm yếu của mình, đều có những lý thuyết về cách sống riêng của mình. Những điều này phụ thuộc rất lớn vào hoàn cảnh, điều kiện của mỗi người. Không thể phán xét là ai sai, ai đúng.
Nhưng nếu các em yêu nhau, tôn trọng nhau và hiểu nhau, thì hợp lại với nhau thành một gia đình sẽ cần những thỏa thuận, thương lượng, nhượng bộ ngay từ đầu, để điểm mạnh của người này hỗ trợ điểm yếu của người kia và ngược lại.
Điều quan trọng nhất là cả hai đều phải nhìn thấy cả điểm mạnh, lẫn điểm yếu của nhau, chấp nhận nó, tôn trọng nó và cùng nhau có thể có được những cái nhìn chung, hướng đi chung. Còn nếu thấy chúng luôn là vấn đề, là sự lấn cấn, thậm chí là ấm ức, không hài lòng, thì không nên tiến đến với nhau.
Chẳng có hạnh phúc nào dễ dàng cả. Để có được niềm vui sống, sự tin tưởng, cảm giác được hỗ trợ và an toàn bên nhau luôn cần rất nhiều "lao động" của cả con tim, trí óc và bàn tay.
Theo phụ nữ TPHCM