Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em là chị gái đầu trong gia đình có 3 chị em, sau em còn 1 em trai, 1 em gái. Ba má em ở quê có nhà riêng và khu vườn. Em lấy chồng là người nước ngoài. Lương chồng em cũng khá nên em có điều kiện giúp đỡ gia đình.
Em dành dụm từng chút một, kể cả tiền tiêu vặt, lâu lâu có dịp gửi về nhà, nhờ đó ba má em xây được nhà, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, chuyện buồn là vợ chồng em trai em. Cả hai đang sống chung với ba má.
Theo má em kể, em dâu em rất lười biếng và hỗn láo với ba má chồng. Em trai không có việc làm ổn định, hay hỏi xin tiền. Hồi trước, em có tiền cho riêng, sau này thấy mãi mà em ấy không thay đổi, em không cho nữa.
Năm ngoái ba em bệnh, vô ra bệnh viện nhiều lần, em gửi tiền về phụ thuốc thang nhưng rồi vì bệnh nặng, ba em không qua khỏi.
Lúc em về đám tang, gia đình rất nặng nề. Má em không hài lòng con dâu, cứ có chuyện gì làm chung là 2 người gây sự. Vợ chồng em gái út em thì chỉ về cho có lệ. Má em đem bao nhiêu chuyện hỗn hào, vụng, không biết đường ăn ở của em dâu kể cho em nghe. Em cảm thấy rất áp lực.
Đợt này, chồng em cùng về. Dù không biết tiếng Việt nhưng anh cũng nhận ra gia đình có chuyện gì đó, em cố gắng giải thích theo hướng nhẹ đi nhưng chắc anh cũng đoán được.
Em nghĩ trước sau gì má cũng chỉ có thể sống với em trai do vợ chồng em gái út nói rõ là nhà cửa chật chội không nuôi má được, em thì phải trở về lo cho gia đình, không ở lại với má được lâu mà cũng không thể đưa má đi theo.
Má em gặp chuyện gì cũng méc em, làm như em là người phải phân xử mọi chuyện. Em không biết tính sao.
Ngọc Ly (TPHCM)
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Em Ngọc Ly thân mến,
Gia đình ai cũng có những khúc quanh, gập ghềnh. Lúc này, sau thời gian ba em nằm bệnh, mất, gia đình em đang trong hoàn cảnh đó, bây giờ phải thu xếp lại cuộc sống ổn thỏa cho mỗi thành viên.
Em là chị lớn, lại là người có đóng góp cho gia đình, má trông cậy vào tiếng nói của em để phân xử mọi chuyện cũng là việc bình thường. Em sẽ cảm thấy có chút áp lực. Nhưng thử nghĩ nếu người khác đứng ra xếp đặt, đôi khi mình còn khó xử hơn.
Trước tiên, em nên nói chuyện riêng, hỏi ý kiến má. Có những người già muốn sống tự lập, không lệ thuộc vào con cái. Em xem thử má có muốn sống một mình không, điều kiện sức khỏe của má ra sao, có thể tự lo cho bản thân không… Nếu má sống một mình, 2 đứa em lui tới thăm hỏi thế nào?
Em nên sắp xếp một cuộc nói chuyện giữa 3 chị em, bàn về việc chăm lo cho má. Tùy điều kiện mỗi người ở gần hay xa, có thể góp tiền, góp công sức chăm lo phụng dưỡng má.
Chăm lo cha mẹ già yếu luôn là câu chuyện khó, chị em cố gắng nói chuyện với nhau thường xuyên, có gì thì gỡ ra liền. Em cũng không nên giấu chồng việc này, anh ấy chia sẻ được với em thì gia đình em mới yên ổn.
Vợ chồng em trai em xưa nay sống chung, giờ nếu sống một mình thì thu xếp ra sao? Nếu nhà rộng vườn rộng, em cứ đề nghị má cho vợ chồng em trai một khu vực riêng, có thể có lối đi riêng, bếp ăn riêng. Như vậy sẽ đỡ phải chung đụng sinh rắc rối.
Sau một thời gian, nếu cả 2 bên thấy cần thì sẽ mở lời, thảo luận về việc sống chung một nhà; lúc đó, mỗi bên đều sẽ có những nhân nhượng cần thiết.
Việc để gia đình em trai tách riêng cũng đồng nghĩa với việc em trai phải tìm công ăn việc làm, chăm lo cho vợ con. Thời gian đầu khó khăn, em có thể giúp đỡ ít nhiều. Khoản tiền giúp đỡ nên được nói rõ, công khai với cả vợ chồng em trai. Em cũng cần ấn định rõ thời gian giúp đỡ; chẳng hạn sau mấy tháng hay 1 năm, em trai phải tự lo liệu cho gia đình và cuộc sống riêng.
Mình cứ gỡ từng việc. Chúc em bình tĩnh thu xếp việc nhà ổn thỏa.
Hạnh Dung
|
Ảnh minh họa |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Ngọc Trâm (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng): Tìm hiểu mâu thuẫn giữa má và em dâu
Mâu thuẫn giữa mẹ chồng và con dâu là vấn đề phổ biến trong nhiều gia đình. Đa số trường hợp sẽ nghe, tin theo lời kể của mẹ ruột và phán xét em dâu.
Bạn hãy là người phân xử công tâm bằng cách tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa má và em dâu, cố gắng đặt mình vào vị trí của em dâu để hiểu thêm.
Chẳng hạn, má nói em dâu lười biếng thì hãy tìm hiểu xem có phải em dâu đang gặp nhiều áp lực từ công việc hoặc vấn đề gì khác khiến em ấy không còn tâm trí chăm sóc gia đình.
Hay má nói em dâu hỗn láo thì có phải đó chỉ là vì người trẻ đôi khi không giữ ý tứ trong câu chữ. Hoặc em dâu hỗn là do má hay càm ràm, la mắng và coi thường vì vợ chồng em không làm ra nhiều tiền?
Bên cạnh đó bạn hãy giúp má và em dâu hiểu rõ ranh giới của mình. Giải thích rõ cho má hiểu rằng mỗi cặp vợ chồng cần có quyền riêng tư, tự do; dẫn chứng những hành động cụ thể của má khiến con dâu khó chịu như hay càm ràm, nói xấu, thiếu tôn trọng con dâu…
Hãy cho em dâu biết cũng nên tôn trọng văn hóa, thói quen, lối sống của gia đình chồng.
Hoàng Văn (quận 11, TPHCM): Giúp em trai tìm việc làm phù hợp
Bạn nên dành thời gian trò chuyện để tìm hiểu nguyên nhân vì sao em bạn không có việc làm ổn định. Phải chăng em ấy thiếu kỹ năng để tìm kiếm công việc phù hợp với năng lực, sở thích hoặc thiếu động lực phấn đấu?
Giả sử nếu em trai thiếu kỹ năng, bạn có thể hỗ trợ tiền để em đi học nghề hoặc giới thiệu em với bạn bè, đồng nghiệp đang làm ở các lĩnh vực phù hợp với sở trường của em.
Có thể em ấy thiếu động lực phấn đấu vì thường xuyên bị má càm ràm, người thân không tin tưởng và mặc định em ấy “lười biếng”. Hãy cho em ấy biết rằng bạn luôn sẵn sàng hỗ trợ và tin tưởng vào năng lực của em.
Còn nếu em trai chỉ muốn xin tiền mà không có ý định tìm kiếm việc làm ổn định, bạn hãy đưa ra những điều kiện rõ ràng. Ví dụ, bạn chỉ giúp một khoản tiền nhất định mỗi tháng khi em ấy cam kết nỗ lực tìm kiếm việc làm. Giải thích để em bạn hiểu rằng em ấy cần có việc làm để lo cho vợ con; bạn đã có gia đình riêng, còn má cần phải lo, không thể chu cấp mãi.
Theo phụ nữ TPHCM