“Người lớn từng là trẻ con, nhưng trẻ con đã là người lớn đâu!” 

Câu châm ngôn trên được giới trẻ ưa dùng mỗi khi thấy mình gặp bất công, khổ sở hoặc lâm vào đường cùng mà cha mẹ thờ ơ, chẳng quan tâm. Than ôi! Người lớn từng là trẻ con thật, nhưng tuổi thơ của họ khác xa “bọn trẻ bây giờ”.

Thế hệ ông bà, cha mẹ trải qua chiến tranh, đói khổ, thiếu thốn. Con đường duy nhất để vươn lên là học hành. Nhiều người sẵn sàng chịu khó, nhịn ăn nhịn mặc để có kiến thức vào người. Ai lông bông bỏ bê việc học, sau này thường hối hận vì đã bỏ lỡ cơ hội. Đó là lý do nhiều bậc phụ huynh đốc thúc con cái học đến rạc người. 

Giới trẻ không phải sống trong thời chiến, điều kiện vật chất hiện đại và sung túc hơn, nhưng cũng có nỗi khổ tâm riêng: Áp lực học thêm, thi cử, bắt nạt học đường, bạo lực mạng, thầy cô “đì”, bị so sánh với “con nhà người ta”… Nhu cầu vật chất được đáp ứng khá đầy đủ, nhưng tinh thần của trẻ lại gặp nhiều vấn đề rắc rối và phức tạp hơn thế hệ trước. Khi con cái mong được an ủi, vỗ về thì cha mẹ hay coi thường nỗi niềm của chúng, cho rằng chúng sướng hơn họ ngày xưa mà vẫn than phiền. Thế là bọn trẻ phản kháng bằng cách nổi loạn hoặc thu mình lại vì “chẳng ai hiểu tôi”.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Người lớn áp đặt quan điểm, tư tưởng của mình lên thế hệ sau, không hay biết mình đã vô tình kìm hãm chúng tiến tới tương lai. Thanh thiếu niên thì lấy tư tưởng hiện đại soi vào quá khứ, phê phán tiền nhân cổ hủ, lỗi thời. Thay vì làm nền tảng cho hiện tại, quá khứ lại bị đứt gãy với hiện tại, tạo khoảng cách giữa hai thế hệ.

Những đứa trẻ “Hochigo”

Trẻ em cần ăn nói lễ phép với người lớn, biết đối xử tốt với người khác… lẽ ra là điều hiển nhiên. Vậy mà chẳng hiểu sao thiếu niên nhi đồng bây giờ lại thiếu kỹ năng mềm. Các em lanh lợi, độc lập và sáng tạo hơn hẳn thế hệ cũ. Có điều, hình như cũng cô độc, lạnh lùng và cực đoan hơn.

Sở dĩ thế hệ 6X - 8X biết nhường nhịn, chia sẻ và giữ phép tắc, là do thời đó cha mẹ sinh nhiều con, nhất là vùng nông thôn. Nhà đông con nên trẻ tự biết nhường nhịn, chia sẻ, chăm sóc người khác và làm việc nhà. Anh chị chỉ bảo các em, các em lại trông nom những đứa nhỏ hơn, nhờ vậy cha mẹ không cần dạy dỗ sát sao từng đứa. 

Do thường xuyên phụ giúp gia đình, các em thấu hiểu nỗi vất vả của cha mẹ và biết ơn những gì mình được nhận. Trẻ chơi các trò chơi dân gian như nhảy dây, đánh chắt đánh chuyền, ô ăn quan, đá bóng bưởi… vừa rèn luyện thể lực, sự khéo léo vừa nâng cao tinh thần đồng đội, hợp tác, biết luật chơi, biết chấp nhận thắng thua.

Khi lớp trẻ này trở thành cha mẹ, họ thấy cần gì phải dạy con cái những điều đương nhiên này? Nhưng họ không tính tới thời thế đổi thay.

Giờ là “gia đình hạt nhân” với cha mẹ và 1-2 đứa con. Có nhà theo mô hình 4-2-1 (ông bà nội ngoại, cha mẹ cùng lao vào chiều chuộng, quan tâm con/cháu thái quá). Ngược lại, nhiều vợ chồng trẻ ở thành phố mải mưu sinh mà giao con cho “người giữ trẻ mới” là internet và điện thoại thông minh. Người Nhật gọi những đứa bé ấy là “Hochigo”.

Hai kiểu gia đình nuông chiều thái quá và bỏ bê thái quá, tất yếu đào tạo nên những mầm non cực đoan: Quá kiêu căng, ích kỷ, vô cảm hoặc quá khép kín, ngại giao tiếp, cô đơn. Áp lực từ nhà trường, xã hội, bạn bè càng ảnh hưởng tiêu cực làm người trẻ lạc lối, không biết đâu là đúng sai, phải trái.

Trong bộ phim Nhật Bản Kokuhaku (Lời thú tội), vấn nạn này được khắc họa đau lòng và đáng suy ngẫm. Hai nam sinh 13 tuổi vì muốn thể hiện bản thân, đã giết con gái bốn tuổi của cô giáo. Sau khi phạm tội, kẻ chủ mưu thản nhiên nói: “Không ai dạy tôi giết người là sai trái”.

Giết người là sai cả về luật pháp lẫn lương tri - điều ai cũng phải biết. Phải chăng ỷ y cách nghĩ đó, người lớn đã quên dạy dỗ con trẻ, đến nỗi những điều hiển nhiên lại trở thành vấn đề “lạ thường”?

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Hai thế hệ cần “ngồi vào bàn đàm phán”

Khác biệt tư duy giữa hai thế hệ không thể dùng phương pháp cực đoan để giải quyết. Nếu hai bên đều khư khư bám vào lý lẽ của mình, lấy cứng đấu cứng, rốt cuộc chẳng đi đến đâu. Nếu người lớn nản lòng và mặc kệ “bọn trẻ trâu láo toét”, chúng sẽ lạc lối để rồi phạm nhiều sai lầm đáng tiếc.

Thay vì áp đặt quan điểm, sẽ tốt hơn nếu hai thế hệ “ngồi vào bàn đàm phán”, trò chuyện bằng thái độ bao dung, cầu thị. Người trẻ cần hiểu về hoàn cảnh của người đi trước để trân trọng truyền thống và thông cảm với nỗi niềm của họ. Ông bà, cha mẹ, thầy cô thì mở lòng với những suy nghĩ mới mẻ, cấp tiến của giới trẻ. Hai thế hệ không cần hoàn toàn đồng tình với nhau, nhưng ít nhất hãy tôn trọng quan điểm của nhau. 

Theo phunuonline.com.vn