Rào cản của pháp luật
Luật mới của Ấn Độ chống lại việc mang thai hộ đang bị thách thức tại tòa án bởi một người đàn ông độc thân muốn làm cha. Luật sư Karan Balraj Mehta (32 tuổi) được gia đình ủng hộ để có một đứa con và trở thành người cha thông qua mang thai hộ. Nhưng theo luật mới, được thông qua vào tháng 12/2021, Mehta không đủ điều kiện.
Mehta cho biết, anh hiểu việc người mẹ mang thai hộ cần được bảo vệ trước những kẻ vô đạo đức, những lời chào mời từ bệnh viện nhằm lợi dụng họ. Nhiều phụ nữ, tuyệt vọng vì không thể kiếm được tiền, đã ký hợp đồng mang thai mà không đọc kỹ các điều khoản. Những người khác thậm chí không ký gì cả. Vào ngày thanh toán, nhiều người nhận được ít hơn số tiền mà họ được hứa hẹn.
|
Nghiên cứu cho thấy sự ổn định về kinh tế và tình cảm quan trọng hơn cấu trúc gia đình trong sự phát triển và thành công của trẻ - Ảnh: UNSPLASH |
Là một luật sư làm việc tại Tòa án cấp cao Delhi, Mehta tiết lộ, hành vi bóc lột này khó bị trừng phạt vì hầu hết nạn nhân không có ý thức về quyền của họ và không được lực lượng xã hội nào bảo vệ. Dù vậy anh cũng đặt câu hỏi: “Chính phủ cần bảo vệ những bà mẹ mang thai hộ, nhưng tại sao lại hạn chế quyền trở thành cha mẹ của những người đàn ông và phụ nữ độc thân?”.
Theo luật cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại, những người đàn ông và phụ nữ độc thân, các cặp vợ chồng sống chung nhưng không đăng ký kết hôn và các cặp đôi đồng giới đều không được phép thuê người mang thai hộ. Mehta lên tiếng: “Những hạn chế này là không công bằng. Chúng ta không thể dành riêng việc mang thai hộ cho những người đã kết hôn. Bản thân tôi có quyền được làm cha”.
Vào tháng 7, một phụ nữ chưa kết hôn ở Trung Quốc đã thua kiện khi tìm cách đông lạnh trứng của mình. Teresa Xu (34 tuổi) kiện một bệnh viện ở Bắc Kinh vào tháng 12/2019, cáo buộc bệnh viện này vi phạm quyền của cô khi từ chối đông lạnh trứng vì cô chưa kết hôn. Đây là vụ kiện mang tính bước ngoặt, khi một phụ nữ tại Trung Quốc đấu tranh cho quyền sinh sản của mình.
Theo quy định, đông lạnh trứng chỉ áp dụng cho mục đích y tế, như điều trị vô sinh hoặc bảo tồn khả năng sinh sản trước khi thực hiện một số liệu pháp nhất định. Xu cho biết cô cảm thấy thất vọng về bản án và dự định sẽ kháng cáo. Tại Singapore, phụ nữ từ 21 - 35 tuổi có thể lựa chọn đông lạnh trứng để đảm bảo sức khỏe sinh sản, nhưng họ chỉ có thể sử dụng chúng khi đã lấy chồng một cách hợp pháp.
Khó khăn về mặt xã hội
Ở Mỹ, một số yếu tố đã thúc đẩy sự gia tăng của các gia đình đơn thân. Ví dụ nhiều người chọn kết hôn muộn hơn, bỏ qua hôn nhân và có con ngoài giá thú. Đồng thời, các cuộc hôn nhân ngày càng có xu hướng kết thúc bằng ly hôn.
Một phân tích của Trung tâm nghiên cứu Pew về dữ liệu điều tra dân số Mỹ năm 2019 cho thấy, có 38% người trưởng thành từ 25 - 54 tuổi sống độc thân, gồm cả các trường hợp chưa từng kết hôn hoặc đã ly hôn. Vào năm 2020, có khoảng 15,31 triệu trẻ em Mỹ sống với một người mẹ đơn thân và khoảng 3,27 triệu trẻ khác sống với một người cha đơn thân. Thế nhưng, đáng chú ý, khoảng 47% người trưởng thành ở Mỹ cho rằng phụ nữ độc thân tự mình nuôi con là một điều tồi tệ đối với xã hội.
Mặt khác theo số liệu năm 2019 tại Mỹ, gần 30% cha mẹ đơn thân sống trong cảnh nghèo khổ trong khi chỉ 6% các cặp đã kết hôn sống nghèo khổ. Trẻ em ở gia đình nghèo có nhiều khả năng gặp các vấn đề về sức khỏe thể chất, tinh thần và hành vi, sự phát triển trí não bị gián đoạn, và chặng đường giáo dục ngắn hơn. Từ đó tạo ra những thách thức về việc làm khi trưởng thành và hơn thế nữa.
Hơn nữa, việc lèo lái con thuyền gia đình một mình - và với nguồn lực hạn chế - có thể khiến mức độ căng thẳng tăng cao đối với cha, mẹ đơn thân. Nhìn chung, các nghiên cứu về sự khác biệt giữa gia đình có đầy đủ cha mẹ và gia đình đơn thân còn nhiều câu hỏi phức tạp. Tuy nhiên những bằng chứng thu thập được chỉ ra rằng các yếu tố cơ bản - mối quan hệ bền vững và ổn định, sức khỏe tâm thần của cha mẹ, tình trạng kinh tế - xã hội và khả năng tiếp cận các nguồn lực - có tác động lớn hơn đến sự thành công của trẻ so với cấu trúc gia đình.
Theo phunuonline.com.vn