Tính Dũng xuề xoà, lại hay cả nể và sĩ diện nên với người thân và bạn bè, Dũng chẳng quan tâm tiền nong có sòng phẳng hay không. Trong mọi cuộc vui, có tiền trong túi là Dũng hào phóng bao trọn gói.

Quỳnh biết tính chồng tiêu xài bạt mạng nên sau cưới, cô ra điều kiện Dũng lo hết chi phí trong nhà, tiền lương của Quỳnh để dành lo việc lớn.

Để đủ chi tiêu cho cả nhà 3 người, Dũng phải cật lực làm thêm và giảm bớt những cuộc vui với bạn bè. Anh cũng không còn hào phóng cho tiền đám cháu mỗi khi về quê.

Lương công chức, cộng thêm tiền làm thêm chỉ đủ chi phí cơm ngày 3 bữa cho đôi vợ chồng và đứa con. Mỗi khi con đau ốm hoặc bạn bè mời đám cưới, thôi nôi, đầy tháng… là Dũng rỗng túi. Dũng sĩ diện nên không hé răng với vợ, anh vay quanh bạn bè rồi xoay xở trả dần.

Dũng ráng gồng gánh gia đình mà không một lời than thở. Vợ chồng yên ấm hoà thuận vì Dũng lo lắng đầy đủ cho vợ con. Có sóng gợn đâu đó thì Dũng cũng đã che chắn cho cửa nhà bình yên. Quỳnh bắt đầu quen với cách choàng gánh của chồng, không quan tâm xem chồng thiếu đủ thế nào.

Nhớ hồi Quỳnh sinh bé Gạo, Dũng đinh ninh vợ đã dự trù một khoản kinh phí cho việc sinh nở, vì lương của Dũng đã tiêu sạch hàng tháng. Nhưng Quỳnh hồn nhiên nói: “Em mang thai cực khổ lắm rồi, tiền nong anh phải lo sao bắt em lo”. Dũng không đành tranh cãi khi vợ đang bầu bì, anh đau đầu nghĩ cách vay quanh bạn bè để vợ yên tâm sinh nở. Số nợ đó, mãi khi bé Gạo thôi nôi Dũng mới trả hết.

Đôi lúc Dũng thấy cô độc. Vợ con cười vui bên cạnh đó thôi, nhưng anh không thể chia sẻ hay than thở. Mà Dũng cũng không muốn than thở. Sĩ diện đàn ông không cho phép anh tỏ ra yếu hèn trước vợ.

Gánh nặng gia đình luôn làm đàn ông mệt mõi (ảnh minh hoạ)
Gánh nặng gia đình luôn làm đàn ông mệt mỏi (ảnh minh hoạ)

2 năm trước, ba mẹ Quỳnh sửa nhà. Chị em Quỳnh bàn nhau mỗi người góp 100 triệu đồng. Việc đóng góp Dũng không có ý kiến.

Vợ chồng lấy nhau đã 5 năm, tiền ăn sáng, xăng xe của vợ anh cũng chi, nên Dũng biết số tiền vợ dành dụm không ít. Thế nhưng Quỳnh lại yêu cầu Dũng kiếm 100 triệu đồng góp cho việc sửa nhà ấy. Trong cơn cãi vã, tự ái đàn ông nổi lên, Dũng vỗ ngực nói sẽ lo được. Vì lời hứa đó, Dũng phải đi vay tín dụng đen. Lãi mẹ đẻ lãi con, chỉ mới nửa năm, từ 100 triệu ban đầu, đã thành 200 triệu. Dũng quay cuồng vì nợ đòi, vì khủng hoảng tinh thần.

Trong một lần xã hội đen tới nhà tạt sơn để đòi nợ, chuyện vỡ lở, ba mẹ vợ Dũng khuyên “lo làm ăn, nợ từ từ trả cũng hết, không sao”. Quỳnh thì khăng khăng “nợ ai làm nấy chịu”…

Quỳnh đổ tại Dũng tiêu xài bạt mạng nên lâu nay cô phải quản chặt tiền nong. Tiền đó sau này để lo tương lai bé Gạo nên cô dứt khoát không để sứt mẻ đồng nào.

Dũng nghĩ anh hết lòng vì vợ con, tử tế với nhà vợ, nhưng lại nhận cái kết đắng. Bạn bè thì khuyên Dũng bớt lo chuyện bao đồng, đừng tỏ ra anh hùng rơm, phải biết liệu cơm gắp mắm… Dũng cũng phải xem lại cách Quỳnh quản lý tiền nong. Anh không thể gánh hết mọi chi tiêu, khi gặp chuyện thì Quỳnh chẳng chịu chi đồng nào, như vậy là không công bằng.

Người ta hay nói “tiền nong đặt ở đâu thì tâm ở đó”. Dũng hoang mang khi vợ không để tâm tới anh. Những khó khăn anh gặp phải, vợ không cùng anh tìm cách giải quyết. Lỗi cũng tại Dũng khi vợ đòi gì anh cũng đáp ứng nên vợ nghĩ anh tài giỏi, hoặc giấu tiền riêng nhiều lắm.

Bạn bè khuyên Dũng ngồi lại cùng vợ để trải lòng, bàn cách giải quyết số nợ và phân chia trách nhiệm. Quỳnh cần thấu hiểu và chia sẻ với chồng, không thể quá cứng nhắc trong cách quản lý tiền nong. Dũng cũng không quá ôm đồm, việc gì cũng gánh vác để rồi đổ nhào vì cái gánh quá nặng.

Tiền không phải là tất cả, nhưng tiền là thước đo lòng người. Quản lý tiền nong phải sòng phẳng và công bằng thì tình cảm vợ chồng mới có thể bền lâu. Đàn ông đừng nghĩ đơn giản rằng gánh hết chi phí, không cần tiền của vợ thì sẽ được nể trọng.

Theo phụ nữ TPHCM